Theo đó, Sở TN-MT đề nghị các chủ nguồn thải, chủ cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cho các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để chuyển về địa bàn TP.HCM khi chưa được sự chấp thuận chủ trương của UBND TP.HCM.
Đề nghị UBND các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa phối hợp thông báo đến chủ các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; các chủ nguồn thải tại địa phương để biết và thực hiện. Đồng thời, có biện pháp quản lý, không để chất thải sinh hoạt từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thu gom chung chất thải từ các hộ gia đình, cá nhân và tính vào phần ngân sách chi trả cho hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
|
Ảnh minh họa |
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa có chỉ đạo các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trực thuộc tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác đổ vào TP HCM.
Các địa phương phải chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn; tổ chức kiểm tra giám sát phương tiện thu gom.
Xác định trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương nếu để tái phạm từ 2 lần trở lên trường hợp rác các tỉnh đổ về TP HCM.
Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở TN-MT TP HCM, Công an TP HCM tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, trọng điểm tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Các đơn vị thu gom, đơn vị xử lý rác sinh hoạt không được tiếp nhận rác thải sinh hoạt từ các tỉnh, thành khác khi chưa được sự chấp thuận của UBND TP.
Mỗi ngày, TP HCM có khoảng 9.000 tấn rác sinh hoạt được thu gom xử lý, nhưng thực tế nhiều xe rác từ các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An bị phát hiện trà trộn "đổ chui" rác tại các trạm trung chuyển của TP HCM.