Theo thông tin từ Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03 - Bộ Công an), liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, đến nay Bộ Công an đã khởi tố 2 vụ án, 27 bị can để điều tra.
Tiến trình điều tra hiện vẫn đang diễn ra. Đại tá Hà nói, hiện chưa thể công bố danh tính và tội danh của các bị can bị khởi tố.
Giai đoạn đầu điều tra, tháng 10/2022, Bộ Công an thông tin khởi tố 4 bị can, trong đó có bà Trương Mỹ Lan (67 tuổi) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Huệ Vân (35 tuổi) - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor… tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mở rộng điều tra sau đó, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giữ thêm nhiều người khác.
Bộ Công an chỉ thông tin, bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân liên quan đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong các năm 2018, 2019.
Vụ án xuất phát từ việc phát hành, mua bán trái phiếu xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông - một “tập đoàn con” trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Khi vào cuộc, Bộ Công an đã điều tra toàn diện số lượng công ty rất lớn trong hệ sinh thái này.
Mới đây, từ đề nghị của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội đã ra thông báo về việc tạm dừng mọi hoạt động liên quan đến giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, tặng, cho, cầm cố, thế chấp đối với cổ phần, vốn góp của 762 công ty có đăng ký mã số thuế trên địa bàn và 14 cá nhân liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ngoài ra, từ chỉ đạo của Bộ Công an, An ninh Kinh tế - Công an TP.HCM đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM rà soát, nguồn gốc thông tin của 156 bất động sản có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Rất nhiều bất động sản trong danh sách này nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm quận 1, quận 3…
Vụ án khó, tác động lớn diễn biến thị trường
Khi thông tin về vụ án, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an từng nói, quá trình tố tụng, có bị can và một số người liên quan, đã qua đời do đột tử. Điều này gây thêm một vài khó khăn cho quá trình điều tra nhưng với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật, chắc chắn vụ việc vẫn sẽ được làm rõ, đúng pháp luật.
Và ông nhấn mạnh: "Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước được báo cáo cũng thống nhất đây là vụ án rất khó. Khó nhưng phải làm và càng khó càng phải quyết tâm làm".
Báo CAND dẫn lời Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khi nói về các vụ án nổi cộm trong năm qua, trong đó có vụ Vạn Thịnh Phát, tại cuộc gặp đầu năm 2023 với các cán bộ cấp cao của lực lượng CAND đã nghỉ hưu ở khu vực TP.HCM.
Cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, vụ việc liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công an TP.HCM và Bộ Công an đã vào cuộc nắm tình hình, xác minh, điều tra khoảng 4 - 5 năm nay.
Trước đó, nắm bắt được những vấn đề, xác định quy mô của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất lớn, có ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, tài chính cả nước nên Chính phủ đã hai lần thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng liên quan đến hệ thống sinh thái của tập đoàn này nhưng không thành công.
Theo thông tin từ Bộ trưởng Công an, Chính phủ nhiều lần đề xuất đưa các tổ chức liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào diện kiểm soát đặc biệt. Nhưng mỗi lần như vậy, hệ thống tài chính, tài sản của tập đoàn này càng phình to ra, trong đó tổ chức tín dụng liên quan càng có doanh số huy động lớn, từ nhiều nguồn.
Huy động nguồn lực từ xã hội của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát qua các kênh tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp là rất lớn nhưng sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này rất hạn chế.
Bộ trưởng Công an còn nói về sự nhạy cảm khi điều tra. Cụ thể, khi thực hiện các bước tố tụng lực lượng công an đã xem xét nhiều khía cạnh. Lực lượng chức năng đã phải tính toán đến cả phương án phối hợp xử lý ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ từ vụ việc này… Nhờ vậy, mọi vấn đề đã được kiểm soát tích cực.