Thực phẩm "vạn người mê" là kẻ thù thầm lặng khiến gan tổn thương trầm trọng

Gan là cơ quan thầm lặng, làm việc miệt mài mỗi ngày để lọc độc và duy trì sức khỏe cho cơ thể. Nhưng chính những thói quen tưởng chừng “vô hại” lại đang khiến gan tổn thương âm thầm từng ngày…

Đường – kẻ thù giấu mặt của gan

Chúng ta vẫn thường nghĩ đường chỉ gây sâu răng hay tăng cân. Nhưng thực tế, đường – đặc biệt là fructose trong đường tinh luyện và siro ngô – chính là thủ phạm thúc đẩy gan tạo ra mỡ, lâu dần dẫn đến gan nhiễm mỡ không do rượu.

Có những người hoàn toàn không uống rượu nhưng vẫn mắc bệnh gan – nguyên nhân nằm ở chế độ ăn quá nhiều đường ẩn trong nước ngọt, bánh kẹo, đồ ăn nhanh. Một số nghiên cứu còn cho thấy đường có thể gây hại cho gan tương tự rượu, dù bạn không thừa cân.

Một lon nước ngọt đã vượt ngưỡng an toàn về đường - Ảnh minh họa

Một lon nước ngọt đã vượt ngưỡng an toàn về đường - Ảnh minh họa

Nước ngọt – nguy cơ gan nhiễm mỡ “nằm vùng”

Một lon nước ngọt 330ml chứa 30–40g đường, trong khi khuyến cáo của WHO là không quá 25g đường tự do/ngày (tương đương ~6 muỗng cà phê). Nghĩa là chỉ một lon thôi đã vượt mức an toàn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, người uống nước ngọt thường xuyên có nguy cơ gan nhiễm mỡ cao hơn đáng kể. Vì vậy, nếu bạn đang muốn bảo vệ gan, hãy cân nhắc cắt giảm hoặc giới hạn nước ngọt ở mức tối đa 1 lon/tuần, đặc biệt với người có nguy cơ béo phì, tiểu đường hoặc có tiền sử bệnh gan.

Thuốc giảm đau chứa Acetaminophen – không thể dùng “vô tư”

Rất nhiều loại thuốc cảm, thuốc giảm đau, hạ sốt hiện nay có chứa acetaminophen (paracetamol). Khi dùng đúng liều, thuốc này khá an toàn. Nhưng nếu bạn vô tình dùng nhiều loại thuốc chứa cùng hoạt chất, gan có thể bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến suy gan cấp.

Vì thế, luôn đọc kỹ thành phần trước khi uống, không tự ý kết hợp nhiều thuốc và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Đừng để gan phải gánh hậu quả vì vài viên thuốc “tưởng chừng vô hại”.

Rượu uống ít cũng vẫn hại gan - Ảnh minh họa

Rượu uống ít cũng vẫn hại gan - Ảnh minh họa

Rượu – ít hơn bạn nghĩ cũng đã gây hại

Nhiều người cho rằng chỉ khi uống nhiều mới hại gan, nhưng thực tế, ngay cả khi bạn uống dưới mức "say", gan vẫn phải làm việc cật lực để chuyển hóa cồn, điều này dễ gây viêm gan, xơ gan nếu diễn ra thường xuyên.

Theo khuyến cáo: Nam giới không quá 2 đơn vị cồn/ngày; Nữ giới không quá 1 đơn vị cồn/ngày. 1 đơn vị cồn = 150ml rượu vang, 350ml bia hoặc 45ml rượu mạnh

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không có mức uống rượu nào là hoàn toàn an toàn với gan. Nếu có thể, hãy hạn chế tối đa.

Cách bảo vệ gan

Lá gan không biết “kêu đau” như các cơ quan khác. Chỉ đến khi bị tổn thương nặng, chúng ta mới thấy rõ hậu quả. Hãy quan tâm đến gan ngay từ bây giờ – từ những điều đơn giản nhất:

- Hạn chế đường, tránh nước ngọt

- Uống thuốc đúng cách, có chỉ định

- Kiểm soát việc uống rượu, càng ít càng tốt

Vì một lá gan khỏe là nền tảng của một cơ thể khỏe mạnh.

Lưu ý khi sử dụng đường để bảo vệ gan:

Ưu tiên đường tự nhiên từ trái cây tươi, rau củ, thay vì đường tinh luyện. Cơ thể xử lý đường trong trái cây khác hoàn toàn với đường thêm vào bánh, kẹo hay nước ngọt.

Đọc kỹ nhãn thực phẩm: Nhiều thực phẩm đóng gói tưởng “lành mạnh” như ngũ cốc ăn sáng, sữa chua, nước ép… lại chứa rất nhiều đường thêm vào dưới các tên như: fructose, glucose, corn syrup, maltose, dextrose...

Không nên thay đường bằng chất làm ngọt nhân tạo quá thường xuyên. Dù ít calo, một số nghiên cứu cho thấy chúng có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh đường ruột và chức năng gan khi dùng lâu dài.

Tập thói quen giảm khẩu vị ngọt: Bắt đầu từ việc bớt đường trong cà phê, trà sữa, hạn chế ăn vặt ngọt sau bữa ăn.

BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)