Hụt vụ 1,5 tỷ USD, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng đối mặt 1 năm 'bỏ đi'

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp mất cơ hội lớn, lên tới cả tỷ USD. Nó khiến nhiều doanh nghiệp mất phương hướng. Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng đối mặt với một năm “bỏ đi”.
 

CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) của chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng cho biết, khả năng doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 550 tỷ đồng trong năm 2020 là rất cao. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch cho 3 năm tới thì 2020 được xem là một năm bỏ đi vì lợi nhuận không đáng kể so với tiềm năng của công ty.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới lợi nhuận 2020 dự báo sẽ thấp là bởi đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp không thực hiện được các dự án của ngân hàng đầu tư với tổng giá trị lên tới 2 tỷ USD.
Ông Tô Hải, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Chứng khoán Bản Việt cho biết, nếu như không có dịch Covid xảy ra thì VCI sẽ chốt được một deal (thương vụ) trị giá 1,5 tỷ USD, tương đương 70% của giao dịch.
Theo ông Hải, nhưng do dịch cho nên tiến độ bị chậm lại và vẫn chưa biết tới cuối năm Chứng khoán Bản Việt có hoàn thành được thương vụ đó hay không. Khả năng VCI hoàn thành deal này khoảng 40%.
Tuy nhiên, ông Tô Hải khẳng định, thương vụ này sẽ được hoàn thành trong tương lai, có thể là năm sau. Cũng theo đại diện của Bản Việt, phí của mảng ngân hàng đầu tư trung bình thường là 1,5-2% tổng giá trị thương vụ.
Theo kế hoạch, Chứng khoán Bản Việt sẽ đạt 3.500 tỷ đồng lợi nhuận trong 3 năm tới (2021-2023). Điều này, theo ông Hải, “tức là bỏ qua năm nay”, VCI sẽ chạy đà từ 2021.
Hut vu 1,5 ty USD, doanh nghiep cua ba Nguyen Thanh Phuong doi mat 1 nam 'bo di'
 2020 là một năm bỏ đi nếu so với tiềm năng của VCI.
Trong quý I, VCI đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận. Con số này ước tính trong quý II khoảng 200 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng có thể đạt 300 tỷ đồng và “nếu may mắn”, lợi nhuận cho nửa đầu năm 2020 có thể đạt 350 try đồng.
Theo VCI, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính thế giới và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do ảnh hưởng từ việc thị trường lao dốc, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) kinh doanh thua lỗ và sụt giảm lợi nhuận trong quý đầu năm.
Trong mảng môi giới, các CTCK đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các CTCK có vốn Hàn Quốc với chiến lược giảm lãi suất cho vay margin và phí giao dịch để tăng thị phần.
Với Chứng khoán Bản Việt 2020 có thể là năm bỏ đi so với tiềm năng của doanh nghiệp này, nhưng với nhiều CTCK khác 2020 vẫn được kỳ vọng với kết quả kinh doanh quý II có thể tươi sáng.
Gần đây, cổ phiếu của nhiều CTCK như SSI, HCM, SHS, MBS, VND… tăng mạnh với thanh khoản tăng vọt. Sự sôi động của TTCK với thanh khoản nói chung đạt 7.000-8.000 tỷ đồng/phiên hứa hẹn kết quả kinh doanh khả quan của các CTCK.
Hut vu 1,5 ty USD, doanh nghiep cua ba Nguyen Thanh Phuong doi mat 1 nam 'bo di'-Hinh-2
Bà Nguyễn Thanh Phượng là chủ tịch VCI. 
Mặc dù có nhiều triển vọng tăng trưởng từ quý II, các CTCK nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức trong trung và dài hạn khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục leo thang...Nhiều CTCK đặt kế hoạch kinh doanh giảm so với năm 2019.
Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 2.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 868 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 21% so với thực hiện năm 2019. Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Chứng khoán MB (MBS)… đều đặt mục tiêu đi lùi.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 26/6, chỉ số VN-Index quay đầu tăng nhẹ. VN-Index đang ở quanh ngưỡng 860 điểm. Đa số các cổ phếu blue-chips tăng giá.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ biến động giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng được giới hạn bởi cận trên nằm tại 863-867 điểm và cận dưới là vùng hỗ trợ 840-845 điểm trong phiên cuối tuần.
Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, áp lực giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu và nếu vùng hỗ trợ quanh 840 điểm bị xuyên thủng thì thị trường sẽ đối mặt với nguy cơ giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 780-820 điểm trong thời gian tới. Hoạt động chốt NAV bán niên của các quỹ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số phiên giao dịch cuối tháng 6. Ngoài ra, điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/6, VN-Index giảm 5,12 điểm xuống 854,59 điểm; HNX-Index tăng 0,38 điểm lên 114,07 điểm. Upcom-Index giảm 0,1 điểm xuống 56,63 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,2 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN