Tưởng liệt do thoát vị đĩa đệm không ngờ u tủy ngực

U tuỷ ngực phát triển hoặc chèn ép vào ống sống dẫn đến các vấn đề về thần kinh, gây tê liệt, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Tinh thần thép sau 3 tháng kiên trì thoát liệt do u tủy ngực

Từ Phú Yên vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để điều trị bệnh lý u tuỷ ngực gây yếu liệt hai chân, với “tinh thần thép” bà N.T.H (59 tuổi) đã hồi phục ngoạn mục ngoài dự kiến. Sau gần 3 tháng kiên trì điều trị và tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật, bà có thể độc lập di chuyển bằng khung tập đi, chiến thắng căn bệnh tưởng chừng khiến bà nằm liệt một chỗ.

Trước đó, từ đầu năm 2024, bà H. thường xuyên bị đau nhức lưng, bà có đi khám ở một số cơ sở y tế tại Phú Yên và được chụp MRI chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Thời điểm đó bà nghĩ bệnh chưa nghiêm trọng nên chỉ tự điều trị bằng thuốc bắc tại nhà.

Đến tháng 11/2024, bệnh nhân đột ngột bị liệt chân bên phải không rõ nguyên nhân. Dẫu vậy bà vẫn chịu đựng, sau đó chân trái của bà H. cũng dần yếu đi. Người nhà đưa bà đến một bệnh viện ở tỉnh Bình Định thăm khám thì phát hiện bị u tuỷ ngực đoạn D10.

Cơn đau nhức lưng ngày càng nghiêm trọng, hai chân bà H không thể cử động, bà dường như nằm liệt một chỗ, tiểu không kiểm soát. Đầu năm 2025, nhận thấy bệnh tình ngày càng nặng, không thể chần chừ thêm, gia đình đã bàn bạc và quyết định đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á điều trị.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Sọ não Cột sống 2 Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã thăm khám kiểm tra, ghi nhận có khối u tủy ngực ở đoạn đốt sống ngực D10 gây chèn ép ống sống tủy ngực nghiêm trọng – đây chính là nguyên nhân gây liệt hai chân, rối loạn tiêu tiểu ở người bệnh.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật giải áp, lấy trọn khối u tủy. Sau ca mổ, bệnh nhân hết đau lưng, tuy nhiên sức cơ hai chân còn kém, hai chân vẫn yếu liệt và chưa thể tự đi lại. Vì thế, các bác sĩ khoa Sọ não Cột sống 2 đã hội chẩn cùng khoa Y học Cổ truyền – Phục hồi Chức năng, thống nhất chuyển người bệnh xuống khoa Y học Cổ truyền – Phục hồi Chức năng để tập luyện lấy lại sức cơ vận động hai chân.

Mỗi ngày, bà H. được các bác sĩ và kỹ thuật viện khoa Y học Cổ truyền – Phục hồi Chức năng tập luyện đều đặn 2 buổi sáng chiều theo phác đồ. Bắt đầu bằng các bài tập thụ động tại giường để chống teo cơ, kết hợp điện xung kích thích thần kinh cơ, sau đó bà H. được hướng dẫn tập đứng bàn xiên quay.

Sang tháng thứ 2, sức cơ của bà dần cải thiện khá hơn ở mức ⅖, các kỹ thuật viên hướng dẫn bà tập đứng và đi trong thanh song song, vận động các cơ gấp duỗi, kết hợp châm cứu. Bước sang tháng thứ 3, bà H. đã có thể tự co duỗi chân, được hướng dẫn tập đi lại bằng khung.

u-tuy-nguc.jpg
Sau 3 tháng kiên trì tập luyện người bệnh đã đi lại được.

BS.CKI. Ngô Tấn Phát, Phó Trưởng khoa Y học Cổ truyền và Phục hồi Chức năng Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Theo dự kiến, bệnh nhân H. cần 5 – 6 tháng tập phục hồi chức năng mới mong lấy lại sức cơ.

Tuy nhiên, chỉ mới chưa đầy 3 tháng kiên trì tập luyện, từ các bài tập thụ động tại giường đến các bài tập kháng lực, tập đi và phối hợp châm cứu, giờ đây bà H. đã có thể tự đi lại bằng khung trong cự ly 5 – 10m, tự vận động gấp duỗi bàn chân, sức cơ đạt đến 70%, tiểu tự chủ. Đây là một sự hồi phục ngoạn mục ngoài mong đợi. Có lẽ nhờ bệnh nhân không có bệnh lý nền nên quá trình hồi phục cũng thuận lợi hơn”.

Hiện tại, bà H. tiếp tục tuân thủ phác đồ tập luyện của các y bác sĩ khoa Y học Cổ truyền và Phục hồi Chức năng. “Hy vọng trong vòng 1 tháng tới, tôi có thể tự đi lại để sớm trở về cùng gia đình”, bà N.T.H phấn khởi nói.

Qua trường hợp của bệnh nhân H., các bác sĩ khuyến cáo người dân khi gặp phải các triệu chứng đau lưng, yếu chân, tê bì chân cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh thăm khám và có hướng điều trị kịp thời tránh để lại hậu quả nặng nề.

Bệnh lý nguy hiểm, dễ chẩn đoán nhầm

U tủy ngực là một dạng u tủy xảy ra khi có khối u phát triển trong ống sống hoặc chèn ép vào trong ống sống, dẫn đến các vấn đề về thần kinh, gây tê liệt hoặc thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

U tuỷ ngực thường gây ra các dấu hiệu như đau, rối loạn vận động, rối loạn cảm giác như tê, yếu tay chân,….Các cơn đau kèm rối loạn vận động với mức độ nghiêm trọng tăng dần, từ yếu một vài nhóm cơ đến liệt cứng vận động hoàn toàn kiểu trung ương, tăng trương lực cơ, tăng phản xạ gân xương. Rối loạn cảm giác lúc đầu có thể chỉ biểu hiện dị cảm hoặc giảm cảm giác đau theo rễ thần kinh, nặng hơn sẽ mất cảm giác đau từ chỗ tủy tổn thương trở xuống.

U tuỷ ngực là căn bệnh nguy hiểm, dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh cơ xương khớp phổ biến như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm hoặc các bệnh lý thần kinh khác như viêm dây thần kinh, viêm rễ thần kinh,…dẫn đến điều trị không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và phẫu thuật kịp thời, đa số trường hợp đều có khả năng hồi phục tốt và ít có nguy cơ tái phát.

Vì vậy, muốn chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả, người bệnh cần được thăm khám đúng thời điểm và kỹ càng bởi các bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.

Mục tiêu của phục hồi chức năng cho người bệnh bị liệt hai chân do u tuỷ ngực là để cải thiện sức cơ, phục hồi vận động cho bệnh nhân sau phẫu thuật, từ đó giúp người bệnh có thể độc lập và tự chủ trong việc chăm sóc bản thân, sớm trở lại cuộc sống thường ngày.

Thời gian điều trị phục hồi chức năng sau phẫu thuật u tuỷ ngực thường trải qua nhiều giai đoạn, có thể lên đến 5 – 6 tháng tại bệnh viện hoặc cơ sở điều trị và tiếp tục duy trì kéo dài tại nhà.

Người bệnh sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn các bài tập từ cơ bản đến nâng cao, bắt đầu bằng các bài tập thụ động tại giường đến các bài tập kháng lực, tập đi và phối hợp châm cứu, điện xung kích thần kinh cơ,…

Việc phục hồi chức năng đúng cách sau phẫu thuật u tuỷ ngực đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện sức vận động của hai chân yếu liệt, giúp người bệnh thoát nguy cơ nằm một chỗ.

Cấy chỉ “cứu” chân tê bì do thoái hóa cột sống chèn ép thần kinh

Cấy chỉ là một kỹ thuật kết hợp giữa y học cổ truyền và trang thiết bị của y học hiện đại. Phương pháp này thực hiện nhanh, đơn giản. Sau khi cấy chỉ xong người bệnh vẫn sinh hoạt làm việc bình thường.

Thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng... gây liệt

Người bệnh Đ.Q.T. 65 tuổi (trú tại Quang Trung, Uông Bí) nhập viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí trong tình trạng bị đau buốt vùng thắt lưng, đau lan xuống chân 2 bên, 2 chân tê bì liên tục, vận động quay, cúi người khó khăn.

Chữa nhiều nơi nhưng liệt mới phát hiện u tủy, phát hiện sớm cách nào?

U tủy là một bệnh lý hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Bệnh tiến triển âm thầm, các triệu chứng ban đầu như tê bì nhẹ, đau mỏi cột sống, yếu chi rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý cơ xương khớp thông thường.

Liệt hai chân mới tìm ra bệnh

Ngày 17/4/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt: bệnh nhân Phạm Thị V. (44 tuổi, trú tại xã An Thượng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) được chuyển đến trong tình trạng liệt hoàn toàn hai chân, rối loạn cảm giác từ vùng hai bẹn trở xuống, đau nhiều tại vùng cột sống.