Gần 100.000 tài khoản chứng khoán mới: Tâm thế lạc quan

Trong 3 tháng qua, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới ước đạt gần 100.000, thể hiện sự lạc quan của lớp nhà đầu tư mới. Lớp nhà đầu tư mới đang được hưởng hương vị ngọt ngào của chiến thắng, trong khi nỗi lo “của thiên trả địa” khi thị trường đảo chiều có vẻ… hơi thừa. 
Dòng tiền mới, tâm thế mới
Số lượng tài khoản mở mới tại Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) trong giai đoạn tháng 3, 4, 5/2020 tăng gần gấp đôi so với cùng cùng kỳ năm ngoái.
Tại một số công ty chứng khoán, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 5 giảm so với tháng 4, nhưng vẫn rất ấn tượng. Đơn cử, tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, số lượng tài khoản mở mới trong tháng 5 đạt 10.230 (tháng 4 là 15.000 tài khoản).
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, 3 tháng qua có gần 100.000 tài khoản mở mới. Trong đó, tháng 3 là 31.949 tài khoản và tháng 4 là 36.721 tài khoản.
Đây là mức cao trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy dòng vốn đầu tư tiềm năng từ các nhà đầu tư trong nước rất lớn và luôn sẵn sàng chảy vào thị trường chứng khoán mỗi khi cơ hội xuất hiện.
Dòng tiền mới là một trong các yếu tố thúc đẩy thị trường hồi phục mạnh mẽ, vượt qua những nỗi lo nền kinh tế cũng như nhiều doanh nghiệp không thể phục hồi nhanh do chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Gan 100.000 tai khoan chung khoan moi: Tam the lac quan
 Sự mạo hiểm của các nhà đầu tư từ hồi tháng 3 đã cho trái ngọt.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, bên cạnh sự tham gia của lớp nhà đầu tư mới, có một lượng tiền đáng kể đến từ cán bộ, công nhân viên các doanh nghiệp.
Họ tích lũy cổ phiếu khi nhận thấy giá cổ phiếu giảm sâu do nhà đầu tư bán tháo trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Đây là dòng tiền dài hạn và sẽ không dễ dàng rút khỏi thị trường, bởi người mua nắm được tình hình kinh doanh và triển vọng trong thời gian tới của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, phần lớn dòng tiền mới gia nhập thị trường mang tính chất đầu cơ ngắn hạn. Còn lãi thì ở lại, rủi ro thì quay đi. Trong khi đó, TTCK đã tăng mạnh kể từ tháng 4 đến nay khiến chỉ số tiệm cận các ngưỡng cản mạnh theo phân tích kỹ thuật. Nhiều dự báo cho rằng, TTCK có thể sẽ “rung lắc” trong ngắn hạn, khi dòng tiền đầu cơ rút dần ra khỏi kênh này.
Đà giảm sâu diễn ra hồi tháng 3 đã khiến định giá TTCK trở nên hấp dẫn khi có đến 60% cổ phiếu trên sàn có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách. Thực tế này kích thích sự tham lam của người có tiền, nhất là khi nhiều kênh đầu tư khác khó sinh lời cao và giảm dần sức hút. Ông Trần Minh Hoàng cho rằng, đây chính là lý do căn bản khiến nhà đầu tư mới nhập cuộc, giúp TTCK chuyển động ngược nỗi lo về khủng hoảng, ghi nhận sự gia tăng về giá và thanh khoản trên sàn.
Ở góc nhìn lạc quan, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, dòng tiền mới chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường, nhất là khi các kênh đầu tư khác nhìn chung kém hấp dẫn.
Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và GDP năm nay được dự báo duy trì mức tăng trưởng dương (khoảng 4%), TTCK còn có cơ hội được “giữ ấm”.
Trên sàn, theo quan sát của Đầu tư Chứng khoán, nhiều nhà đầu tư neo vào các thông tin như làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam, tiến trình đẩy mạnh đầu tư công, cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được sẽ thúc đẩy…, để lý giải cho tâm thái lạc quan của mình.
Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Dịch vụ tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, VNDIRECT đánh giá, số lượng tài khoản mở mới đạt hơn 100.000 trong 3 tháng là một minh chứng rõ nét cho thấy tâm lý lạc quan của nhiều nhà đầu tư.
Đây là hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử thị trường cổ phiếu Việt Nam. Thông thường, số đông đổ xô tham gia thị trường khi giá cổ phiếu đã tăng mạnh vì bị hấp dẫn bởi nền kinh tế tăng trưởng và khả năng đạt tỷ suất lợi nhuận cao.
Riêng năm nay, số đông lại tham gia thị trường khi nguy cơ suy thoái là hiện hữu. Nhìn kỹ hơn, số đông tham gia mạnh nhất trong đợt phục hồi tháng 4 và 5, tức là vẫn có yếu tố tăng giá thôi thúc, chứ không hẳn là họ tham gia bắt đáy. Dù vậy, hiện tượng này xuất hiện ở nhiều thị trường, chứ không riêng gì Việt Nam.
“Khi nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị “dừng hình” vì cách ly xã hội, dòng vốn sẽ dịch chuyển sang những lĩnh vực đang vận hành thông suốt. Trong các kênh đầu tư thì cổ phiếu phù hợp nhất bởi dễ tham gia và phù hợp với mọi quy mô vốn”, ông Quang chia sẻ.
Sau nghi ngờ là thích nghi
Đầu tháng 5, khi chỉ số VN-Index cán mốc 800 điểm, có những ý kiến quan ngại về nguy cơ điều chỉnh, nhưng tâm lý hưng phấn đã giúp chỉ số lần lượt vượt qua ngưỡng 830 điểm, 850 điểm và gần đây nhất là 880 điểm (ngày 3/6), hướng đến ngưỡng tiếp theo là 900 điểm.
Nhiều người có quan điểm, biến động chỉ số không quan trọng bằng tìm kiếm cơ hội đối với từng mã cổ phiếu, nhưng thực tế, khi chỉ số vượt qua các mốc điểm chẵn đã củng cố niềm lạc quan cho nhà đầu tư.
Sau giai đoạn “tăng điểm trong nghi ngờ”, thị trường đang chuyển sang giai đoạn “thích nghi” và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Dù đà tăng của VN-Index hay nhiều TTCK thế giới đang đi ngược quy luật đại khủng hoảng, nhưng khi tương quan cung - cầu còn mạnh, dòng tiền tham gia còn dồi dào, sẽ rất khó để người chơi tin rằng, suy thoái đang cận kề.
Ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ, chưa thể khẳng định những phiên thanh khoản cao vừa qua là những phiên phân phối, vì dòng tiền đang phân hóa và chưa rút khỏi thị trường. Chỉ khi nào thị trường hình thành đỉnh, hay nói cách khác là xu hướng giảm ngắn hạn được xác lập, thì mới có thể kết luận giai đoạn nào là giai đoạn phân phối.
Về cơ bản, TTCK phản ánh sức khỏe của nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp niêm yết nói riêng, nhưng mức độ và thời gian là khác nhau trong từng giai đoạn và thường “đi trước một bước”.
Nếu đợt lao dốc trong tháng 3 là quá đà, thì đợt hồi phục mạnh sau đó không bất hợp lý. Kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục suy giảm, nhưng các chính sách kích thích kinh tế, đặc biệt là cách bơm tiền cứu doanh nghiệp, hỗ trợ người dân được thực thi tại nhiều quốc gia lại củng cố niềm tin của nhà đầu tư và nâng đỡ sức cầu thị trường.
“Bất kỳ đà tăng nào cũng sẽ phải có giai đoạn điều chỉnh. Dù chưa xảy ra, nhưng các nhà đầu tư cần tiết chế tâm lý hưng phấn và hạn chế dùng đòn bẩy trong giai đoạn hiện tại, hoặc có thể chốt lời một phần tỷ trọng cổ phiếu để đảm bảo tỷ suất sinh lời đã đạt được. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng nên chú ý vào sự dịch chuyển dòng tiền để thay đổi chiến lược khi tình hình thay đổi”, ông Minh khuyến nghị.
Gia nhập TTCK ở giai đoạn tăng điểm, những nhà đầu tư mới chưa từng trải qua giai đoạn khủng hoảng và đang được hưởng hương vị ngọt ngào của chiến thắng. Kiếm tiền quá dễ nhưng giữ tiền không dễ, nhất là khi cuộc chơi chứng khoán luôn có những yếu tố bất ngờ.
Tình trạng “của thiên trả địa” khi thị trường đảo chiều là bài học nhiều nhà đầu tư cũ đã trải qua. Vì thế, kiến thức đầu tư và sự cẩn trọng trong quản trị dòng tiền luôn là bài học nằm lòng để có thể đi lâu bền với TTCK.
Một số nhà môi giới cho biết, dư luận lo cho nhà đầu tư mới có vẻ hơi thừa vì họ có sự khôn ngoan hơn nhiều các nhà đầu tư nhập cuộc giai đoạn đầu của TTCK. Cách đầu tư trên thị trường cho thấy, dòng tiền đầu tư mang tính tập trung, chứ không dàn trải, đồng thời lượng tiền vay không có sự tăng mạnh, cho thấy người mới có sự thận trọng trong giải ngân đầu tư.
Theo Hoàng Minh/Đầu Tư Chứng Khoán

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN