Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý vừa mua vào gần 2,18 triệu cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.
Với giao dịch mới, nhóm Dragon Capital nâng số lượng sở hữu tại doanh nghiệp này lên gần 20,88 triệu cổ phiếu, tương ứng 9,27% lượng cổ phiếu lưu hành của công ty.
Giao dịch của quỹ đầu tư ngoại hàng đầu tại Việt Nam được thực hiện giữa lúc giá cổ phiếu PNJ giảm xuống mức thấp, ở vùng đáy 3 năm sau khi doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung báo cáo kết quả kinh doanh quý II kém ấn tượng, lợi nhuận giảm 80% vì đại dịch Covid-19.
Giao dịch có tổng giá trị hơn 127 tỷ đồng, tương đương mức giá 58.400 đồng/cp, cao hơn một chút so với giá PNJ trên thị trường.
Mặc dù vậy, mức giá này còn thấp hơn rất nhiều so với mức trên 80.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) cách đây 6 tháng và mức gần 100.000 đồng/cp hồi đầu năm 2018.
Trên thực tế, PNJ bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid. Trong tháng 4, doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc trang sức này phải chịu thua lỗ khi phần lớn cửa hàng đóng cửa để ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch.
Cuộc chiến Mỹ-Trung và những bất ổn trên thế giới khiến giá vàng tăng mạnh, qua đó ảnh hưởng tới sức mua của ngành vàng bạc đá quý.
|
Bà Cao Thị Ngọc Dung.
|
Tuy nhiên, cũng như một vài doanh nghiệp bán lẻ khác, PNJ được xem là một hiện tượng trên thị trường chứng khoán trong vài năm gần đây. Các doanh nghiệp này hút được nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư và liên tục mở rộng mạng lưới, chiếm lĩnh một thị trường hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.
Bà Cao Thị Ngọc Dung được xem là nữ hoàng trong ngành bán lẻ vàng bạc đá quý Việt Nam. Trong năm 2019 vừa qua, PNJ của bà Dung lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận lợi nhuận đạt trên 1.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính, PNJ ghi nhận doanh thu thuần trong 2019 đạt 17 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.190 tỷ đòng, tăng trưởng tương ứng 17% và 24% so với năm trước đó.
Sở dĩ PNJ hay một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý,... có kết quả kinh doanh tốt và tăng trưởng đều đặn là bởi nền kinh tế Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng cao trong nhiều năm qua, đầu tư nước ngoài vào nhiều, thu nhập người dân tăng đều, dân số đông và các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh bán hàng.
Nhu cầu vàng miếng trong vài năm gần đây giảm mạnh do giá lên cao và tình trạng đầu cơ vàng suy giảm nhưng nhu cầu vàng trang sức tăng mạnh, nhất là vào dịp lễ tết và ngày vía Thần tài các năm.
Bên cạnh PNJ, nhiều doanh nghiệp khác cũng hút một lượng tiền lớn từ các quỹ đầu tư ngoại.
Theo báo cáo, Dragon Capital cũng vừa mua hơn 16 triệu cổ phiếu Vietcombank trong hơn 3 tháng qua.
Theo báo cáo cập nhập tới 6/8, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital có quy mô tài sản lên tới hơn 1,3 tỷ USD. Trong đó, số dư tiền mặt của quỹ hiện chỉ còn 1,21%, một trong những con số thấp nhất từ đầu năm tới nay.
Dragon Capital là một trong những quỹ thắng lớn trong 2019 và đầu 2020 nhờ nắm tỷ trọng lớn các cổ phiếu tăng giá mạnh như cổ phiếu “họ Vingroup”. Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu họ Vingroup đã gia tăng đáng kể giá trị tài sản của nhiều quỹ ngoại.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 21/8, chỉ số VN-Index ở quanh ngưỡng 850 điểm.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục dao động trong vùng giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ quanh 840 điểm và vùng kháng cự 852-858 điểm. Áp lực điều chỉnh của thị trường có thể tiếp diễn và chỉ số sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 840-843 điểm. Đây cũng là vùng điểm được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số hồi phục tăng điểm trở lại. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số MSCI Frontier Market Index cũng sẽ diễn ra vào tuần cuối tháng 8 và có thể tạo ra biến động mạnh ở các cổ phiếu bluechips nằm trong danh mục của các bộ chỉ số này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/8, VN-Index giảm 3,0 điểm xuống 848,21 điểm; HNX-Index tăng 1,99 điểm lên 121,18 điểm. Upcom-Index tăng 0,07 điểm lên 57,24 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 7,7 nghìn tỷ đồng.