Vạch mặt chiêu trò hiểm ác của thương lái Trung Quốc

Chiêu trò của thương lái Trung Quốc đang bị các DN hồ tiêu vạch mặt, với kiểu ký hợp đồng giá nào cũng mua sau đó không thanh toán rồi... "bỏ bom" nhà cung cấp.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa mới đưa ra cảnh báo việc một số doanh nhân Trung Quốc đang có những động thái ảnh hưởng đến thương mại hồ tiêu trong nước.
Theo VPA, giá hồ tiêu trong nước đang có biểu hiện lên xuống bất thường từ cuối tháng 7 đến nay. Cụ thể ngày 28/7 vừa qua giá tiêu xô loại 500g/l trong buổi sáng đang từ 80.000 đồng/kg vụt tăng lên 86.000 đồng/kg, sau đó đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đồng/kg. Hiện nay giá vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp hội viên VPA, có bằng chứng cho thấy có một nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu của Việt Nam những ngày này.
Cụ thể, tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu đều có hiện tượng nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đến đặt mua hồ tiêu.
Vach mat chieu tro hiem ac cua thuong lai Trung Quoc
 
Điều bất thường là doanh nghiệp Việt Nam đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán với họ.
Sau đó, họ thuê khách sạn ở gần trụ sở của công ty xuất khẩu và ngày nào cũng tới công ty này để hối thúc thực hiện hợp đồng.
Theo thông lệ thường sau 3 ngày kể từ khi ký hợp đồng, họ sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn 3 ngày họ đều không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua và giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ…để trì hoãn thực hiện hợp đồng.
Việc này họ làm với nhiều công ty xuất khẩu tạo tín hiệu thị trường đang cần nhu cầu mua với số lượng lớn.
Cùng thời gian này, vì biết các doanh nghiệp sẽ phải gấp rút mua gom từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký với họ nên cũng chính nhóm doanh nghiệp Trung Quốc này lập tức toả đi các địa phương giao dịch với các đại lý thu mua hồ tiêu tại địa phương các vùng trồng hồ tiêu và hứa sẽ bán cho đại lý (với giá thấp hơn giá thị trường lúc đó).
Các đại lý này thấy lời tốt nên sẽ đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn, sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao của họ.
Lúc đó vì áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với nhà xuất khẩu và nhà xuất khẩu với họ, họ sẽ bán hồ tiêu của họ ra cho các đại lý với giá tăng nóng do họ đặt ra.
Hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu khi điện thoại lại với họ thì tất cả đều “không liên lạc được”. Cách làm này không mới nhưng đang trở lại gần đây gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp như:
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu mải lo thực hiện hợp đồng (thường họ ký với số lượng khá lớn khiến doanh nghiệp thấy lợi nhuận tốt) với doanh nghiệp Trung Quốc nên không xuất khẩu đi các thị trường khác được.
Sau đó doanh nghiệp Trung Quốc lại không thực hiện hợp đồng khiến doanh nghiệp Việt Nam vừa thiệt hại về doanh số vừa bị mất uy tín, mối làm ăn với các doanh nghiệp nhập khẩu ở các thị trường truyền thống khác;
Doanh nghiệp Trung Quốc gây lũng đoạn thị trường, tạo giá cả biến động chồi sụt liên tục khiến các nhà làm tiêu trong nước e dè không dám mua bán, ảnh hưởng đến các giao dịch giữa nhà cung ứng với nhà xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thu lợi lớn từ việc làm giá theo ý đồ của họ, gây thiệt hại cho nông dân và ngành hồ tiêu Việt Nam bởi việc mua bán đã không theo qui luật thị trường.
Chính vì thế, VPA đề nghị các doanh nghiệp thận trọng khi thực hiện các giao dịch với doanh nghiệp mua bán hạt tiêu của Trung Quốc.

Bitcoin hiện đắt gấp 3 lần vàng

Giá trị của Bitcoin vừa đạt mức kỷ lục, lên đến 3.400 USD một đồng.

Sau nhiều lần lập đỉnh về giá trị trong nửa năm qua, Bitcoin hiện có giá trị gấp gần 3 lần vàng – thứ tài sản dự trữ phổ biến trên toàn thế giới.

Tào Văn Lang ở làng... tỷ phú

“Giàu gì đâu anh, nhiều người hơn em nhiều lắm. Đã bảo Chư Sê (Gia Lai) giờ là huyện tỷ phú mà. Và xã nhiều tỷ phú nhất của Chư Sê là Ia Blang này…”.

Thủ phủ cao su, hồ tiêu

Chư Sê là mảnh đất khá lạ. Nó rất gần thành phố Pleiku để khiến khách không ngủ qua đêm ở đấy mà chạy thẳng về Pleiku, nhưng nó lại đủ xa để người Chư Sê không hú người Pleiku xuống nhậu nhẹt chơi bời như những vùng ngoại ô khác…

Tao Van Lang o lang... ty phu
Tỷ phú Tào Văn Lang (trái) kể về những ngày từ tỉnh Bình Định lên lập nghiệp ở đất Chư Sê (Gia Lai). Ảnh: Văn Công Hùng

Tất nhiên đến giờ, cái sự trồng cao su tràn lan đang còn nhiều câu hỏi lợi hại, nhưng với Chư Sê, sự thay đổi rõ rệt đến mức thần kỳ đến từ hồi cao su đổ bộ vào. Rồi sau đấy là tiêu, cà phê, khiến cho nơi đây trở thành thủ phủ tiêu, có phần còn nổi tiếng hơn nơi tiêu từ đấy phát tán về Chư Sê là Phú Quốc và Vĩnh Linh.

Tôi nhớ, chừng năm 1982-1983, xuống xã Ia Blang của huyện Chư Sê như xuống... u tì quốc. Toàn là người Huế đi kinh tế mới, nheo nhóc khổ sở. Gió cuồn cuộn và bụi mù mịt, nhà cửa tuềnh toàng nên tất cả đỏ bụi, kể cả mâm cơm. Nước sinh hoạt không có mà lại sốt rét và Fulro. Rất nhiều gia đình đã mếu máo hồi hương. Hồi ấy nhà vách gỗ, mái tôn, nền xi măng đã là sang lắm.

Chỉ chừng hơn chục năm sau thì cái tên Chư Sê bắt đầu xuất hiện nhiều với sản phẩm là cao su và tiêu. Và những người Huế đầu tiên lên lập nghiệp ở đấy được gọi vui là... “Huế kiều” đã có thể thuê ôtô về thăm nhà.

Và giờ, đấy là một khu sầm uất bậc nhất của Chư Sê, huyện cách thành phố Pleiku có 40km, đang trong tư thế trở thành thị xã, và nó hoàn toàn xứng đáng trở thành thị xã. Chỉ nguyên chi tiết này đã kinh rồi, ấy là, Chư Sê là đơn vị đứng thứ 2 sau thành phố Pleiku về thu ngân sách, hơn cả 2 thị xã của tỉnh là An Khê và Ayun Pa.

Sáng nay tôi về đấy, đi cùng ông Phạm Đức Long -Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Gia Lai. Ông Long lại vời thêm ông Hoàng Phước Bính - nguyên Chủ tịch xã Ia Blang, giờ là Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu Gia Lai, người Huế đi kinh tế mới cái thời đầu tiên gian khổ ấy, giờ vừa là đại gia vừa là một ông cán bộ mẫn cán.

Mảnh đất ươm khát vọng làm giàu

Tao Van Lang o lang... ty phu-Hinh-2
Tỷ phú Tào Văn Lang (trái) chụp hình lưu niệm cùng tác giả.  Ảnh: Văn Công Hùng

Ghé một cơ ngơi cực kỳ sang trọng ngay bên đường 14, cách trung tâm thị trấn Chư Sê... 1 cây số. Đó là nhà của ông nông dân Tào Văn Lang. Gặp chủ nhà tôi nói ngay, chú là hình mẫu của nông dân thời mới. Nông dân có xe ôtô đậu trong sân, smartphone kè kè trong tay và laptop liên tục mở trên bàn, quần áo toàn hàng hiệu.

Bốn mươi tám tuổi, đã từng khổ, rất khổ. Quê ở huyện Tây Sơn, Bình Định, ba đứa con trai nheo nhóc, bèn tìm đường... kiếm sống. Đầu tiên là vượt 2 cái đèo, qua Gia Lai tiến sang Đăk Lăk. Ở đấy 3 năm, chịu không nổi vì khổ hơn ở nhà nên lại về quê nhờ mẹ. Nhưng ở quê lại thấy... ngoài kia có vẻ sướng hơn, thế là lại ngọ nguậy, lại muốn đi. Tôi nói với Lang, anh hình dung ra tình cảnh em khi ấy, nhất là cái cảnh cả nhà dồn đống trong mấy cái bao tải lếch nhếch lên xe xuống tàu mà chưa biết phía trước là cái gì, trong túi tiền rất ít, dân Bình Định thì chắc chắn sẽ có vài chỉ vàng dắt lưng, nhưng cũng chẳng thấm tháp gì nếu có việc xảy ra.

Năm 1992, lúc này đời sống xã hội nói chung đã đỡ rồi, nghe lời rủ của một người bà con xa, vợ chồng con cái lại bìu díu đi. Lần này đích là xã Ia Blang, huyện Chư Sê. Mới chỉ nghe nói chứ chưa biết nó mặt ngang mũi dọc ra làm sao, nhưng bí bách quá rồi, cảm thấy ra đường sướng hơn ở nhà rồi, thế là bìu díu đi...

Ở nhờ nhà bà con và đi làm thuê, việc gì cũng làm. Rồi tiến tới mua mấy đám rẫy, hồi ấy cũng rẻ, vừa làm thuê vừa làm rẫy nhà mình. Rồi mua miếng đất mặt đường làm nhà. Gần chục năm thì mở kinh doanh, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Tôi nghiệm ra, những người làm ăn giỏi, ngoài sự có năng khiếu bẩm sinh, có sự may mắn, họ phải có sự liều nữa. Chả liều mà anh thanh niên tên Tào Văn Lang này, sau cú đưa cả gia đình đi như kiểu cầu may sang Đăk Lăk không thành, lại tiếp tục cú liều thứ 2, là tiếp tục đi đến một nơi mà mình chưa biết bao giờ.

Lang kể, hồi ấy lên đây dã quỳ còn phủ kín, đất thưa người ít, hoang mang đến rợn người. Nhưng bằng con mắt của con nhà nông và khát khao kiếm sống, anh phát hiện đất ở đây cực tốt, cây gì cắm xuống cũng sống, chỉ sợ mình lười thôi. Mà lười thì soi kính hiển vi cả hai vợ chồng anh đều không... tìm ra.

Giờ anh có 3 cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc trừ sâu, 6.000 gốc tiêu, 3ha cà phê và 10ha cao su.

Ba đứa con trai đẻ ở Tây Sơn, Bình Định lếch nhếch theo bố mẹ ngày nào giờ một đứa học dầu khí bên Mỹ đã ra trường và làm việc bên ấy luôn. Một đứa đã tốt nghiệp đại học trong nước giờ giúp ba mẹ quản trị việc nhà, một đứa chuẩn bị tốt nghiệp, chắc sẽ làm việc ở Sài Gòn, và cô út, sản phẩm sinh ra từ đất Ia Blang này, vừa đậu vào Học viện Tòa án. Tôi nói với Lang, nguyên việc năm nay có cháu học sinh 30 điểm vẫn rớt đại học thì con bé nhà em là rất giỏi.

Ngồi nghe ông Bính và ông nông dân Tào Văn Lang nói chuyện, tôi mới hiểu họ... nông dân đến mức nào. Tức là sự thấu hiểu đất, thấu hiểu cây một cách hết sức thực tiễn và khoa học…

Mong qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai

Hiện nay đang đến thời kỳ “thoái trào” của mấy cây thế mạnh của Chư Sê. Tiêu thì chết, phần lớn là thối rễ chết, và hạ giá kinh khủng. Như tiêu từ 200.000 một ký lô giờ còn có 80.000 mà không bán được. Vườn cao su nhà anh Lang, thuê 2 vợ chồng ở trông vườn và cạo mủ hết 130 triệu đồng/năm, mà giá cao su thì mỗi sáng mở mắt ra lại hạ một giá, cứ tuồn tuột hạ như tuột men. Cây thoái trào kéo theo kinh doanh trì trệ. Lang nói, chả ai quỵt mình đâu vì mình sống tốt với người ta, nhưng người ta mua phân, mua thuốc chịu, giờ không bán được sản phẩm, người ta nợ, biết làm sao? Hỏi nợ khó đòi nhiều không? Phải đến chục tỷ anh ạ. Mất chắc chắn thì vài chục triệu thôi, còn lại thì... cứ để lai rai thế.

Ngồi tí mà điện thoại réo liên tục, tôi ý tứ rút sớm để không phí thời giờ của ông chủ vừa sản xuất vừa kinh doanh giỏi này. Trong những cú điện thoại ấy có cú hẹn lấy vở tặng các cháu học sinh nhân năm học mới. Tại xã này, phía sau nhà Lang, có một cái giọt nước anh tặng dân làng. Đã bảo, dân Tây Nguyên quý nhất là giọt nước. Nó như cái cầu ao hoặc giếng làng người Kinh. Thấy dân khổ vì nước, anh ủng hộ. Rồi ủng hộ dê cho các gia đình nghèo. Nhưng anh cũng rạch ròi, chỉ ủng hộ những người nghèo nhưng có chí làm ăn, chịu khó làm ăn, chứ không ủng hộ những anh nghèo do lười.

Đất Tây Nguyên này không nghèo vĩnh viễn được, Lang nói, chỉ có anh không chịu làm, có đồng nào uống rượu hết mới nghèo thôi, mà mấy anh nghèo “chuyên nghiệp” này thì... khó chữa nghèo cho các anh ấy lắm. Ông Bính kể, các phong trào xã hội, các đợt quyên góp giúp đỡ... gia đình Lang đều tham gia, và không chỉ tham gia, còn đi đầu. Thế nên tôi thấy cái phong thái tự tin khi Lang nói, bà con đang khó khăn họ nợ mình, chứ chả mất đâu mà sợ, giá lên, có tiền là họ lại trả mình thôi. Đây là giai đoạn khó khăn chung của dân trồng cao su, tiêu và cà phê Tây Nguyên mà. Mình sống tốt với bà con thì chắc chắn bà con sẽ tốt lại với mình…