Nhộn nhịp giao dịch nội bộ
Nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, ông Nguyễn Thanh Nghĩa đã mua thành công 1.45 triệu cp DHC trong số 2 triệu cp đăng ký giao dịch từ ngày 14/07-13/08. Vị lãnh đạo cho biết không mua đủ do tình hình thị trường không thuận lợi. Chiếu theo mức giá bình quân giai đoạn này, 39,500 đồng/cp, ước tính cổ đông này đã chi khoảng 57 tỷ đồng để thực hiện thương vụ.
Với giao dịch trên, ông Nghĩa đã nâng sở hữu tại DHC từ 0.36% (200,007 cp) lên thành 2.95% (1.65 triệu cp). Các giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Đáng nói khi mới đây không lâu, chính ông Nghĩa vừa bán ra gần 1.3 triệu DHC từ ngày 22/06-09/07 theo phương thức khớp lệnh, cũng nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Không chỉ mình ông Nghĩa, nhìn rộng ra hơn 1 tháng gần đây tại DHC, đã có không ít giao dịch của cổ đông nội bộ và/hoặc người liên quan.
Nhóm cổ đông SSIAM đã thoái hết gần 20% vốn tại DHC
Về tình hình sở hữu phía quỹ đầu tư, ngày 08/07/2020, nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cùng đơn vị liên quan là Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund II L.P đã thoái toàn bộ 6.2% (3.5 triệu cp) và 13.69% vốn (7.7 triệu cp) tại DHC.
Tổng lượng cổ phiếu SSIAM và Daiwa bán ra chiếm 19.92% vốn tại DHC. Sau giao dịch, SSIAM và Daiwa không còn nắm giữ cổ phiếu nào và chính thức rút khỏi danh sách cổ đông lớn của DHC.
Chiếu theo mức giá 37,950 đồng/cp kết phiên 08/07, ước tính các thương vụ lần lượt có giá trị khoảng 133 tỷ đồng và 292 tỷ đồng. SSIAM và Daiwa mua cổ phiếu DHC từ tháng 3/2016 (giá sau điều chỉnh cổ tức khoảng 17,000-18,000 đồng/cp). Như vậy, ước tính nhóm cổ đông này đã lãi gần gấp đôi sau 4 năm.
Cùng ngày 2 tổ chức trên bán ra, quỹ ngoại Kwe Beteiligungen AG - hiện đang là cổ đông lớn của DHG - thông báo đã mua vào gần 4 triệu cp, nâng tỷ lệ sở hữu tại DHC từ 7.01% (3.9 triệu cp) lên 12.38% (hơn 6.9 triệu cp).
Trên thị trường, giá cổ phiếu DHC liên tục bật tăng kể từ mức đáy 31,000 đồng/cp hồi cuối tháng 3/2020. Cổ phiếu này chốt phiên giao dịch ngày 17/08 ở 44,800 đồng/cp, tăng 45% từ đáy.
Kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ Nhà máy Giao Long 2
Thị trường tiêu thụ chính về bao bì của DHC là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các khách hàng chính là các công ty chế biến thủy sản (chiếm khoảng 45% doanh thu mảng bao bì), khoảng 20% đến từ các công ty may mặc và dược phẩm, phần còn lại cho các khách hàng nhỏ lẻ. Tại khu vực này, DHC là một trong những doanh nghiệp lớn nhất với thị phần khoảng 30%.
Sau quá trình xây dựng 3 năm, nhà máy sản xuất giấy Giao Long 2 (giai đoạn 2) của DHC đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/09/2019 với công suất thiết kế là 220,000 tấn/năm. Như vậy, tổng công suất sản xuất giấy kraft của DHC sau khi nhà máy mới vận hành là 280,000 tấn/năm (gấp 3.7 lần công suất nhà máy Giao Long giai đoạn 1). So với các nhà máy sản xuất bao bì khác đã được đầu tư/sẽ được đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn 2017- 2020, nhà máy Giao Long 2 của DHC có chi phí đầu tư thấp hơn trong khi sử dụng công nghệ lõi của Đức giúp đảm bảo chất lượng.
Theo DHC, nhà máy Giao Long 2 đã được vận hành với 100% hiệu suất hoạt động trong giai đoạn tháng 10-11/2019. DHC có kế hoạch nâng công suất bao bì thêm 130% năm 2021 trong khi có kế hoạch sản xuất giấy kraft (có giá cao hơn 40%-50% so với các sản phẩm hiện tại của DHC) trong năm 2020.
Thực tế sau nửa đầu năm 2020, DHC có lãi ròng gần 168 tỷ đồng, tăng gần 262% so cùng kỳ. Động lực tăng trưởng mạnh hầu hết nhờ sản lượng từ Nhà máy Giao Long 2.