Madam Ngo (Ngô Thị Theu hay “Bà Ngô”) vừa bị Intepol, Cảnh sát Thái Lan và Công an Việt Nam phối hợp bắt giữ tại một khách sạn ở quận Watthana của Bangkok, Thái Lan vì liên quan đến vụ lừa đảo tài sản mã hóa trị giá 300 triệu USD. Cùng bị bắt giữ còn có 2 người đàn ông đi cùng.
Truy nã theo Thông báo đỏ của Interpol
Ngô Thị Theu trước đó bị Interpol truy nã về hành vi lừa đảo qua hệ thống giao dịch tiền điện tử và đầu tư ngoại hối hơn 2.000 nạn nhân Việt Nam, số tiền thiệt hại khoảng 300 triệu USD.

Công an Việt Nam cũng truy nã Ngô Thị Theu theo Thông báo đỏ của Interpol. Theu được cho là nhân vật chủ chốt trong mạng lưới tội phạm lừa đảo công dân Việt Nam vào các khoản đầu tư gian lận thông qua các nền tảng giao dịch ngoại hối và tiền điện tử.
Bà Ngô và đồng bọn hứa hẹn lợi nhuận hàng tháng từ 20-30% để lôi kéo nạn nhân và thuê những người nổi tiếng hoặc những người có ảnh hưởng nổi tiếng để thuyết phục mọi người đầu tư với họ.
Các nạn nhân được mời tham dự các hội thảo công bố các thông tin sai sự thật rằng các khoản đầu tư không có rủi ro và mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Những người có thể tuyển dụng người khác để đầu tư sẽ nhận được phí hoa hồng - tương tự như một kế hoạch kim tự tháp.
Ban đầu, nạn nhân được phép rút lợi nhuận nhỏ để xây dựng lòng tin. Một khi các khoản đầu tư lớn hơn được thực hiện, họ sẽ bị cắt liên lạc. Hơn 2.600 người trở thành nạn nhân của mạng lưới lừa đảo này, thiệt hại tổng cộng ít nhất 300 triệu USD...
Trong quá trình thẩm vấn, Ngô Thị Theu thú nhận đã thúc đẩy các khoản đầu tư gian lận. Hầu hết số tiền bị lừa từ các nạn nhân đã được chuyển đến tay kẻ cầm đầu, trong khi phần lợi nhuận của bà này được “rửa tiền” thông qua các khoản đầu tư bất động sản.
Trong khi ẩn náu ở Thái Lan, Bà Ngô nhận được tiền qua tài khoản từ Việt Nam và người này rút bằng tiền mặt - khoảng 1 triệu Baht cho mỗi giao dịch - để tránh bị phát hiện.
Bài học cho nhiều người khi muốn làm giàu nhanh
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, những năm gần đây các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng khoảng trống pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo, đầu tư tài chính, huy động vốn, kinh doanh đa cấp trá hình để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gầy nhức nhối trong xã hội.
Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa quy định tiền ảo, tài sản ảo là tài sản. Tuy nhiên số lượng người Việt tham gia đầu tư tài chính là các loại tiền mã hóa, tiền ảo, tài sản ảo trên không gian mạng ngày càng nhiều, chiếm tỷ trọng khá lớn.
Do tâm lý muốn làm giàu nhanh, dễ dàng và thiếu hiểu biết pháp luật nên nhiều người nhanh chóng trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong khoảng thời gian rất dài, với số lượng người bị chiếm đoạt tiền rất lớn nên vụ án này có rất nhiều người bị hại trong đó có nhiều người Việt Nam.
Về nguyên tắc, pháp luật công nhận quyền sở hữu mới bảo vệ quyền sở hữu. Trong những vụ án như thế này, mặc dù tiền ảo, tài sản ảo chưa được pháp luật công nhận và pháp luật không bảo vệ loại tài sản này, tuy nhiên nạn nhân mất tiền thật, dùng tiền thật để mua tiền ảo nên tài sản bị chiếm đoạt được xác định là tiền thật, là tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ được pháp luật Việt Nam công nhận.
Vụ án này sẽ là bài học cho nhiều người khi muốn làm giàu nhanh chóng, dễ dàng bằng phương thức đầu tư vào tiền ảo mà không có đầy đủ thông tin và kiến thức hiểu biết.
Để đấu tranh với tội phạm trực tuyến, tội phạm sử dụng công nghệ, tội phạm xuyên quốc gia trong đó có hình thức đầu tư tài chính là tiền ảo, tài sản ảo, huy động vốn trái phép, kinh doanh theo mô hình đa cấp biến tuyến cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật về vấn đề này, tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.
Đồng thời cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, cần cảnh báo đối với người dân và các nhà đầu tư về các hình thức đầu tư đúng pháp luật, các hình thức đầu tư trá hình có nguy cơ mất tiền.
Việc hoàn thiện pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý loại tài sản này, đồng thời siết chặt các hình thức huy động vốn theo mô hình đa cấp, quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động kinh doanh đa cấp để giảm thiểu cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng không gian mạng, lợi dụng người nổi tiếng hoặc các hình thức đầu tư mới để lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin.