Mỹ phẩm bao gồm mỹ phẩm trang điểm, dưỡng da hoặc sản phẩm tiếp xúc cơ thể như sữa tắm, sơn móng, nước hoa...Ở tuổi vị thành niên, cơ thể và làn da tràn đầy sức sống. Do đó, hậu quả hay hệ lụy của việc dùng mỹ phẩm có thể chưa biểu hiện, khiến nhiều người chủ quan, dẫn đến lạm dụng. Về lâu dài, da có thể gặp tình trạng mỏng, nổi gân máu, sẹo lồi lõm, trở nên nhạy cảm...
Trong khi đó, da trẻ nhỏ nếu dùng mỹ phẩm dễ bị bít tắt lỗ chân lông, tạo cồi mụn, gây mụn, thậm chí mụn nặng dẫn đến sẹo xơ xấu trên da về sau. Một số hóa chất có thể tẩy trắng và bào mỏng da.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp một số vấn đề về tâm lý như lãng phí thời gian làm đẹp thay vì tập trung tích lũy kiến thức, bị mất tự tin khi giao tiếp nếu không trang điểm, hao tốn tâm trí và tiền của để mua mỹ phẩm...
Trong tình huống trẻ nhỏ sớm theo các nghề biểu diễn, làm mẫu ảnh... nên chọn mỹ phẩm trang điểm nhẹ nhàng. Nên dùng dược mỹ phẩm để vệ sinh da sạch, chăm sóc da đơn giản và tôn trọng cấu trúc vi thể làn da. Hạn chế dùng mỹ phẩm trang điểm "chuyên nghiệp". Tránh chà xát bề mặt da. Che chắn nắng kỹ cho bé, không nên tẩy rửa mạnh... Khi làn da có bất kỳ biểu hiện "kêu cứu", nên đến bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn, chữa trị kịp thời.
Đặc biệt, trước đó đã không ít chuyên gia cảnh báo, nguy cơ nhiễm độc hóa chất, nhất là nhiễm độc chì từ son môi ngày càng gia tăng. Kim loại này rất độc, đã bị cấm sử dụng, song một số nhà nhà sản xuất vẫn trộn vào son môi để tăng độ bám dính. Nếu sử dụng lâu dài sẽ gây rối loạn ngôn ngữ, hành vi và trí tuệ. Chì còn có hại cho trẻ em bởi làn da còn quá non nớt, trẻ nhỏ lại có thói quen liếm môi thường xuyên càng làm cho hóa chất đi vào cơ thể nhiều hơn. Hầu hết loại son lâu trôi đều chứa chất propylen glycol - chất có hại cho não, gan, thận, thậm chí gây ung thư.
Thông tin thêm về tác hại khi sử dụng mỹ phẩm cho trẻ nhỏ, các bác chuyên Khoa da liễu, BV Nhi Đồng cho biết, việc sử dụng mỹ phẩm trong việc chăm sóc con cái từ sữa tắm hay phấn rôm cho tới kem dưỡng, son, phấn… đều không hề tốt đối với trẻ, ngược lại, nếu lạm dụng sẽ gây ra những tác hại khôn lường.
Nguy hiểm hơn nếu các bé sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra rất nhiều tác hại khó lường. Nhẹ thì các cháu bị dị ứng mà nặng hơn là viêm da, kích ứng da cấp tính, mãn tính, rất nguy hiểm.
Đối với hàng kém chất lượng, giá thành rẻ, nguồn gốc không rõ ràng, rất nhiều khả năng thành phần dung môi sẽ bị lẫn các tạp chất như methanol, aldehyde… có thể gây kích thích, tổn thương đường hô hấp khi hít vào; về lâu dài sẽ có nhiều nguy cơ gây ung thư các cơ quan hô hấp như xoang mũi của trẻ.
Trong mỹ phẩm có các thành phần cấm lưu hành như kim loại nặng hoặc phthalate - những tạp chất dễ xuất hiện trong thành phần định hương. Tùy loại kim loại sẽ có những tác động xấu cụ thể đến sức khỏe khác nhau, nhưng riêng phthalate sẽ gây ức chế hormone sinh dục, rối loạn nội tiết khiến trẻ bị dậy thì sớm hoặc vô sinh về sau.
Với những nguy cơ tiềm ẩn trên, tốt nhât cha mẹ không nên cho bé dùng mỹ phẩm quá sớm hoặc nếu có nên lựa chọn những dòng mỹ phẩm phù hợp độ tuổi, cũng như kết cấu làn da của trẻ. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng, các phụ huynh nên biết mồ hôi của trẻ em chủ yếu là thành phần nước chứ không có chất bã nhờn. Theo đó, cơ thể trẻ không bị hôi như người lớn (vì vi khuẩn không hoạt động). Mặt khác, mỗi đứa trẻ thường đã có mùi thơm rất riêng của trẻ con nên chỉ cần tắm rửa sạch sẽ, cho bé mặc trang phục thoáng mát, lau mồ hôi cho trẻ chứ đừng lạm dụng nước hoa”.