“Tối mai mình hẹn hò em nhé!”

Đã mấy năm rồi mình quên hẹn hò chỉ vì nghĩ đó là chuyện của mấy cô cậu đang cưa cẩm, chưa thuộc về nhau.

“Tối mai mình hẹn hò em nhé!”, anh bất ngờ đề nghị. Em - mắt sáng lên - gật đầu một cách hào hứng. Đã mấy năm rồi mình quên hẹn hò chỉ vì nghĩ đó là chuyện của mấy cô cậu đang cưa cẩm, chưa thuộc về nhau.
Cách đây bảy năm, anh mất 365 ngày chịu khó đi “tán”, cuối cùng đã “cua” được em. Tình phí của những buổi hẹn hò là chè, kem, bánh lọc, bánh cuốn, bánh kẹp… Đời sinh viên thuở ấy, dù chỉ là món ăn bình dân nhưng em biết anh thắt lưng buộc bụng lắm mới đủ nuôi cái dạ dày của em. Có lần anh đùa: “Mai mốt mình giàu, anh sẽ cùng em ăn một bữa bánh lọc đã đời”.
Khi đã thuộc về nhau, mình “lơ” dần những cuộc hẹn hò. Lý do đơn giản là ngày nào cũng gặp nhau, cà phê cà pháo làm gì cho mất công tốn của. Em đã cố tạo một không khí lãng mạn cho buổi tối thứ Bảy bằng một góc quán vắng và ánh nến lung linh. Em cũng cố uốn cong thêm lọn tóc bồng, tô thêm chút son, ngồi đối diện và nhìn anh say đắm. “Mắt em sao trợn tròn đến phát khiếp! Dẫn anh ra đây có chuyện gì không?”. Anh nhìn chằm chằm vào cốc cà phê rồi chép miệng: “Giá mà nó biến thành cốc bia thì hay biết mấy!”. Ngó tới ngó lui chẳng có gì hay ho, thế là anh và em “lui quân”, nghĩ bụng sẽ không bao giờ cùng nhau vào quán cà phê nữa.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nói vậy chứ thỉnh thoảng mình cũng đi cà phê, nhưng là với… đám bạn của anh. Người nào cũng ăn nói suồng sã, bốp chát nên em phần nào bị “lây nhiễm”. Từ đó, không còn những buổi hẹn riêng.
Dần dà, cái cảm giác chờ đợi, hồi hộp, bất ngờ cũng chai sạn trong em và anh. Mình nghĩ, đã là của nhau rồi thì đó là định mệnh, không cần giữ gìn hay nuôi nấng, thêm thắt gia vị cho tình yêu nữa. Anh dành thời gian nhiều hơn cho bạn bè, em dành thời gian nhiều hơn cho chợ búa, bếp núc. Đơn giản là vì “cả đời đã dành cho nhau”. Cưới nhau hơn một năm mà “mùa xuân tình yêu” đã tàn úa bởi luôn đo đếm cơm, áo, gạo, tiền. Trước đây, em hí hửng với cà phê tối thứ Bảy là thế, nhưng giờ thì “hai ly cà phê có thể thay bằng một bữa sáng no nê cho cả gia đình”.
Rồi anh đi công tác hai tuần. Hạnh phúc của anh là đây: không cần báo cáo, không cần “hạch toán” cuối ngày để vợ hiểu mình tiết kiệm. Anh như chim sổ lồng, như cá về sông. Em cảm nhận được niềm vui tự do ấy của anh. Mà hình như em cũng có phần thoải mái. Ở nhà một mình, công việc nội trợ nhẹ hơn hẳn, em có thêm thời gian để chăm chút bản thân. Thế nên, hôm tiễn anh ở sân bay, cả hai đều tỏ ra lưu luyến nhưng miệng thì cười toe toét.
Nghĩ vậy mà không phải vậy. Mới ba ngày đã nhớ anh quay quắt. Cứ nôn nao chờ đợi như thế cho đến ngày thứ chín… Chuông điện thoại reo: “Ra mở cửa cho anh!”. “Nhà có mấy chục mét vuông, không gõ cửa mà bày đặt điện thoại”, em vừa làu bàu vừa sung sướng đến phát điên. Thì ra, “sam chồng” cũng nôn nóng muốn gặp “sam vợ” nên đã giải quyết nhanh công việc để trở về. Xa cách là rào cản nhưng cũng là chất xúc tác để hàn gắn hạnh phúc.
“Tối mai mình hẹn hò em nhé!”, anh nói, em gật. Thế là em lại loay hoay chọn váy, thoa chút phấn má hồng để sắc đẹp tái sinh cùng tình yêu. Tay trong tay, em như sống lại cảm xúc của những ngày đầu hò hẹn.

Tình cũ than vãn vì trót tham vàng bỏ ngãi

Giữa lúc ấy, ông trời còn trêu ngươi khi cho anh gặp lại em. Chẳng biết can cớ gì mà anh lại than nghèo, kể khổ. 

Ngày anh nghe lời mẹ, chia tay em để đi cưới vợ, anh nghĩ thôi kệ, dẫu sao cưới vợ giàu sau này khi con mình đau ốm, cũng sẽ có tiền thuốc thang; bản thân mình không phải lo lắng chuyện cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Khi anh nói điều này với thằng bạn thân, nó bảo anh là người thực dụng. Còn em thì chỉ lặng lẽ khóc.

Nhà vợ anh rất giàu. Mỗi cô con gái khi đi lấy chồng đều được tặng của hồi môn là một căn nhà, một chiếc xe tải và một số tiền để làm ăn. Anh trở thành ông chủ từ đó. Cuộc sống giàu sang ở nhà vợ khiến anh càng củng cố suy nghĩ của mình: Lấy vợ giàu là một lựa chọn sáng suốt. Nếu lấy em - cô giáo ở vùng quê nghèo - thì có lẽ suốt đời anh cũng chẳng biết làm gì ngoài cái nghề bán cháo phổi cùng em vì có thầy cô giáo nào trở thành đại gia đâu?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế nhưng, cuộc đời không phải lúc nào cũng như dòng sông phẳng lặng. Một đứa con, niềm ao ước của vợ chồng anh mãi chẳng thấy dù đã tốn kém rất nhiều tiền bạc để chữa trị. Rồi công việc làm ăn bắt đầu gặp khó khăn. Mà lạ thật, hết khó khăn này đến khó khăn kia nối tiếp nhau. Cho đến một lúc, anh hốt hoảng phát hiện mình nợ nần chồng chất. Nợ mẹ đẻ nợ con. Nhà cửa cầm cố bị phát mãi, xe cộ chẳng còn, một bữa ăn ngon giờ cũng trở thành niềm ước ao lớn nhất. Rồi vợ chồng bắt đầu hục hặc, người này đổ lỗi cho người kia...

Giữa lúc ấy, ông trời còn trêu ngươi khi cho anh gặp lại em. Chẳng biết can cớ gì mà anh lại than nghèo, kể khổ. Anh quên mất cuộc sống hôm nay là do chính anh tạo ra cho đến khi em nói: “Hạnh phúc hay không là do anh lựa chọn”. Một câu nói thật nhẹ nhàng nhưng nó khiến anh xấu hổ trước em.

Đúng rồi. Có ngày hôm nay là do anh lựa chọn. Thế thì than vãn làm gì phải không em?

Phi vụ “đổi chác” giữa hai người đàn bà

Chị khấp khởi cầm 300 triệu đi giải quyết vụ ly hôn cho chồng cũ. Chị bảo mình đi “chuộc chồng”. 

20 tuổi, chị tìm cách cưới anh bằng mọi giá. Chị “hạ gục” bố chồng tương lai trước bằng những món ăn ngon, sự chăm sóc chu đáo khi ông ốm. Dù chưa phải là con dâu mà ông ốm, chị còn chăm sóc, quan tâm hơn cả con dâu. Thực ra cái đích chính chị nhắm tới là cuộc sống giầu có, ăn sung mặc sướng của gia đình nhà anh. Anh lại là mẫu thanh niên chăm chỉ, ngoan ngoãn, ngoại hình ưa nhìn nên cả nhà chị ưng chứ không riêng chị.

Vì bố anh ốm nặng nên anh buộc phải cưới chị để báo hiếu. Ông bảo nếu anh không cưới chị thì bố anh không nhắm mắt nổi. Thế là chị đến với anh không phải bằng một cuộc hôn nhân có tình yêu mà bằng một đám cưới ép, cưới chạy.

Rồi chị cũng toại nguyện khi bố mẹ chồng cho tiền hai vợ chồng mở xưởng sản xuất đồ thủ công riêng. Đây là nghề truyền thống của gia đình nhà chồng. Hai vợ chồng chăm chỉ, anh cũng sáng tạo, chịu khó nên công ty riêng ngày càng ăn nên làm ra.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhưng tiền nhiều lại tỉ lệ nghịch với hạnh phúc. Càng nhiều tiền chị càng trở nên tham lam, cuồng tiền hơn. Lắm hôm chồng đi chở hàng cho khách, 11h đêm mới về tới nhà, việc đầu tiên chị làm là lục túi đòi tiền chồng chứ không phải hỏi anh đã ăn uống gì chưa.

Anh ngày càng chán nản trước màn tra khảo tiền nong như cơm bữa của vợ mỗi lần đi giao dịch về. Tuy anh là giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi quyết định chi tiêu đều phải “xin” vợ.

Anh là chồng mà giống như người làm công của vợ. Chưa một lần anh cảm nhận được sự chăm sóc, chia sẻ từ vợ. Câu chuyện của họ chỉ xoay quanh tiền và tiền.

Giữa họ chỉ là những cuộc “khẩu chiến” liên miên. Hàng xóm không ít lần tá hỏa vì thấy đồ đạc trong nhà anh chị bay ra cửa vỡ loảng xoảng, lúc thì bát đũa, xô chậu, thậm chí cả tivi... Chị bảo chị có tiền nên có quyền đập phá. Anh thì khùng vì bí bách quá cũng đập.

Anh lấy chị năm 21 tuổi, chưa một mảnh tình vắt vai. Gần hai mươi năm chung sống với chị, có tới hai con nhưng anh chưa một lần biết tới tình yêu là gì.

Thế rồi trong một lần bị bạn bè lôi kéo tham gia bán hàng đa cấp, anh đã gặp người đàn bà ấy. Anh bị người đàn bà đã có một đời chồng, một đứa con và bao nhiêu kinh nghiệm tình trường làm cho mê muội. Chồng cũ của chị ta đi tù chung thân vì đánh chết người. Một mình chị ta bươn chải trong môi trường sống quá phức tạp đã biến thành một người khó lường, nhiều chiêu bài mà một người chất phác như anh khó hiểu hết.

Anh thì mù quáng chăm chăm vào niềm tin bất diệt là hai người đến với nhau vì tình yêu. Chị ta như đi guốc vào bụng anh, biết anh thiếu gì nên đã chăm chút anh như một người vợ, người mẹ. Anh gục ngã hoàn toàn. Anh mê mẩn tới mức không hiểu mục đích sâu xa của người đàn bà ấy là khối tài sản không nhỏ của anh chứ không phải thứ tình yêu đơn thuần giống anh.

Chị đã tìm mọi cách phong tỏa tài chính vì nghĩ không tiền anh không có cách nào léng phéng bên ngoài. Nhưng anh không còn ngoan ngoãn như chú cún trung thành nữa, anh bắt đầu nghĩ ra đủ chiêu để cất tiền riêng gửi cho tình nhân. Anh tìm nhiều lí do để trốn nhà lên thành phố vui vẻ với tình nhân.

Anh đòi ly hôn với chị bằng mọi giá. Hơn 1 năm sau, chị cũng đồng ý ly hôn với điều kiện lấy hết tài sản. Anh vẫn tin vào thứ tình yêu là có thật ở tuổi gần 40. Chính vì thế anh quyết bỏ lại vợ và hai đứa con để đi theo người đàn bà hơn mình chục tuổi. Anh ra đi khỏi nhà với vài chục triệu tiền riêng và nghĩ sẽ bắt đầu hạnh phúc mới thực sự.

Đây là điều mà tình nhân của anh không lường trước được, chị ta không nghĩ anh lại ngu dại tới mức ra đi tay trắng. Nhưng chị ta vẫn hy vọng vào phần gia tài mà anh có thể được hưởng từ bố mẹ.

Chị ta cũng không vừa, làm đủ trò ngọt nhạt để lôi kéo anh về bên mình, để đăng ký kết hôn với anh. Anh với chị ta thành vợ chồng, anh bỏ thị trấn thân thuộc lên thành phố sống với chị ta. Những ngày mật ngọt dần dần biến mất khi anh hết tiền. Anh là ông chủ doanh nghiệp nhỏ ở quê, làm đồ thủ công mỹ nghệ nhưng lại không có bằng cấp để xin công việc ổn định trên thành phố. Anh buộc phải làm những công việc chân tay như chạy xe ôm, bán hàng nhưng thu nhập không là bao.

Hai năm chung sống trong “túp lều” thuê tạm trên thành phố cùng với vợ hai, tình yêu cũng chết dần chết mòn vì những mệt mỏi mưu sinh cơm áo gạo tiền. Chưa kể, sau 6 tháng sống với vợ mới, anh bị tai nạn giao thông, mất tới 50% sức khỏe, đôi chân không còn đi lại bình thường như trước.

Trong khi đó ở quê, vợ anh cũng bắt đầu thấm cảm giác mệt mỏi vì không có chồng gánh vác công việc, thấy thiếu vắng bóng đàn ông trong nhà. Hai đứa con không có cha bảo ban, mẹ thì suốt ngày ham mê kiếm tiền thành ra lêu lổng, hư hỏng.

Cuộc sống đảo lộn, công việc làm ăn thất bát khiến chị chả mong gì hơn ngoài chuyện chồng trở về. Chị bảo mình cũng chẳng còn trẻ để bắt đầu với cuộc hôn nhân mới, vùng quê nhiều lề thói của chị cũng không dễ kiếm một anh chồng tử tế. Đàn ông tử tế ở đây có vợ hết, chỉ còn những gã dở mới ế vợ. Nếu chị chấp nhận rổ rá cạp lại, con anh con tôi còn phức tạp hơn.

Thế rồi một ngày, người đàn bà kia gọi điện cho chị bảo đưa 300 triệu sẽ đồng ý ly hôn với chồng cũ của chị. Chị ngây người rồi kịp hiểu những thông điệp từ kẻ cướp chồng kia là gì nên vội gọi cho anh. Anh đau khổ xác nhận việc chị ta đòi ly hôn với điều kiện kèm theo 300 triệu. Vợ hai đã lộ rõ bộ mặt thật là cần tiền của anh chứ không yêu thương gì. Chị ta mệt mỏi vì phải nuôi báo cô một gãi đàn ông đau yếu hơn năm nay.

Chẳng suy tính nhiều, chị quyết định bỏ ra 300 triệu để "mua" cái giấy ly hôn, “chuộc” chồng về. Bây giờ thì anh đã trở về với chị sau phi vụ “đổi chác” giữa hai người đàn bà. Chị tin rằng mình đã “mua” lại được chồng, cuộc sống lại như xưa. Nhưng anh như một kẻ thất bại thảm hại, sống khép mình. Cái gia đình giờ đã đủ 4 thành viên nhưng vẫn chông chênh.