Tự vệ Crimea chiếm căn cứ không quân Ukraine

(Kiến Thức) - Các lực lượng tự vệ Crimea được xe bọc thép yểm trợ xông vào căn cứ không quân Belbek của Ukraine ở Crimea sau khi quân lính tại đây từ chối hạ vũ khí.

Hãng tin RT dẫn lời nhà báo Dmitry Osipenko, người có mặt tại Crimea cho biết, hiện Lực lượng tự vệ đã nắm quyền kiểm soát căn cứ không quân Belbek, gần thành phố Sevastopol. Chính quyền Crimea đang đàm phán với Chỉ huy căn cứ này, Đại tá Yuliy Mamchur và các binh sĩ Ukraine được trao cơ hội hoặc là ở lại hoặc ra đi.
Trước đó, xe bọc thép của Lực lượng tự vệ Crimea ngày 22/3 húc đổ cổng căn cứ, tiến sâu vào bên trong doanh trại quân đội sau khi binh sĩ Belbek từ chối hạ vũ khí và rời khỏi đây một cách hòa bình. Theo nhà báo Dmitry Osipenko, có tiếng súng phát ra, có lẽ từ phía bên quân đội Ukraine.
Xe bọc thép chở quân của Lực lượng tự vệ Crimea xông vào căn cứ không quân Belbek của Ukraine.
 Xe bọc thép chở quân của Lực lượng tự vệ Crimea xông vào căn cứ không quân Belbek của Ukraine.
Trong khi đó, theo AFP, các tay súng tiến vào bên trong căn cứ Belbek và chĩa súng vào binh sĩ Ukraine. Một binh sĩ Ukraine đã bị thương. Đây là một trong những cơ sở quân sự cuối cùng tại Crimea vẫn do Ukraine kiểm soát.
Trước đó một ngày, binh sĩ bên trong căn cứ Belbek cho biết đã nhận được tối hậu thư của các lực lượng tự vệ Crimea yêu cầu họ hạ vũ khí và đầu hàng, nếu không sẽ bị tấn công. Đại tá Yuliy Mamchur cho biết, Lực lượng tự vệ Crimea đã yêu cầu họ bàn giao lại căn cứ, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật chính thức phê chuẩn việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.
Lực lượng Tự vệ Crimea ẩn nấp đằng sau những chiếc xe hơi bên ngoài căn cứ Belbek ngày 22/3.
 Lực lượng Tự vệ Crimea ẩn nấp đằng sau những chiếc xe hơi bên ngoài căn cứ Belbek ngày 22/3.
Căn cứ không quân Belbek cũng là nơi suýt xảy ra đụng độ giữa lính Ukraine và lực lượng tự vệ Crimea hồi tháng trước, khi cuộc khủng hoảng ở Crimea mới bắt đầu bùng phát. Thời điểm đó, lực lượng tự vệ Crimea cũng nổ súng bắn chỉ thiên ngăn binh sĩ Ukraine đi vào căn cứ.
Cũng trên trang mạng của mình, binh sĩ Ukraine đóng tại căn cứ Belbek, Crimea cảm thấy bị bỏ rơi đã tỏ ra phẫn nộ và không tiếc lời chỉ trích chính phủ tại Kiev.
“Chúng ta đang bị bỏ rơi. Thật đau xót và đáng thất vọng về chính phủ của chúng ta. Kẻ thù nguy hiểm nhất dường như lại chính là lãnh đạo của chúng ta và chính phủ của chúng ta”, một bài viết trên trang mạng của căn cứ cho biết.

Tàu chiến Trung Quốc không được vào lãnh hải Ấn Độ tìm MH370

(Kiến Thức) - Ấn Độ vừa thẳng thừng từ chối yêu cầu cho phép 4 tàu chiến của Trung Quốc vào quần đảo Andaman và Nicobar thuộc lãnh hải nước này để tìm máy bay Malaysia mất tích.

Tờ Times of India dẫn lời giới chức Ấn Độ đưa tin, Trung Quốc đã đề nghị nước này cho phép 4 tàu chiến, trong đó có 2 tàu khu trục và một tàu cứu hộ, vào vùng biển Andaman để tìm máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines nhưng New Delhi đã lập tức từ chối đề nghị này. Ấn Độ cho biết, họ đã triển khai tàu và máy bay tìm kiếm MH370 tại vịnh Bengal, biển Andaman và cụm đảo 572.
Việc Delhi chính thức từ chối yêu cầu của Trung Quốc được đưa ra sau khi quân đội Ấn Độ phản đối mạnh mẽ việc các tàu chiến Trung Quốc lởn vởn gần đảo chiến lược Andaman và Nicobar với lý do tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích bởi đây là khu vực nước này triển khai nhiều tài sản quân sự chủ yếu nhằm phòng thủ trước Bắc Kinh.

Crimea chính thức trở thành một phần của nước Nga

(Kiến Thức) - Hội đồng Liên bang (hay Thượng viện) Nga hôm nay nhất trí phê chuẩn hiệp ước liên bang sáp nhập Crimea.

Toàn bộ 155 thượng sĩ tham gia phiên họp được truyền hình trực tiếp đã bỏ phiếu phê chuẩn văn kiện mà Tổng thống Putin đã ký kết với các lãnh đạo Crimea và Sevastopol hôm 18/3.
Trước đó, ngày 20/3, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) cũng đã nhất trí tán thành hiệp ước trên với tỷ lệ áp đảo. Trong đó, duy nhất đại biểu thuộc đảng đối lập Just Russia Ilya Ponomaryov là người bỏ phiếu trống.