Người bệnh tố Bệnh viện Chợ Rẫy mổ sống, không gây mê

Bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi sỏi túi mật, người nhà lên facebook cá nhân phản ánh bệnh nhân bị "mổ sống", trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định đây là cuộc phẫu thuật có gây mê đúng quy trình chuyên môn.
Mới đây người nhà bệnh nhân P.T.T.P (53 tuổi, ngụ Kiên Giang) lên facebook cá nhân tố Bệnh viện Chợ Rẫy tắc trách trong việc phẫu thuật cho bệnh nhân P.
Người đăng tải trên facebook là con bà P. Bà P. bị sỏi túi mật, được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật nội soi tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong lúc chuẩn bị mổ, bà P. vô tình đạp bể 1 lọ thuốc trong phòng mổ.
Ca phẫu thuật đã hoàn thành vào chiều 22-11. Sau khi hậu phẫu, bệnh nhân cho biết tỉnh và đau suốt cuộc mổ. Đến ngày 26-11, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không đau bụng hay vết mổ, ăn cháo biết ngon. Siêu âm bụng không thấy bất thường.
Tuy nhiên, sau đó người nhà của bệnh nhân P. đã lên facebook tố cáo Bệnh viện Chợ Rẫy tắc trách trong quá trình mổ, khiến bà P. đau đớn vì bị mổ sống.
Thuc hu nguoi benh to Benh vien Cho Ray
Ảnh minh họa 
Cũng theo thông tin trên facebook, người nhà bệnh nhân P. cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã gặp gỡ gia đình và bệnh viện muốn xin lỗi bà P. vì làm bà đau, ảnh hưởng tâm lý; bệnh viện hỗ trợ toàn bộ viện phí ca mổ; bệnh viện chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề sức khỏe của bà P. sau hậu phẫu và các vấn đề về tâm lý…
Ngay khi nhận được phản ánh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã họp hội đồng chuyên môn và có kết luận như sau: Đây là một ca mổ thành công, không tai biến (cho đến hiện tại), đúng quy trình, tiến triển hậu phẫu bình thường.
Theo PGS-TS-BS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, việc vỡ lọ thuốc phòng mổ là một sự cố thông thường không liên quan đến quy trình gây mê cho bệnh nhân. Vì theo quy định của bệnh viện, nhân viên không phải bồi thường ống thuốc này, chi phí này thuộc trong khoản hao phí của bệnh viện và nhân viên gây mê cũng không có thái độ xúc phạm đến bệnh nhân.
Đây là một cuộc phẫu thuật có gây mê theo đúng quy trình chuyên môn. Ngay sau mổ, bệnh nhân được chuyển đến hồi sức trong tình trạng vẫn còn mê, việc theo dõi chăm sóc sau mổ không có dấu hiệu bất thường.
Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng đau trong bệnh nhân gây mê có thể xảy ra và tùy theo ngưỡng chịu đau của mỗi người. Trong quá trình gây mê, bằng nghiệp vụ chuyên môn bác sĩ đã đánh giá bệnh nhân mê đúng độ cho phép. Theo y văn, thời điểm bệnh nhân đau nhiều được ghi nhận là lúc khởi mê (đau do tiêm thuốc) và đau nhiều nhất là cái thời điểm bắt đầu hồi tỉnh, khi đó bệnh nhân chưa tỉnh hoàn toàn.
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia (phẫu thuật viên) chỉ có gây mê đạt đủ độ thì mới có thể mổ được cho bệnh nhân. Trường hợp này phẫu thuật viên vẫn thực hiện quy trình cuộc phẫu thuật bình thường, không có trở ngại gì. Đây là một quy trình gây mê mổ thường quy ở các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Lời xin lỗi của phẫu thuật viên nói với bệnh nhân khi thăm khám bệnh sau mổ là thể hiện lịch sự khi người bệnh không hài lòng (bệnh nhân than đau), không phải xác nhận đó là lỗi về chuyên môn.
Theo Nguyễn Thạnh/ Người lao động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN