1. Những ngày qua, người dân cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng rất quan tâm và đồng thuận với việc UBND TP Cần Thơ khen thưởng đột xuất ông Nguyễn Hồng Dân (tức Hai Dân), tạm trú khu vực 1, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy vì đã tự nguyện vá đường hơn 4 năm qua. Ông Dân kể: “Tôi làm chuyện này vì thấy nhiều người đi đường bị tai nạn từ các ổ gà, nhất là vào mùa mưa và ban đêm, chuyện quá bình thường đâu có gì lớn lao mà lên báo, còn nhiều người làm việc thiện hơn tôi”.
Điều đáng trân trọng là bản thân ông bị khiếm khuyết một chân do cơn sốt bại liệt từ tấm bé, hàng ngày ông đi bán vé số để mưu sinh. Tuy cuộc sống còn rất khó khăn nhưng mỗi ngày ông đều dành 30.000 đồng để mua xi măng, gạch đá vá đường. Công việc này được ông làm đều đặn hàng chục năm qua.
Nhiều người dân rất xúc động khi chứng kiến hình ảnh ông ngồi vá đường rất tỉ mỉ, cần mẫn trong cái nóng cháy da nhưng ông cười rất tươi. Càng xúc động hơn khi chúng tôi được biết ông và người bạn đời hiện đang ở nhà trọ, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng tấm lòng nhân ái của ông lại rất tràn đầy. Hỏi về thông tin ông được chính quyền TP Cần Thơ khen thưởng, ông cười rất tươi: “Tui nhứt định sẽ dùng hết số tiền được khen để tiếp tục chuyện vá đường cho bà con đi lại an toàn. Họ vui là mình vui”.
2. Biết chúng tôi đi tìm nhân vật đặc biệt chuyên tình nguyện vá đường miễn phí trên 12 năm tại TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), trung tá Huỳnh Minh Sự, Phó trưởng Công an phường Mỹ Phú, nói ngay: “TP này hỏi đến tên ông Bảy Đèo ai mà không biết, ngày ngày ổng cứ đi quan sát địa hình thấy chỗ nào có ổ gà hư hỏng thì xin nhựa đường tới vá liền. Mà ngặt lắm, công chuyện này phải làm ngoài nắng chang chang mới được. Ai thấy cũng xúc động ghê lắm”.
Ông Bảy Đèo tên thật là Mai Văn Phước, 82 tuổi, ngụ khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Công việc này đã được ông làm trên 10 năm. Với chiếc xe Honda cà tàng, hễ nghe ai thông tin có đường hư là ông lên đường ngay để quan sát “mục tiêu”. Sau đó ông đến xin nhựa đường về nhà đập nhuyễn và phơi nắng rồi chuẩn bị bộ đồ nghề rất đơn giản để lên đường vá ổ gà.
Ông Đoàn Quang Dục, Trưởng khóm Mỹ Phú xúc động nói: “Nhiều người thấy ông cần cù vá đường giữa buổi trưa nắng gắt nên nhiều lần cho tiền bồi dưỡng, nhưng ông kiên quyết từ chối với câu trả lời: tôi làm vì tấm lòng, không làm để nhận tiền của bất kỳ ai”. Người dân nơi ông sinh sống nhắc hoài cái chuyện ông Bảy Đèo tự nguyện bỏ tiền mua cát đá, xin nhựa đường để nâng cấp con hẻm trên 100m với kinh phí hàng chục triệu đồng cho bà con đi lại dễ dàng, không còn cảnh lội nước khi mùa mưa xuống, giúp trẻ con đến lớp nhanh chóng và ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm.
Từ đó con hẻm này “chết danh” hẻm Bảy Đèo. Trưởng khóm Đoàn Quang Dục còn cung cấp thêm thông tin, hiện nay mỗi tháng ông Phước còn cung cấp thường xuyên 150 ký gạo cho 15 hộ nghèo tại địa phương. Đó là chưa kể các lần ông trợ cấp đột xuất tiền, gạo cho các hộ khó khăn, tập sách, quần áo cho học sinh mồ côi. Địa phương đã kiến nghị để trên cấp bằng khen cho ông. Còn ông Mai Văn Phước hiền từ tâm sự: “Tui chỉ mong có sức khỏe để vá đường, giúp đỡ mọi người nghèo xung quanh để họ bớt khổ. Thấy người ta vui là mình vui theo. Vậy thôi”.
3. “Chú muốn tìm bà Bạch xe ôm phải hôn? Dễ lắm, đi theo mé sông tới gần chùa Quan Âm hỏi nhà nào nghèo nhất xóm nhưng tối ngày đi làm chuyện từ thiện là người ta chỉ nhà bả liền” - một người phụ nữ chỉ đường cho chúng tôi như vậy.
Dù người phụ nữ chúng tôi muốn tìm tên thật là Nguyễn Thị Phượng Thu, 54 tuổi, ngụ khóm 1, phường 4, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp nhưng người dân địa phương quen gọi chị với nhiều cái tên rất “lạ” như: bà Bạch xe ôm; bà Bạch vá lộ; bà Bạch thuốc Nam…
Không đất sản xuất, mỗi ngày chị Thu làm thuê cho một quán ăn gần nhà từ 6 giờ đến 9 giờ, buổi chiều từ 16 giờ đến 20 giờ với tiền công 70.000 đồng/ngày. Thời gian còn lại chị lặn lội đi tìm dược liệu để cung ứng cho các điểm hốt thuốc từ thiện của TP Sa Đéc. Cạnh đó để cải thiện cuộc sống, chị Thu còn làm tài xế xe ôm rất quen thuộc của bà con phường 4. Điều đặc biệt ở người nữ xe ôm này là không bao giờ ra giá, ai muốn trả bao nhiêu tùy ý.
Đã có nhiều trường hợp chị Thu miễn phí những cuốc xe cho bà con khó khăn, những ca bệnh “hiểm nghèo” phải nhập viện trong đêm. Bà Hồ Thị Cúc, ngụ khóm 1, phường 4, TP Sa Đéc, xúc động kể: “Nhà tui đơn chiếc, nửa đêm đứa cháu ngoại bị đau ruột thừa không biết cầu cứu ai. Nghe vậy cô Bạch chở bà cháu tui vô bệnh viện Sa Đéc kịp thời, tui mang ơn cổ nhiều lắm. Vậy mà cổ còn không nhận tiền xăng nhớt gì hết”. Không dừng lại ở đó, người dân TP Sa Đéc còn rất quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ cần mẫn ngồi vá lại những ổ gà dưới trời nắng gắt để các phương tiện qua lại được an toàn.
Mới đây chị đã được nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về những việc làm nhân ái của mình. Thật cảm động hơn khi biết chị đã dùng toàn bộ số tiền thưởng trên 1,2 triệu đồng để mua vật tư tiếp tục chuyện vá lộ của mình.