
Phái đoàn Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ hội đàm ở Istanbul ngày 16/5/2025. Ảnh: RFM
Đài RT ngày 16/5 đưa tin, Vladimir Medinsky - Trưởng đoàn đàm phán Nga tại Istanbul - cho rằng nếu Ukraine không nghe theo phương Tây và chọn đàm phán ngay từ đầu thay vì đối đầu quân sự, cuộc xung đột đã có thể chấm dứt chỉ sau vài tuần.
Ông Medinsky đưa ra nhận định này sau gần hai giờ đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul ngày 16/5. Kết thúc cuộc gặp, hai bên thống nhất về một cuộc trao đổi tù binh lớn – mỗi bên trao trả 1.000 người – và sẽ tiếp tục liên lạc sau khi hoàn tất các đề xuất chi tiết về ngừng bắn, theo thông tin từ phía Nga.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông Nga sau cuộc gặp, ông Medinsky đã chia sẻ thêm về tiến trình đàm phán và nguyên nhân khiến xung đột kéo dài.
Cơ hội kết thúc sớm xung đột bị bỏ lỡ

Trưởng đoàn đàm phán Nga tại Istanbul Vladimir Medinsky. Ảnh: Getty
Ông Medinsky cho rằng cuộc đối đầu giữa Moscow và Kiev, đã kéo dài hơn 3 năm, lẽ ra có thể kết thúc chỉ trong vài tuần nếu Ukraine tuân thủ các thỏa thuận đạt được với Nga trong những vòng đàm phán đầu tiên tại Gomel, Belarus vào cuối tháng 2/2022.
“Kiev đã có thể đồng ý hòa bình ngay từ cuối tháng 2/2022, nhưng họ đã không làm vậy và cứ lần lữa", ông Medinsky nói. Tại vòng đàm phán tiếp theo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm đó, đề xuất của Nga đã khác, vì phản ánh “những thay đổi trên thực địa,” ông Medinsky cho biết.
Ông Medinsky cũng cáo buộc phương Tây can thiệp trực tiếp, làm gián đoạn tiến trình hòa bình Istanbul năm đó, đặc biệt là chuyến thăm của ông Boris Johnson, khi đang là Thủ tướng Anh, tới Kiev vào tháng 5/2022. Trước cáo buộc của ông Medinsky, ông David Arakhamia – trưởng đoàn đàm phán Ukraine thời điểm đó – từng tiết lộ rằng ông Johnson đã khuyên Kiev nên “tiếp tục chiến đấu".
Sự can thiệp của phương Tây và hệ lụy
Theo ông Medinsky, việc các quốc gia phương Tây can thiệp vào chính sách nội bộ của nước khác đã nhiều lần dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với chính châu Âu. Ông viện dẫn Hội nghị Berlin năm 1878 – nơi các nước như Anh, Pháp, Ý và Đức tìm cách điều chỉnh kết quả của cuộc chiến Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, vì cho rằng hiệp ước hòa bình ban đầu quá có lợi cho Nga và khiến Moscow có ảnh hưởng quá lớn tại vùng Balkan.
Hệ quả là đường biên giới của các quốc gia mới giành độc lập ở Balkan bị vẽ lại, tạo ra các tranh chấp lãnh thổ – vốn sau này trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Thế chiến I.
“Các vấn đề chưa được giải quyết ở Balkan đã dẫn tới Thế chiến thứ nhất", ông Medinsky nói. “Đó là hệ quả trực tiếp từ sự can thiệp của phương Tây".
Yêu cầu ngừng bắn của Ukraine là không thực tế
Ông Medinsky bác bỏ điều kiện tiên quyết của Kiev – rằng Nga phải đồng ý một lệnh ngừng bắn 30 ngày trước khi đàm phán – là không cần thiết và không thực tế.
“Giao tranh và đàm phán thường diễn ra cùng lúc", ông Medinsky nói. “Chỉ những ai không hiểu lịch sử mới cho rằng mọi cuộc đàm phán hòa bình đều bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn".
Nga lập luận rằng nếu chấp nhận yêu cầu này, Ukraine sẽ tận dụng thời gian đó để tái vũ trang và củng cố lực lượng, từ đó khiến đàm phán trở nên vô nghĩa.
Sau cuộc hội đàm ở Istanbul ngày 16/5, Kiev đã tập hợp các đồng minh và đề xuất hành động cứng rắn hơn với Moscow. Kiev muốn phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn, trừ khi Moscow chấp nhận đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về lệnh ngừng bắn trong 30 ngày.