Tự ý chặn tin nhắn, chặn 3G ... MobiFone có thể bị phạt tiền

(Kiến Thức) - Tự ý chặn tin nhắn, chặn 3G và có ý định hủy sim của anh Trung, MobiFone có thể sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Liên quan đến trường hợp của anh Lê Thiện Trung bị nhà mạng MobiFone chặn tin nhắn, chặn 3G và đòi hủy sim vì có hộ khẩu cùng với người chú Lê Quốc Tuấn – người còn nợ tiền cước nhà mạng trước đó, được đăng tải trên báo Tuổi trẻ - PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Theo luật sư Tiến, việc tự ý chặn tin nhắn, chặn 3G và có ý định hủy sim của anh Trung, nhà mạng MobiFone có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Luật sư Tiến cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ số thuê bao di động trả sau cho mục đích cá nhân hoặc công ty ngày càng tăng do các nhà mạng đã tạo ra nhiều chương trình ưu đãi, nhất là về giá cước cuộc gọi của thuê bao di động trả sau. Việc đăng ký sử dụng dịch vụ thuê bao di động trả sau cũng khá là dễ dàng, khách hàng có thể mua trực tiếp sim trả sau tại các điểm giao dịch, đại lý của nhà mạng hoặc đăng ký chuyển đổi từ thuê bao di động trả trước sang trả sau tại các điểm giao dịch của nhà mạng thông qua các hợp đồng dịch vụ.
Về bản chất, các hợp đồng dịch vụ này chính là các hợp đồng thương mại, do đó nếu hợp đồng được ký kết, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật thì các bên sẽ phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng.
Tu y chan tin nhan, chan 3G ... MobiFone co the bi phat tien
 Hợp đồng của anh Trung đã ký, nhưng sau đó bị chặn tin nhắn và 3G vì có hộ khẩu chung với người chú của mình - Ảnh nguồn: Tuổi trẻ.
Xét về trường hợp của anh Lê Thiện Trung, việc nhà mạng MobiFone tự ý “chặn tin nhắn, chặn 3G và đòi hủy sim” có thể được xem là một hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Bởi lẽ, căn cứ theo quy định tại Điều 26 Luật Viễn thông 2009 về việc từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông thì:
“Doanh nghiệp viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:
1. Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm hợp đồng đã giao kết;
2. Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước đã bị các doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận từ chối cung cấp dịch vụ;
3. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông được cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông xác nhận bằng văn bản là không khả thi về kinh tế - kỹ thuật;
4. Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”
Như vậy có thể thấy, pháp luật hiện nay chỉ cho phép doanh nghiệp viễn thông được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông trong 4 trường hợp cụ thể, quy định tại Điều 26 nêu trên. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không thuộc các trường hợp nêu trên sẽ bị coi là vi phạm pháp luật nếu như không có sự thỏa thuận trước trong hợp đồng của cả hai bên.
Mặt khác, Điều 26 cũng quy định rõ trường hợp doanh nghiệp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu như “Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước đã bị các doanh nghiệp viễn thông thỏa thuận từ chối cung cấp dịch vụ;”.
Mà trong trường hợp này, anh Trung không phải là người vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước. Hợp đồng giữa chú anh Trung với nhà mạng MobiFone và hợp đồng của anh Trung với nhà mạng MobiFone là hai hợp đồng hoàn toàn riêng biệt. Do đó, việc MobiFone đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này là không đúng với quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 73 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ liên tục:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục tới người tiêu dùng có một trong các hành vi vi phạm sau đây:….
e) Đơn phương chấm dứt hợp đồng, ngừng cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng;”
Như vậy, với hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng, tự ý chặn tin nhắn, chặn 3G và có ý định hủy sim của anh Trung, nhà mạng MobiFone có thể sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Nội dung phản ánh của anh Lê Quốc Tuấn:
Năm 2012, anh  Lê Quốc Tuấn đăng ký số điện thoại 0907656974 của mình để sử dụng gói dịch vụ 1.500 phút miễn phí của MobiFone, mỗi tháng tiền cước hơn 300.000 đồng.
Khoảng tháng 1/2015, nhà mạng thay đổi chương trình, giảm từ 1.500 phút còn 700 phút nhưng anh Tuấn không hề hay biết. Đến khi được thông báo cước lên đến hơn 1 triệu đồng anh Tuấn mới tá hỏa rồi khiếu nại với Mobifone.
Các nhân viên của Mobifone có giải thích trước khi thay đổi gói dịch vụ có nhắn tin thông báo cho anh biết, nên việc sử dụng quá số phút rồi phát sinh cước phí anh Tuấn phải chịu.
Anh Tuấn đề nghị cứ lấy lần nào anh Tuấn dùng nhiều nhất (hơn 300.000 đồng/tháng) để tính, anh Tuấn sẽ trả nhưng nhà mạng không đồng ý. Quá bực mình, anh Tuấn đã bỏ không dùng số điện thoại này nữa.
Đầu tháng 12/2015, cháu anh Tuấn là Lê Thiện Trung có chuyển số điện thoại 0907.61.66.xx từ thuê bao trả trước sang trả sau. Sau khi hợp đồng anh Trung ký với MobiFone hoàn tất, nhà mạng đã đến xác minh.
Do phát hiện anh Trung cùng hộ khẩu với anh Tuấn và do anh Tuấn còn nợ tiền cước nên nhà mạng đã chặn tin nhắn, chặn 3G và đòi hủy luôn sim của anh Trung. Anh Trung đề nghị được chuyển lại hình thức trả trước nhà mạng cũng không chịu.
"Ai làm thì người đó chịu, sao tôi nợ cước mà MobiFone lại chặn thuê bao của cháu tôi?" - anh Tuấn bức xúc nói.

Vụ thảm sát ở Bình Phước: Bị cáo Thoại bất ngờ kháng án

Sau Vũ Văn Tiến, Thoại gửi đơn kháng cáo sau khi toà án tuyên 16 năm tù cùng về tội Giết người, Cướp tài sản vụ thảm sát ở Bình Phước.

Vu tham sat o Binh Phuoc: Bi cao Thoai bat ngo khang an
Trần Đình Thoại trong phiên xét xử sơ thẩm. 
Ngày 5/1, luật sư Phạm Quốc Hưng (người bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thoại trong phiên xử sơ thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước) đã xác nhận việc bị cáo Thoại đã gửi đơn kháng cáo đến TAND tỉnh Bình Phước và TAND cấp cao tại TP.HCM xin giảm án.

Theo luật sư Phạm Quốc Hưng, trong đơn kháng cáo, bị cáo Thoại mong muốn trong phiên xét xử phúc thẩm, tòa sẽ xét lại tội danh Giết người và Cướp tài sản. Đồng thời cần làm rõ hành vi thành hay chưa thành, đã chấm dứt hành vi phạm tội, không tham gia trực tiếp vào việc giết người hàng loạt...

Được biết, TAND tỉnh Bình Phước sẽ tiếp nhận đơn của Tiến và Thoại rồi chuyển lên tòa cấp cao tại TP. HCM. Nếu Tiến và Thoại kháng cáo, phiên phúc thẩm diễn ra thì toàn bộ 3 bị cáo Dương, Tiến và Thoại phải có mặt xuyên suốt trong khi xét xử vì có liên quan với nhau.

Như vậy, tính từ ngày diễn ra xét xử sơ thẩm vụ thảm sát Bình Phước đến ngày 5/1, đã có 2 bị cáo là Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) kháng cáo xin giảm án, riêng Nguyễn Hải Dương đã chấp nhận hình phạt tử hình, không kháng cáo.

Theo quy định pháp luật, muốn kháng cáo phải làm đơn từ trong trại giam gửi ra, thời hạn tính từ lúc án đã tuyên đến 15 ngày sau. Cộng thêm 15 ngày tòa cấp trên xem xét kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, ít nhất 30 ngày đơn của các bị cáo mới được tòa chuyển lên cấp trên.

Trước đó, trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 17/12, TAND tình Bình Phước đã tuyên phạt Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, An Giang) và Vũ Văn Tiến án tử hình. Riêng Trần Đình Thoại bị tuyên 16 năm tù cùng về tội Giết người, Cướp tài sản.

Sự thật 12 người là họ hàng làm quan một xã ở Nghệ An

Bí thư Đảng ủy xã Hạ Sơn nói vụ 12 người là họ hàng "làm quan" được thực hiện dân chủ, công khai đúng quy trình, dựa trên năng lực cá nhân.

Su that 12 nguoi la ho hang lam quan mot xa o Nghe An
Ông Lê Văn Thanh Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn. Ảnh: Việt Hương. 
Chiều  5/1, trao đổi với Tiền Phong, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳ Hợpông Hoàng Khắc Thanh cho biết: “Sau khi có thông tin dư luận phản ánh có chuyện bất thường về 12 người trong họ hàng làm quan của xã Hạ Sơn, Chủ tịch UBND huyện đã đích thân chỉ đạo chúng tôi về địa phương ngay để xác minh và tìm hiểu sự việc. Chúng tôi đã nắm được sơ bộ câu chuyện sau buổi làm việc với lãnh đạo của UBND xã Hạ Sơn”.

Sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ (2015-2020), tại xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An), ba vị trí chủ chốt trong xã gồm: ông Trương Văn An (50 tuổi) tái cử Bí thư Đảng ủy xã, ông Lê Văn Thanh (em rể ông An) làm Chủ tịch UBND xã, ông Định Văn Thụ (47 tuổi, cháu gọi ông Thanh là cậu ruột) làm Phó chủ tịch. Ngoài ra, 9 người trong bộ máy chính quyền xã là thông gia, anh em ruột, họ hàng, dâu rể với ba ông, trong đó có Chủ tịch Hội phụ nữ Trương Thị Phòng (31 tuổi) là cháu ruột ông Thanh...

Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã nói: “Câu chuyện này diễn ra có tính lịch sử từ cha ông để lại, từ cái thời vốn ở xã này mới chỉ có hơn 100 hộ dân. Mọi công việc khó khăn được nhen nhóm từ đó, dựng vợ gả chồng từ đó mà ra. Cả xã nghiễm nhiên trở thành thông gia, quan hệ gia đình thân thiết với nhau mà có nên một đội ngũ lãnh đạo mà dư luận gọi là họ hàng như ngày hôm nay”.

Bí thư Đảng ủy xã Hạ Sơn, ông Trương Văn An nói rằng cơ cấu cán bộ ở xã được thực hiện dân chủ, công khai đúng quy trình, dựa trên năng lực cá nhân. Từ nhiều năm nay, người trong gia đình ông đã liên tục giữ chức vụ quan trọng trong xã chứ không riêng thời điểm này. Bố ông từng là Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã trong nhiều năm. “Nói 12 người trong một họ làm quan xã là không đúng bản chất sự việc, mà trong 12 công chức xã thì có đủ thông gia, anh em, họ hàng và dâu rể từ các địa phương khác được tuyển dụng đến xã này làm việc trước lúc kết thành một gia đình với nhau”, vị Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thanh nói.

Ông Hoàng Khắc Thanh - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Quỳ Hợp đánh giá: “Đúng là chúng tôi có bất ngờ về việc dư luận phản ánh về thực trạng anh em, họ hàng và thông gia đều làm quan một xã. Tuy nhiên, kiểm tra từ đầu đến cuối chúng tôi khẳng định không có gì bất thường về quy trình tuyển dụng công chức trong đó. Tất cả đội ngũ công chức xã này đều đủ tiêu chuẩn để xét/thi tuyển công chức xã”.