'Rủi ro đã giảm bớt, thị trường sẽ chuẩn bị cho 1 đợt tăng vào cuối năm'

Đây là chia sẻ của Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, CTCP Chứng khoán MB (MBS) trong những ngày đếm ngược Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức ra quyết định cắt giảm lãi suất.

Theo bà, kỳ vọng từ việc Fed hạ lãi suất giúp tỷ giá hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện cho các kênh đầu tư nào trở nên hấp dẫn trong giai đoạn tới?

Việc Mỹ cắt giảm lãi suất sẽ tạo dư địa cho Việt Nam hạn chế đà tăng lãi suất. Từ đầu năm nay, lãi suất đầu vào có xu hướng nhích lên sẽ kéo theo sự tăng lên của lãi suất đầu ra và thực tế là lãi suất liên ngân hàng từ đầu năm đến nay luôn neo ở mức cao. Khi Fed phát tín hiệu hạ lãi suất, Việt Nam sẽ dễ thở hơn trong việc hạn chế đà tăng lãi suất. Trong một môi trường lãi suất ổn định ở nền thấp hiện nay sẽ hỗ trợ cho nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp quay trở lại, một số kênh đầu tư cũng sẽ được quan tâm.

Ở thị trường bất động sản, với lãi suất ổn định và nhu cầu nhà ở của người dân lớn; cùng sự hỗ trợ của Luật Đất đai được đưa vào thực thi sẽ tạo cơ chế thông thoáng hơn cho nhiều dự án xây dựng dở dang được tháo gỡ, vướng mắc pháp lý, tăng nguồn cung cho thị trường, giúp kênh đầu tư bất động sản sẽ ấm trở lại. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự phân hoá tuỳ mỗi phân khúc và địa điểm khác nhau, các sản phẩm căn hộ ở thực sẽ dẫn sóng nhanh nhất sau đó là bất động sản nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, từ đầu năm vàng cũng được đánh giá cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt các nước châu Á đang tăng cường tích luỹ vàng, việc giá vàng hướng đến mục tiêu 3.000 USD/ounce không xa. Vậy nên vàng cũng là kênh có nhiều triển vọng ở thời điểm này, khác với các giai đoạn trước đây khi tỷ giá giảm thì vàng sẽ kém hấp dẫn hơn.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến chứng khoán là kênh đầu tư hưởng lợi khi tỷ giá hạ nhiệt và lãi suất giảm. Đây cũng là kênh đầu tư có thanh khoản tốt nhất.

Với những kênh này, theo bà nhà đầu tư nên phân bổ vốn như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất?

Việc phân bổ vào từng kênh đầu tư sẽ phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và mục tiêu đầu tư của mỗi người. Với những nhà đầu tư cần thanh khoản cao thì rõ ràng chứng khoán là kênh nên phân bổ nhiều, còn với nhà đầu tư chỉ cần mức sinh lời thấp hơn, không cần tính thanh khoản lớn thì bất động sản luôn là kênh đầu tư được ưa thích, phù hợp với tâm lý người châu Á.

Đối với vàng, nhà đầu tư cần lưu ý về sự chênh lệch của giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, bất cứ sự thay đổi chính sách nào hay xảy ra biến động nào trong nước cũng có thể khiến giá vàng đảo chiều.

'Rui ro da giam bot, thi truong se chuan bi cho 1 dot tang vao cuoi nam'

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS.

Đối với kênh chứng khoán, tỷ giá giảm có giúp dòng vốn ngoại quay lại thị trường?

Hiện tại, chưa có nhiều kỳ vọng về dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam kể khi lãi suất đảo chiều, mà chỉ nên hy vọng đà bán tháo giảm bớt. Vấn đề cốt lõi để giải thích việc nhà đầu tư nước ngoài chưa ưa thích thị trường Việt Nam là vì chúng ta chưa có những sản phẩm thu hút được họ.

Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài đang ưa thích các cổ phiếu hot trend như công nghệ thì Việt Nam chưa có nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này, nên họ sẽ đi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các thị trường khác gần chúng ta như Malaysia hay Indonesia…

Như vậy, bà dự báo như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng cuối năm? Động lực của thị trường sẽ đến từ đâu, thưa bà?

Nhìn chung, thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm không có nhiều rủi ro khi vĩ mô tương đối thuận lợi. Các rủi ro lớn khiến thị trường lo ngại cách đây 2 – 3 tháng như lạm phát, tỷ giá hiện đã giảm bớt, thị trường sẽ chuẩn bị cho 1 đợt tăng vào cuối năm, thường là những thời điểm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước tích luỹ cho chu kỳ đầu tư năm mới. Có 2 câu chuyện chính có thể kỳ vọng trong những tháng tới.

Thứ nhất, theo sự phục hồi của nền kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất sẽ có sự tăng trưởng về mặt lợi nhuận. Trong hai quý đầu năm, thị trường chưa thấy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết, nhưng sự tích cực sẽ được phản ánh vào kết quả vào quý III và quý IV, đồng thời phản ánh vào định giá của thị trường và cho thấy sự hấp dẫn.

Thứ hai, Việt Nam cũng có một số câu chuyện có thể kỳ vọng như nâng hạng thị trường, dù trong tương lai gần vẫn chưa rõ ràng nhưng đây vẫn là một điểm sáng đáng chờ đợi.

Tuy nhiên, để nói về sự đi lên bền vững thì thị trường vẫn còn khó khăn vì Việt Nam đã qua thời điểm đồng pha với thị trường thế giới, có nghĩa thị trường thế giới tăng mà Việt Nam không tăng. Tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức không nhiều trong khi tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm áp đảo nên kỳ vọng và mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư cá nhân sẽ mang tính ngắn hạn hơn dẫn đến sự biến động của thị trường. Do đó, cần sự thay đổi về bản chất, cấu trúc của thị trường để hướng tới sự phát triển bền vững hơn.

Theo Kiều Trang/Đầu tư Chứng khoán

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN