Giảm lệ thuộc, phát triển bền vững
"Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 diễn ra tại TP HCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương; chuyên gia, diễn giả và cộng đồng doanh nghiệp (DN)... đã dự sự kiện này.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể chiều 5/6. Ảnh: QUANG ĐỊNH. |
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức tại TP HCM là rất có ý nghĩa. Chủ đề của diễn đàn rất phù hợp tình hình thực tế của thành phố.
"Đây là dịp để các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, cộng đồng DN trong và ngoài nước hiểu sâu hơn, chia sẻ với những thiệt hại, tổn thất nặng nề mà TP HCM đã trải qua. Đồng thời, chứng kiến những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để sớm đưa TP HCM trở lại trạng thái bình thường mới" - ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
|
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4.
Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Đánh giá về 35 năm đổi mới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Cụ thể, quy mô kinh tế tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và thiếu ăn, Việt Nam vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Nền kinh tế nước ta còn chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động của khu vực FDI và một số thị trường lớn; còn thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu.
"Về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam có sự hội nhập cao, độ mở lớn nhưng tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững, dẫn đến bị phụ thuộc. Do đó, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế" - ông Trần Tuấn Anh chỉ rõ.
Nhiều giải pháp thiết thực
Tại diễn đàn, các diễn giả đã tập trung thảo luận, làm rõ nội hàm về nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới. Trong đó, tập trung vào yêu cầu về tự chủ khoa học - công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo gắn với hội nhập quốc tế. Từ đó, đề xuất các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để củng cố và phát huy sức mạnh nội lực của nền kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa thị trường; tham gia nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu; số hóa các quy trình thủ tục hải quan; phát triển kinh tế xanh.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nêu rõ kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỉ trọng kinh tế phi chính thức lớn có thể cản trở tiềm năng phát triển của một quốc gia. Do vậy, cần có lộ trình để sớm chuyển dịch kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức theo hướng ghi nhận sự đóng góp quan trọng của kinh tế phi chính thức đối với kinh tế - xã hội.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ví von Việt Nam như "vịnh tránh bão" bởi vẫn giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới nhiều biến động; có độ tự chủ, sự chủ động và khả năng chống chịu.
"Chúng ta ở cạnh Trung Quốc và có cơ hội hấp thu các dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ thị trường này để biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của vùng. Trong tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cần sự tập trung lớn, tận dụng mọi nỗ lực của Chính phủ để chủ động thu hút đầu tư" - TS Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ý kiến của các đại biểu đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nhận định Việt Nam "đang ổn định trong một thế giới mất ổn định", Thủ tướng cho rằng chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ song song với tích cực, chủ động hội nhập. Đây là đòi hỏi khách quan và cũng là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán.
Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta tự tin nhưng không chủ quan bởi nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Theo Thủ tướng, cần phải luôn xác định thời cơ, thuận lợi ít hơn khó khăn, thách thức và lúc nào cũng có khó khăn. Xác định điều này, theo người đứng đầu Chính phủ, không phải để lo sợ mà để chuẩn bị về tư tưởng, tâm lý, lực và các mặt khác để sẵn sàng vượt qua.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh VGP/Nhật Bắc. |
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng trước hết phải tạo được môi trường hòa bình, giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định môi trường xã hội; ổn định môi trường pháp lý để tạo điều kiện nền tảng cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, DN; triển khai chính sách đối ngoại, tạo thế đan xen lợi ích, định hình luật chơi trong hội nhập quốc tế.
Cùng với đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hội nhập, phù hợp với cam kết quốc tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. "Nếu chúng ta không kiểm soát được kinh tế vĩ mô thì không thể có nền kinh tế độc lập, không thể tích cực, chủ động hội nhập" - Thủ tướng nhận xét.
Thủ tướng lưu ý, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa; tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn; thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò quan trọng của DN trong và ngoài nước; phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
>>> Mời độc giả xem thêm video Top 10 Sự kiện Kinh tế Việt Nam 2020: