TGĐ khu du lịch sinh thái Phú Hữu bị khởi tố... lừa đảo chiếm đoạt tài sản thế nào?
(Kiến Thức) - Ông Võ Thanh Long TGĐ khu du lịch sinh thái Phú Hữu bị khởi tố, bắt giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi có dấu hiệu huy động vốn trái phép, không chi trả tiền cho khách hàng như đã thỏa thuận.
Ngày 30/11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang tỉnh Hậu Giang cho biết, đơn vị này vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Võ Thanh Long (SN 1983), Tổng giám đốc Khu du lịch sinh thái Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ông Long từng là Tổng giám đốc của Công ty CP Bất động sản Cao Thắng và Công ty CP Quốc tế Ước mơ Việt.
Ông Võ Thanh Long bị khởi tố bắt giam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Trước đó, báo chí đã từng có nhiều thông tin đăng tải về việc công ty CP Quốc tế Ước Mơ Việt và Công ty CP BĐS Cao Thắng ký kết hợp đồng nhưng không chi trả lại tiền cho khách hàng cũng như “vẽ” dự án khu du lịch Phú Hữu để huy động vốn từ khách hàng.
Theo điều tra, ông Võ Thanh Long đã kêu gọi nhiều người bỏ vốn đầu tư theo hình thức đa cấp vào Khu du lịch sinh thái Phú Hữu thuộc Công ty CP Bất động sản Cao Thắng ở huyện Châu Thành, quy mô khoảng hơn 11 ha.
Cụ thể, Công ty cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt kinh doanh với hình thức bán phiếu bảo trì tài sản dân dụng với chiêu trò hứa hẹn sẽ mang lại cho khách hàng những mối lợi lớn.
Khu du lịch sinh thái Phú Hữu. Ảnh: PLO.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty Ước Mơ Việt chỉ là công ty chuyên sửa chữa, bảo trì thiết bị điện, không có chức năng kinh doanh giấy chứng nhận bảo trì thiết bị điện, điện lạnh, điện tử.
Theo quy định của công ty, người mua một đơn hàng sẽ nhận được 25 quyển phiếu bảo trì, mỗi quyển được cho là có trị giá 2 triệu đồng; nếu bán hết số phiếu bảo trì nói trên, sẽ có được 75 triệu đồng.
Để thu hút người tham gia mua phiếu bảo trì, công ty CP Ước Mơ Việt còn đưa ra chính sách “khuyến mãi”: mua phiếu bảo trì 200 triệu sẽ được tặng một lô đất 100 mét vuông ở Khu du lịch Phú Hữu (tỉnh Hậu Giang), người góp vốn 1,2 tỷ đồng sẽ được tặng một chiếc ô tô (cà vẹt xe phải thế chấp cho ngân hàng).
Đáng chú ý, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu, Hậu Giang được mua lại với số tiền 26 tỷ đồng nhưng trong sổ dự án được Công ty CP BĐS Cao Thắng lập ra để kêu gọi vốn nhà đầu tư lại ghi là 700 tỷ đồng, gấp gần 30 lần, có dấu hiệu huy động vốn trái phép.
Ngày 15/11/2017, UBND tỉnh Hậu Giang cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án , Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu cho Công ty CP Bất động sản Cao Thắng.
Tuy nhiên, trước đó, công ty này đã ký nhiều hợp đồng hợp tác đầu tư mà Công ty Cao Thắng ký với các bên để đầu tư phát triển dự án đều từ tháng 5 đến tháng 8/2017, trước thời điểm được phê duyệt chủ trương đầu tư. Điều này hoàn toàn trái với các quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu còn chưa được chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty CP Bất động sản Cao Thắng. Đồng nghĩa dự án chưa được lập quy hoạch 1/500 và chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Từ việc kêu gọi các nhà đầu tư chuyển đổi hợp đồng từ Công ty CP Quốc tế Ước mơ Việt đến việc huy động vốn dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu thì bản chất giống như “ve sầu thoát xác” khi sử dụng một dự án mới để thu hút nhà đầu tư để trốn tránh việc chi trả các khoản đã huy động từ trước tại Công ty CP Quốc tế Ước mơ Việt.
Thời gian gần đây, hàng trăm người dân từng mua gói bảo trì tài sản dân dụng của Công ty Cổ phần Ước mơ Việt tiếp tục bỏ tiền đầu tư dự án khu du lịch Phú Hữu của Công ty CP Bất động sản Cao Thắng tất cả đều không được công ty này chi trả bất cứ khoản tiền nào đã kéo đến khu du lịch Phú Hữu để đòi tiền, tố cáo lừa đảo.
Đáng chú ý, các nạn nhân đều không giao dịch hàng hóa gì với đối với ông Võ Thanh Long. Họ ký hợp đồng số tiền từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng và được công ty này giao cho những cuốn phiếu dịch vụ bảo trì thiết bị điện, điện tử và điện lạnh. Mỗi tháng sẽ được chi trả một số tiền lãi nhưng được vài tháng công ty ngừng chi trả.
Đặc biệt, thời gian qua, Võ Thanh Long đã xóa sổ Công ty Cổ phần Ước mơ Việt và đưa ra các phương án cho những người dân góp vốn vào công ty này như với những đại lý có hợp đồng 1 năm thì công ty sẽ hoàn trả lại tiền gốc đã đóng, còn đối với đại lý lâu năm thì công ty sẽ khấu trừ các khoản đã nhận, rồi chuyển trả bằng cách đại lý sẽ nhận 50% tiền mặt và 50% cổ phần tại Công ty CP BĐS Cao Thắng. Tuy nhiên, việc trả lại tiền sẽ được thực hiện sau nhiều tháng, chứ không thể trả ngay.
Ông Võ Thanh Long, Tổng Giám đốc Khu du lịch Phú Hữu. Ảnh: SGGP
Võ Thanh Long cũng là người được xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “nữ phóng viên đòi 700 triệu, gỡ 3 bài báo”. Theo đó, Phạm Lê Hoàng Uyển (42 tuổi), nguyên Trưởng văn phòng đại diện phía Nam của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập và Võ Hoàng Hà (40 tuổi; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa chất khử trùng châu Á) đã nhận án tù sau khi bị ông Long tố cáo.
Trước đó, vào tháng 7 và 8/2017, một số tờ báo đăng bài phản ánh về Công ty Cổ phần bất động sản Cao Thắng và Công ty Cổ phần quốc tế Ước Mơ Việt tại Hậu Giang do Võ Thanh Long làm Tổng giám đốc hoạt động kinh doanh, huy động vốn không minh bạch, có dấu hiệu lừa đảo.
Sau khi báo đăng được đăng, do có quen biết từ trước, Võ Thanh Long đã gọi cho Phạm Lê Hoàng Uyển (thời điểm trên là phóng viên Báo Hòa nhập và phát triển) để nhờ tìm hiểu xem phóng viên nào đăng bài viết này. Uyển nói với ông Long rằng muốn gỡ 2 bài phải lo số tiền 200 triệu đồng và được người này đồng ý. Hai bài chưa được gỡ, báo trên tiếp tục đăng bài thứ 3. Long tiếp tục nhờ Uyển lo gỡ giúp toàn bộ số bài trên.
Sau đó, Phạm Lê Hoàng Uyển điện thoại và nhắn tin cho bà L.Y.T. tìm cách giúp ông Long. Bà T. ra giá 600 triệu đồng. Uyển báo cho ông Long biết và tự kê lên giá thêm 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông Long còn phải chịu chi phí riêng cho Uyển là 30 triệu đồng để đi lại.
Để chấp nhận điều kiện của Uyển đưa ra, Long phải ký hợp đồng với công ty truyền thông để hợp thức hóa số tiền trên. Tuy nhiên Long không đồng ý vì số tiền quá lớn, nhưng sau đó lo sợ bị đăng bài tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của công ty nên chỉ đồng ý đưa tiền mà không ký hợp đồng.
Uyển tiếp tục điện thoại cho người quen là Võ Hoàng Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa chất khử trùng châu Á) nhờ tìm cách hợp thức hóa số tiền trên. Hà kêu Uyển nói với Long ký hợp đồng mua cây kiểng hoặc ký hợp đồng phun thuốc khử trùng với công ty Hà. Uyển cam kết với ông Long, sau khi nhận tiền, vài ngày sau, báo sẽ gỡ bỏ 3 bài báo trên.
Ngày 6/8/2017, ông Võ Thanh Long hẹn Uyển đến Cần Thơ để đưa trước 280 triệu đồng. Khi Uyển và Hà xuống Cần Thơ để nhận tiền. Tối cùng ngày, khi Uyển và ông Long thực hiện việc giao dịch tại một quán cà phê ở Cần Thơ thì bị công an bắt quả tang.
Trong phiên xét xử phúc thẩm vào tháng 4/2019, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ tuyên phạt Phạm Lê Hoàng Uyển 4 năm tù, Võ Hoàng Hà 2 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Video Bất thường Dự án Khu Du lịch sinh thái của Công ty CP BĐS Cao Thắng - Nguồn VTV.
18 nạn nhân bị lừa đảo hơn 32 tỷ đồng qua điện thoại, mạng xã hội
Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, Công an TP Hà Nội đã nhận được đơn trình báo của 18 nạn nhân, với số tiền bị chiếm đoạt lên đến 32 tỷ 992 triệu đồng.
Ngày 23/5, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội đưa ra khuyến cáo với người dân về sự gia tăng của các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, mạng internet.
Quá khứ máu lạnh rợn người của thiếu niên dìm chết bé trai ở Đắk Nông
(Kiến Thức) - Sau khi khai nhận đã sát hại bé trai do mâu thuẫn trong lúc chơi điện tử, thiếu niên sinh năm 2005 từng giết một bé gái gần nhà.
Mới đây, Phòng cảnh sát hình sự công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đang tạm giữ đối với Điểu Long (SN 2005, trú tại huyện Bù Đăng, Bình Phước) để điều tra việc sát hại một bé trai 11 tuổi cùng trú tại địa phương.
Điểu Long tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Zing)
Theo đó, chiều 27/11, công an huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) nhận được tin báo của bà Điểu Thị Tích (SN 1985, trú tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, Bình Phước) về việc con trai của bà là Điểu Lâm (SN 2008) đi chơi với Long nhưng không thấy về nhà.
Sau khi nhận được thông tin, công an huyện Tuy Đức đã triệu tập Long lên làm việc. Tại đây, Long khai nhận đã sát hại Lâm.
Lừa hàng loạt ô tô tự lái rồi cắt định vị đem sang Campuchia bán
Để có tiền tiêu xài, các bị can đã lừa thuê xe tự lái, rồi tháo bỏ định vị để mang sang Campuchia tiêu thụ.
Ngày 14/11, Viện kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ cho biết, đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị truy tố bị can Bùi Thế Tín (35 tuổi, ngụ phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), Trương Tấn Phát (29 tuổi, ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Theo hồ sơ, Tín và Phát cùng làm dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái trên địa bàn thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Do cần tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ cho nhiều người nên khoảng tháng 5/2018, cả 2 bàn bạc với nhau, Phát sẽ thuê xe ô tô tự lái rồi đưa cho Tín đi cầm lấy tiền tiêu xài.
Trong thời gian trên, Phát đã thuê 6 xe ô tô các loại của các chủ sở hữu trên địa bàn TP Cần Thơ, với mục đích thuê là sử dụng để chạy dịch vụ du lịch và cho thuê lại để hưởng chênh lệch.
Tuy nhiên, khi nhận được xe thì Phát giao cho Tín để lấy tiền mỗi xe từ 30 - 40 triệu đồng/xe. Sau đó, Tín đem thế chấp lại cho Lê Văn Hiển và Lê Mã Trường Kỳ để lấy 40 – 100 triệu đồng/xe.
Tổng giá trị giá 6 xe mà Tín và Phát chiếm đoạt là hơn 3,2 tỉ đồng. Số tiền mà Phát chiếm đoạt 270 triệu đồng, Tín 350 triệu đồng.
Bị can Tín (ảnh nhỏ).
Với thủ đoạn tương tự, cũng trong năm 2018, Tín thuê tiếp tục thuê 9 xe tô các loại của một công ty dịch vụ du lịch có địa chỉ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ và thuê 1 xe ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp 01 xe ô tô. Do nhiều lần đến thuê xe và trả xe đúng quy định nên Tín tạo được lòng tin, khiến bị hại tin tưởng giao xe cho Tín.
Bản thân Tín, nợ Lê Văn Hiển 100 triệu đồng nhưng không có tiền trả nên Hiển yêu cầu Tín đưa xe ô tô cho Hiển, Hiển sẽ tìm nơi tiêu thụ thì Tín đồng ý. Sau đó, Tín đã giao tất cả 10 xe ô tô mà y đã thuê cho Hiển và Lê Mã Trường Kỳ để chiếm đoạt 710 triệu đồng và 3.500 USD sử dụng vào mục đích cá nhân.
Kết luận định giá tài sản, kết luận trị giá 10 xe mà Tín lừa đảo chiếm đoạt là gần 5,5 tỉ đồng.
Sau khi lấy được xe, Hiển và Kỳ đã tháo các định vị gắn vào ô tô khác hoặc gắn vào xe mô tô để định vị hoạt động nhằm che giấu không để chủ nhân xe phát hiện. Tiếp theo, các đối tượng này sẽ cắt định vị mang xe sang nước Campuchia tiêu thụ.
Đối tượng Lê Văn Hiển hiện đang bị Cục cảnh sát Hình sự Campuchia bắt giữ, còn Lê Mã Trường Kỳ hiện đã bỏ trốn khỏi địa phương.