Phó Thủ tướng cho hay, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá các mặt công tác y tế của Việt Nam có rất nhiều mặt tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập trên thế giới. Công tác khám, chữa bệnh của y tế Việt Nam được đánh giá xếp thứ khoảng từ 60 đến 70 tùy vào các bảng đánh giá và các chỉ tiêu đánh giá.
Liên quan vấn đề chức danh nghề nghiệp và giấy phép hành nghề, theo Phó Thủ tướng đây là một vấn đề mới trong luật lần này.
Phó Thủ tướng cho biết, vai trò Hội đồng Y khoa quốc gia đã được luật đề cập và sẽ tiếp tục phải nghiên cứu, đề cập sâu hơn; nhưng chung với thế giới thì cần một cơ quan độc lập, tức là ngoài bộ máy hành chính Nhà nước để tiến hành công việc làm sao có một kỳ thi đánh giá năng lực cả về lý thuyết và thực hành trên một mặt bằng thống nhất chung và sau đó thì cấp chứng chỉ hành nghề.
Về việc cấp phép, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu để làm sao cho đúng xu thế cải cách hành chính thật gọn và chúng ta cũng đã có những thông lệ trước đây.
Liên quan vấn đề về ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đây là một vấn đề không mới. Tới đây, bằng ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta có các công cụ trợ giúp dịch tự động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Phó Thủ tướng thông tin thêm, tinh thần là không chỉ không hạn chế mà phải khuyến khích để thu hút nhân lực công nghệ có chất lượng cao vào, để người dân Việt Nam có thể tiếp cận được các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến sớm.
“Chúng ta không nói sớm nhất, nhưng mà sớm, không được muộn.
Tuy nhiên cũng phải có các quy định về ngôn ngữ theo đúng thông lệ quốc tế, thông lệ trong khu vực và để nhằm phòng ngừa, ngăn chặn một số người chất lượng không cao nhưng vào để mở những phòng khám rất nhỏ hoặc hành nghề nhỏ ở những chuyên ngành mà không nhất thiết phải trình độ công nghệ cao và tiên tiến. Đặc biệt liên quan tới một số căn bệnh mà mọi người không muốn công khai ra và đến khám”, Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng cho hay, thực tế trong những năm vừa qua chúng ta đã phải quản lý rất chặt dù số lượng này không nhiều. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp nhất.
Công khai, minh bạch các khoản thu
Về vấn đề xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc cần phải có các giải pháp đột phá. Bởi vì đến nay, mặc dù thực hiện Luật 2009 đã có bước chuyển rất lớn, bước ngoặt nhưng đến giờ phút này Việt Nam mới có 318 bệnh viện tư thục, 38.000 các phòng khám của tư nhân, con số này mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh, đây là một tỷ lệ rất thấp.
Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ liên quan đến luật này mà còn liên quan đến nhiều luật khác, như về đầu tư, đất đai, ngân sách nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư bằng nhiều công cụ, trong đó trước hết phải phát huy mạnh mẽ hơn tất cả các công cụ đã được luật định trong pháp luật về giá.
“Chúng ta không buông lỏng nhưng cũng phải để quyền tự chủ để cho y tế tư nhân được phát triển tốt hơn”, ông Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cho hay, liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập là đặc thù với Việt Nam, rất khó có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng vào Việt Nam. Việc này duy nhất ở Việt Nam.
“Mô hình liên doanh, liên kết này và khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công thực sự giải quyết bài toán thực tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn và chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị là chỉ có một cách bắt tất cả công khai, minh bạch các khoản thu từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu từ đó”, Phó Thủ tướng cho biết.