Forbes đưa tin, các nhà khoa học đến từ Đại học Y tỉnh Kyoto (Nhật Bản) đã tiến hành nghiên cứu để xác định thời gian tồn tại của virus SARS-CoV-2 trên bề mặt da người và nhựa. Họ chọn các tấm polystyrene và mảnh da của tử thi để làm thí nghiệm.
Nhóm nghiên cứu lấy mẫu của các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2 từ Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ở Tokyo, Nhật Bản, nuôi cấy các mẫu này rồi đặt vào bề mặt nhựa và da người.
Sau đó, họ liên tục kiểm tra sự hiện diện của virus cho tới khi không thể tìm thấy chúng nữa. Kết quả cho thấy, biến chủng Omicron tồn tại lâu hơn đáng kể so với các biến chủng khác.
|
Ảnh minh họa: Independent. |
Ở bề mặt nhựa, biến thể Omicron tồn tại trong 193,5 giờ và ở bề mặt là da người, chúng tồn tại trong 21,1 giờ.
Trong khi đó, biến chủng Delta tồn tại trong 114 giờ ở bề mặt nhựa và 16,8 giờ trên da người.
Theo một phát hiện khác của nghiên cứu, trong ống nghiệm, biến thể Omicron có khả năng kháng các chất khử trùng gốc ethanol cao hơn một chút so với chủng gốc.
Tuy nhiên, việc sử dụng cồn nồng độ 35 trong 15 giây có hiệu quả như nhau trong việc bất hoạt virus, dù là biến thể nào. Do vậy, tất cả các biến thể của SARS-CoV-2 đều bị tiêu diệt bởi các chất khử trùng gốc cồn trên da.
Liên quan đến biến chủng Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 9/2 cảnh báo, biến thể phụ BA.2 của chủng Omicron có khả năng sẽ trở thành biến thể thống trị nhất trên thế giới.
Hiện, chưa rõ liệu biến thể phụ mới có thể gây tái nhiễm đối với những người đã mắc phải phiên bản trước đó của biến thể Omicron hay không. WHO vẫn đang theo dõi sát sao biến thể phụ này.
Omicron được phát hiện lần đầu tại miền nam châu Phi hồi tháng 11/2021, bị WHO xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại với hơn 50 đột biến. WHO cho biết nửa triệu ca tử vong vì COVID-19 đã được ghi nhận từ khi Omicron xuất hiện.
Mời độc giả xem thêm video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan COVID-19 (Nguồn video: THĐT)