1. Thủ đoạn giả danh cán bộ ngành điện lực
Mới đây, Công ty Điện lực Lào Cai cho biết đã phát hiện một chiêu trò lừa đảo tinh vi khi một số đối tượng mạo danh nhân viên ngành điện gọi điện cho khách hàng với lý do "đổi mã khách hàng", đồng thời yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và cài đặt ứng dụng lạ để cập nhật mã mới.
Một trong những người bị tiếp cận trực tiếp là ông Cao Hữu Cường, hiện giữ chức Phó Đội Quản lý điện khu vực Lào Cai. Trong cuộc gọi, đối tượng tự nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng và đưa ra thông tin sai lệch rằng từ tháng 7/2025, toàn bộ mã khách hàng cũ sẽ bị hủy, thay bằng mã mới. Nếu không thực hiện cập nhật, khách hàng có thể không thanh toán được tiền điện và thậm chí bị cắt điện

Thủ đoạn tiếp theo được các đối tượng sử dụng là đề nghị khách hàng cài đặt một ứng dụng không rõ nguồn gốc và chuyển cuộc gọi sang một người khác đóng vai “đồng nghiệp” để kết bạn Zalo và tiếp tục thao túng, hướng dẫn cập nhật giả.
Khi ông Cường tỏ ý nghi ngờ về nguy cơ mất tiền trong tài khoản ngân hàng, đối tượng nhanh chóng trấn an và đánh vào tâm lý người dân bằng cách đưa ra “giải pháp” thay thế như đến bưu điện để xử lý mã mới, nhằm củng cố niềm tin và dễ dàng khai thác thông tin nhạy cảm.
Trước đó, tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cũng cảnh báo tình trạng gia tăng các vụ giả mạo nhân viên điện lực để lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách hàng, lợi dụng thông tin tổ chức lại mô hình hoạt động theo địa giới hành chính mới của Thủ đô.
Theo đó, EVNHANOI đã tiến hành sắp xếp, tổ chức lại từ 30 Công ty Điện lực quận/huyện thành 12 Công ty Điện lực khu vực. Tuy nhiên, quá trình này lại trở thành cái cớ để các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ ngành điện nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người dân.
Các thủ đoạn phổ biến được ghi nhận gồm: gọi điện, nhắn tin, gọi video tự xưng là cán bộ EVNHANOI hoặc nhân viên Công ty Điện lực khu vực để hướng dẫn cập nhật thông tin sau sáp nhập.
Đối tượng yêu cầu cung cấp mã khách hàng, số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã OTP hoặc đề nghị người dân cài đặt ứng dụng lạ chứa phần mềm gián điệp.
Một số trường hợp còn đến tận nhà giả danh nhân viên ngành điện để kiểm tra công tơ, yêu cầu ký lại hợp đồng hoặc thu các khoản phí với lý do “chuyển đổi sau sáp nhập”.
2. Thực tế cảnh báo từ ngành điện lực
Phía đại diện Công ty Điện lực Lào Cai cho rằng đây là thủ đoạn có tính toán, đặc biệt nguy hiểm khi diễn ra trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, khiến người dân thiếu thông tin chính thức và dễ rơi vào bẫy lừa đảo.
Ngành điện cũng khẳng định không có bất kỳ kế hoạch nào về việc thay đổi đồng loạt mã khách hàng như những gì kẻ gian đưa ra. Công ty khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu hay mã OTP cho bất kỳ ai, cũng như tránh tải về ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi hoặc tin nhắn đáng ngờ, khách hàng nên liên hệ ngay với tổng đài chăm sóc khách hàng EVNNPC qua số 1900 6769 hoặc đến trực tiếp đơn vị điện lực địa phương để được xác minh và hỗ trợ kịp thời.
EVNHANOI cũng khẳng định không triển khai bất kỳ hoạt động cập nhật thông tin, xác thực tài khoản, thu thập mật khẩu hay mã OTP nào qua điện thoại, tin nhắn, email hay các kênh không chính thống. Đồng thời, đơn vị không gửi đường dẫn (link) yêu cầu khách hàng tự khai báo thông tin hoặc cài đặt ứng dụng bên ngoài hệ thống chính thức. Trong trường hợp cần làm việc trực tiếp, nhân viên EVNHANOI luôn mang giấy giới thiệu, mặc đồng phục và xuất trình thẻ ngành theo đúng quy định.

Trước tình trạng giả mạo diễn biến phức tạp, EVNHANOI khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP hay hình ảnh giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai nếu chưa xác minh rõ ràng. Trong mọi tình huống nghi ngờ, khách hàng cần chủ động liên hệ Tổng đài Chăm sóc khách hàng 19001288 hoặc email: evnhanoi@evnhanoi.vn để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.
Mặc dù hành vi giả danh nhân viên điện lực không mới, song đang có dấu hiệu gia tăng đột biến với mức độ tinh vi ngày càng cao. Thống kê từ Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNHANOI cho thấy, năm 2024 có hơn 3.300 cuộc gọi phản ánh về các cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ ngành điện. Đáng chú ý, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, con số này đã vượt mốc 14.300 trường hợp – gấp hơn 4 lần cả năm trước.
Để ngăn chặn, EVNHANOI đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, Tổng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông cảnh báo qua nhiều kênh như website, fanpage, phát thanh... nhằm bảo vệ quyền lợi và tài sản của khách hàng.
EVNHANOI cũng đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, chủ động chia sẻ thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè để phòng tránh rủi ro. Việc tái cơ cấu tổ chức là hoạt động nội bộ, không làm gián đoạn việc sử dụng điện và không ảnh hưởng đến các dịch vụ đã cam kết. Mọi quyền lợi của khách hàng vẫn được đảm bảo đầy đủ, liên tục và không thay đổi.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần lưu ý:
- Cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ đối tượng không rõ danh tính.
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, Zalo, hoặc SMS.
- Nếu nhận được yêu cầu thanh toán, hãy kiểm tra lại thông tin qua các kênh chính thức của công ty điện lực như website, tổng đài hỗ trợ khách hàng.
- Trong trường hợp nhận được tin nhắn hoặc Email có chứa đường dẫn yêu cầu thanh toán, hãy thực hiện kiểm tra tính chính thống và tránh truy cập ngay lập tức vào những đường dẫn này.
- Tuyệt đối không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc từ những website do đối tượng lạ gửi đến.
- Đảm bảo thanh toán qua các phương thức mà công ty điện lực công nhận như qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp tại các điểm thu tiền chính thức. Tổng công ty Điện lực EVN đã và đang triển khai thu tiền điện qua ứng dụng EVNHCMC, ví điện tử (Payoo, Airpay, MoMo, Viettel Pay, VNpay, VNPT EPay…), Internet/SMS/Mobile Banking, Website/Ứng dụng của các ngân hàng (đặc biệt qua hình thức trích nợ tự động của ngân hàng).
- Nếu cảm thấy nghi ngờ về một cuộc gọi hay tin nhắn, hãy liên hệ ngay với công ty điện lực để xác nhận thông tin. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về khung hình phạt dành cho các hành vi lừa đảo trên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với hành vi giả danh nhân viên Điện lực nhằm chiếm đoạt tiền của người khác có thể sẽ bị xử phạt về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Có thể hiểu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối như đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) để chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm mà có các hình thức xử phạt khác nhau có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu toàn bộ tài sản.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lần đầu mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị phạt hành chính. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ bị phạt từ 02 - 03 triệu đồng. Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi trên thì bị phạt từ 04 - 06 triệu đồng.