Đóng cửa phiên giao dịch 23/3, chỉ số VN-Index giảm 43,14 điểm (6,08%) xuống 666,59 điểm; HNX-Index giảm 5,44% xuống 96,26 điểm và UPCoM-Index giảm 4,55% xuống 47,58 điểm.
Mức 666,59 điểm của VN-Index là mức thấp nhất của chỉ số này tính từ năm 2017 cho tới hiện tại. Xét về giá trị tương đối, mức giảm 6,08% chỉ thua chút ít so với phiên giao dịch tồi tệ ngày 9/3 vừa qua (giảm 6,28% là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2014 của chỉ số xét về biên độ).
Dù vậy, nhìn chung phiên 23/3 vẫn khá tiêu cực khi áp lực bán trên toàn thị trường vẫn rất mạnh. Số mã giảm điểm trên cả 3 sàn lên tới 673 mã, bao gồm 308 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 127 mã tăng điểm.
|
VN-Index kết phiên tại mức 666,59 điểm. |
Mở đầu phiên chiều, VN-Index liên tục chao đảo và xác lập kỷ lục mới giảm 6,37% so với tham chiếu. Lần gần nhất chỉ số giảm trên mức này là phiên 3/10/2001 (giảm 6,35%), nhưng tương quan giữa phiên hôm nay và năm 2001 hoàn toàn khác bởi thị trường khi đó chỉ có 5 mã chứng khoán.
Hòa chung với tâm trạng của thị trường hiện tại, ngành hàng không và ngành thép đều có diễn biến khá tiêu cực. Ở ngành hàng không, HVN và AST nằm sàn, VJC lao dốc gần 6%, ACV sụt giảm mạnh hơn 10%.
Trong khi đó, về phía nhóm thép, HPG, HSG, NKG đều đang nằm sàn la liệt. Thanh khoản hiện tại của HPG hiện đang đứng top 2 về số lượng cổ phiếu khớp lệnh, thêm vào đó là nhà đầu tư nước ngoài đang bán mạnh mã này (hơn 5 triệu đơn vị).
Hầu hết các nhóm ngành đều bị giảm điểm. Trong số đó, giảm mạnh phải kể đến nhóm tài chính - ngân hàng, vật liệu xây dựng, công nghệ - thông tin, bất động sản, bán lẻ, chứng khoán, sản xuất hàng gia dụng, khai khoáng, sản xuất phụ trợ, thực phẩm - đồ uống, tiện ích, chế biến thủy sản, bán buôn, sản phẩm cao su, chăm sóc sức khoẻ...
Trong nhóm VN30, có đến 27 mã giảm sàn, trong khi đó, MSN đứng giá tham chiếu còn 2 mã hiếm hoi duy trì được sắc xanh là EIB và NVL.
|
27 mã kéo điểm của VN30-Index trong phiên 23/3. |
Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư, nhiều người tìm cách rút tiền ra khỏi kênh đầu tư chứng khoán.
Diễn biến tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là chứng khoán Mỹ, trong tuần qua khiến nhà đầu tư tại Việt Nam cũng lo bán cổ phiếu. Đồng thời, khối ngoại liên tục bán ròng với giá trị rất lớn thời gian qua do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi tiếp tục tạo sức ép lên thị trường chứng khoán trong nước.