Thiêng liêng Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên

Mỗi mái tranh, mỗi tấc đất ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên đều chất chứa một phần ký ức thiêng liêng về Bác Hồ...

Gắn liền với cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên là một trong những địa danh lịch sử – văn hóa có giá trị đặc biệt quan trọng đối với dân tộc Việt Nam

Nơi ghi dấu thời thơ ấu của Bác Hồ

Khu di tích có tổng diện tích lên tới hàng chục héc-ta, bao gồm một hệ thống các di tích gốc và công trình tưởng niệm được bảo tồn, phục dựng và tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Nơi đây có hai cụm di tích chính là làng Sen – quê nội, và làng Hoàng Trù – quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hai ngôi làng bình dị, đậm đà bản sắc làng quê Bắc Trung Bộ, nơi đã chứng kiến những năm tháng tuổi thơ êm đềm và hình thành những phẩm chất cao quý của Người.

01-9992.jpg
Ngôi nhà cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời vào buổi sáng ngày 19/5/1890 ở làng Hoàng Trù. Ảnh: Quốc Lê.

Làng Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) chính là nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời và sống trong 5 năm đầu tiên của thời thơ ấu. Khi về thăm làng Hoàng Trù, điểm đầu tiên mà du khách sẽ ghé vào là ngôi nhà cụ Hoàng Đường – ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một ngôi nhà 5 gian và 2 chái, trong đó ba gian ngoài là nơi cụ Hoàng Đường dạy học. Ngôi nhà cũng là nơi bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu của Bác Hồ – sinh ra và lớn lên, là lớp học đầu tiên ươm trồng tài năng của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ của Người.

Ở góc vườn phía Tây nhà cụ Hoàng Đường là ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan khi hai người đã kết hôn. Tại ngôi nhà nhỏ ba gian đơn sơ này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời vào buổi sáng ngày 19/05/1890. Gian ngoài của ngôi nhà là nơi làm việc của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông. Cụ Hoàng Đường thường qua đây đàm đạo với con rể về văn chương, chữ nghĩa. Hai gian còn lại không có vách ngăn, gian trong có chiếc giường nhỏ là nơi nghỉ của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ. Gian ngoài có chiếc khung cửi là công cụ lao động của thân mẫu Bác Hồ và chiếc võng gai mà thời ấu thơ Bác Hồ đã nằm nghe lời mẹ ru và những câu chuyện cổ tích của bà ngoại.

Cách ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan không xa là ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân – họ ngoại của Bác Hồ.

Sau một quãng đời bôn ba hoạt động, phải đến ngày 9/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp về thăm lại làng Hoàng Trù sau nhiều năm xa cách. Đây cũng là lần cuối cùng Người về thăm nơi chôn nhau cắt rốn cho đến khi vĩnh viễn đi xa.

02-8567.jpg
Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Sen. Ảnh: Quốc Lê.

Từ năm 5 tuổi đến 11 tuổi, Bác Hồ cùng cha mẹ và anh trai vào Huế. Sau khi mẹ mất, từ năm 11 đến 16 tuổi (1901 – 1906), Người trở về sinh sống tại ngôi nhà của thân phụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngày nay, ngôi nhà vẫn mang dáng dấp như cách đây 1 thế kỷ với hàng rào dâm bụt, con đường đất mộc mạc, những khu vườn xanh mướt bao quanh…

Đây là một ngôi nhà lá đơn sơ có 5 gian được dân làng Sen quê Bác dựng lên từ quỹ công của dân làng để mừng cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng khoa thi Hội năm 1901. Trong ngôi nhà này, cụ Nguyễn Sinh Sắc dành hai gian để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian nghỉ của cụ Nguyễn Sinh Sắc với bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính. Nơi đây có chiếc án thư, nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước trà xanh.Ngôi nhà còn lưu giữ nhiều kỷ vật khác của gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc như chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen…

Bên cạnh ngôi nhà của cụ Phó bảng, làng Sen còn nhiều địa điểm khác mang dấu ấn thời niên thiếu của Bác Hồ, như giếng Cốc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – ông nội của Bác Hồ, lò rèn cố Điền, nhà của cử nhân Vương Thúc Quý, các ao sen trong mát...

Sân vận động làng Sen rộng hơn 1 ha được xây dựng vào năm 1945, ở góc Đông Bắc có cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi. Trong hai lần về thăm quê vào năm 1957 và 1961, dưới gốc đa này Bác Hồ đã nói chuyện thân mật với cán bộ, đồng bào. Ngoài ra, ở làng Sen còn có nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi các tầng lớp nhân dân thể hiện lòng biết ơn, yêu kính người đã đem lại tự do và độc lập cho đất nước Việt Nam.

Địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần yêu nước

Khu di tích Kim Liên không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng về thời niên thiếu của Người, mà còn là điểm đến tiêu biểu trong hành trình tìm về cội nguồn, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho mọi thế hệ người Việt Nam

Năm 2012, Khu di tích được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt – danh hiệu cao quý dành cho những địa điểm có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Sự công nhận này không chỉ khẳng định vai trò to lớn của khu di tích trong việc gìn giữ ký ức lịch sử dân tộc mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã dành trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

03-6203.jpg
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Sen. Ảnh: Quốc Lê.

Ngày nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên là một trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước và đạo đức cách mạng tiêu biểu. Hằng năm, nơi đây đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tưởng niệm và học tập. Không chỉ dừng lại ở giá trị lịch sử, khu di tích còn là điểm tựa tâm linh thiêng liêng, nơi hội tụ tình cảm của nhân dân cả nước dành cho vị cha già dân tộc. Trong những dịp lễ lớn như ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày Quốc khánh 2/9 hay ngày giỗ Bác 2/9, nơi đây thường diễn ra các hoạt động dâng hương, lễ tưởng niệm, trưng bày chuyên đề, giao lưu văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống và lòng tri ân sâu sắc.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên không chỉ là biểu tượng của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là biểu tượng của tinh thần Việt Nam: cần cù, nhân ái, kiên cường và hướng tới tương lai. Mỗi mái tranh, mỗi tấc đất nơi đây đều chất chứa một phần ký ức thiêng liêng về Người, soi sáng con đường mà dân tộc Việt Nam đang đi tới – con đường của độc lập, tự chủ, phát triển và hội nhập, theo đúng tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Hình ảnh quý về Bác Hồ bên các tầng lớp quần chúng nhân dân

Đọc cuốn “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, nhiều người xúc động khi thấy hình ảnh Bác Hồ gần gũi, thân thiết với các tầng lớp nhân dân.

Năm 1949, Đoàn đại biểu Nam Bộ từ miền Nam ra thăm miền Bắc đã tới quây quần bên Hồ Chủ tịch.

Năm 1949, Đoàn đại biểu Nam Bộ từ miền Nam ra thăm miền Bắc đã tới quây quần bên Hồ Chủ tịch.

Người với các đại biểu Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, năm 1951.

Người với các đại biểu Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, năm 1951.

Xúc động hình ảnh đời thường mộc mạc của Bác Hồ

Cùng nhìn lại những khoảnh khắc đời thường bình dị của Bác Hồ, trích từ ấn phẩm “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, xuất bản tháng 11/1970.

a01.jpg
Hồ Chủ tịch trong phòng làm việc của Người ở Phủ chủ tịch năm 1946.
a02.jpg
Người làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951.