Theo thông tin ban đầu, sáng 14/7, người dân ở tiểu khu Đông Hòa, xã Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa phát hiện con trâu đực lang thang trên đường. Khi thấy người phụ nữ đi xe máy từ hướng đối diện, trâu bất ngờ chồm lên húc thẳng vào xe khiến người và trâu ngã ra đường.

Khi người phụ nữ nhổm dậy thì trâu tiếp tục tấn công vào mạn sườn. Sau khi hai người đàn ông xuất hiện xua đuổi, trâu bỏ đi. Thông tin ban đầu từ UBND xã Nông Cống cho hay, người phụ nữ bị gãy xương vai. Con trâu được một gia đình ở tiểu khu Đông Hòa vừa mua về, nhốt trong chuồng. Tuy nhiên không may xổng chuồng.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc nguy hiểm, có liên quan đến trách nhiệm của chủ vật nuôi nên cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, nạn nhân có quyền yêu cầu chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Theo quy định của pháp luật, gia súc, vật nuôi cần được chăm sóc, quản lý theo đúng quy định. Trường hợp người nuôi gia súc không quản lý được dẫn đến gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định, người nuôi không được thả rông vật nuôi trên đường, khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng, ra đường thì phải dắt, quản lý để tránh cản trở giao thông, gây tai nạn.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ con trâu kia thuộc sở hữu của hộ gia đình cá nhân nào, sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi này trong công tác quản lý vật nuôi. Nếu có lỗi để vật nuôi gây thương tích cho người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Pháp luật quy định kể cả trường hợp không có lỗi mà súc vật gây ra thiệt hại cho người khác thì chủ vật nuôi vẫn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự.
Luật sư Cường phân tích, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường theo tập quán, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Bởi vậy, gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu chủ vật nuôi này phải bồi thường toàn bộ chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất phải bị giảm sút và bồi thường tổn thất về tinh thần cho nạn nhân theo quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương cũng cần làm rõ sự việc và có giải pháp để tuyên truyền cho người dân tuân thủ quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn công cộng, quản lý vật nuôi để tránh gây ra những hậu quả tương tự.
>>> Xem thêm video: Cảnh báo nguy hiểm thả diều gần đường dây điện