Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 hướng tới việc hạn chế vấn đề về sở hữu chéo và đưa ra các quy định cụ thể về cơ chế đối với phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.
Mặc dù việc luật hóa Nghị Quyết 42 là một trong những điểm được thảo luận nhiều trong các phiên họp trước đây, nhưng văn bản Luật chính thức được thông qua đã không đưa vào toàn bộ các điều khoản của Nghị Quyết này.
Trong đó, có thể kể đến điều khoản liên quan đến quyền của ngân hàng trong việc thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Nếu không có những hướng dẫn cụ thể hơn, việc thiếu đi điều khoản này có thể ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ xấu của chu kỳ tín dụng hiện tại.
Những thay đổi chính trong luật TCTD sửa đổi cụ thể như sau:
Một trong những mục đích chính của luật TCTD sửa đổi là nhằm hạn chế vấn đề sở hữu chéo, thông qua việc điều chỉnh giới hạn về tỷ lệ sở hữu và hạn mức cấp tín dụng tối đa.
Giới hạn tỷ lệ sở hữu: Quy định mới mở rộng định nghĩa về các bên liên quan đến ngân hàng (chi tiết Bảng dưới) và yêu cầu công bố thông tin đối với cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng trở lên. Mặc dù quy định mới này hướng đến việc nâng cao tính minh bạch trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi cho rằng không loại trừ khả năng xảy ra việc phân tán tỷ lệ sở hữu cho các cổ đông mới nắm giữ lượng cổ phần nhỏ.
Để hạn chế việc tập trung quyền lực vào một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông, luật mới đã giảm mức trần sở hữu tối đa từ 15% xuống 10% đối với cổ đông là tổ chức trong nước và từ 20% xuống 15% đối với cổ đông trong nước và các đơn vị liên quan. Mặc dù vẫn chưa có hướng dẫn hay lộ trình cụ thể cho những trường hợp đang vi phạm mức trần này nhưng luật mới cho phép các đối tượng trên được tiếp tục duy trì và không được tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện tại, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, điều này gần như không tạo ra sự thay đổi lớn về cơ cấu sở hữu của ngân hàng hiện tại trừ khi tổ chức tín dụng thực hiện phát hành riêng lẻ cho các cổ đông khác.
Giới hạn cấp tín dụng: Sau vụ việc của SCB và Vạn Thịnh Phát, chúng tôi cho rằng việc giám sát chặt chẽ việc cho vay các bên liên quan và các công ty vệ tinh là điều cần thiết để đảm bảo dòng vốn được phục vụ đúng mục đích. Vì vậy, luật TCTD sửa đổi đã giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng tối đa (xem lộ trình trong Bảng dưới đây) để giảm rủi ro tập trung. Chúng tôi cho rằng quy định này có thể phần nào tác động đến tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn của những ngân hàng có mối quan hệ thân thiết với các chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng để đảm bảo việc thực thi các quy định một cách hiệu quả cần có sự giám sát chặt chẽ và thường xuyên từ phía các cơ quan quản lý .
Khung pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu. Luật TCTD mới không luật hóa toàn bộ Nghị quyết 42/2017. Nghị quyết này được ban hành khi nợ xấu toàn hệ thống trên mức 10% theo ước tính của NHNN và có hiệu lực từ năm 2017 đến năm 2022. Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ áp dụng đối với nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017.
Điểm quan trọng nhất của Nghị quyết này là trao quyền lớn hơn cho các ngân hàng trong việc thu giữ tài sản thế chấp liên quan các khoản nợ xấu và áp dụng quy trình rút gọn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, những khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42 vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn (mặc dù các ngân hàng đã đạt nhiều kết quả tốt trong quá trình thực hiện), vì thế mà Luật TCTD đã gia hạn Nghị quyết 42.
Tuy nhiên, cơ chế này chưa được quy định thành điều khoản cụ thể và chưa được áp dụng cho tất cả các khoản vay. Ở các dự thảo trước, điều khoản cho phép ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã được đề cập nhưng cuối cùng bị lược bỏ ở văn bản Luật được chính thức thông qua.
Theo đó, SSI Research cho rằng quá trình xử lý nợ xấu trong chù kỳ này sẽ cần thêm thời gian và những ngân hàng đã có bộ đệm dự phòng cũng như bộ đệm vốn tốt sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Can thiệp sớm. NHNN sẽ xem xét can thiệp sớm nếu TCTD vi phạm một hoặc một số trường hợp sau đây:
• Số lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ trong BCTC kiểm toán gần nhất.
• Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc NHNN. • Vi phạm về tỷ lệ khả năng chi trả và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
• Bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi NHNN.
Để ngăn chặn sự vụ xảy ra như ở ngân hàng SCB và 4 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt khác tiếp diễn, Chính phủ đã xây dựng phương án can thiệp sớm nhằm phát hiện sớm các trường hợp tương tư để đưa ra cảnh báo và yêu cầu ngân hàng yếu kém đề xuất kế hoạch phục hồi như tăng vốn, giảm chi phí và kiểm soát rủi ro. Chúng tôi cho rằng việc thực hiện trên thực tế đòi hỏi một cách tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả tùy thuộc vào khó khăn mà ngân hàng yếu kém mắc phải.
Phương án chuyển giao bắt buộc đối với các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. Phương án chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt được đưa vào Luật TCTD sửa đổi để làm cơ sở pháp lý cho các trường hợp thực tế.
Phương án tái cơ cấu tập trung vào hỗ trợ thanh khoản, phục hồi hoạt động kinh doanh và xử lý nợ xấu dưới sự giám sát của NHNN và hỗ trợ từ một ngân hàng được NHNN chỉ định. Bằng cách mua nợ nhóm 1 và nhận vốn với lãi suất ưu đãi từ NHNN và ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng được kiểm soát đặc biệt sẽ được cải thiện với chất lượng tài sản tốt hơn và thu nhập từ lãi tăng. Như vậy, thời gian tái cơ cấu dự kiến sẽ ngắn hơn so với việc để ngân hàng yếu kém tự giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng mấu chốt của cơ chế này là việc thực thi cần phải có sự minh bạch và được giám sát thường xuyên từ phía NHNN. Bên cạnh đó, luật TCTD sửa đổi cũng đề cập đến một số quyền lợi cho ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc như bán và phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, không cần hợp nhất báo cáo tài chính, nới lỏng một số tỷ lệ an toàn và vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi.
SSI Research cho rằng những điều kiện thuận lợi này có thể hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tiếp cận nguồn vốn lớn hơn để phục vụ việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, nhưng việc này phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Hạn chế hoạt động bán bảo hiểm: Trong những năm gần đây, người vay phải trả thêm khoảng 3% - 6% tổng giá trị khoản vay cho một hợp đồng bảo hiểm để có thể vay vốn ngân hàng, khiến doanh thu phí từ hoạt động bancassurance trở thành một nguồn thu quan trọng đối với ngân hàng.
Trong các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu, thu nhập từ bán bảo hiểm chiếm khoảng 45%-50% thu nhập phí dịch vụ nhưng đã giảm xuống khoảng 35% trong 9T2023 do việc hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng bị giám sát chặt chẽ hơn.
Trong luật TCTD sửa đổi, việc buộc khách hàng mua những sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc gắn cùng với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức bị cấm dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng sụt giảm do thu nhập cá nhân bị ảnh hưởng và người dân thiếu niềm tin vào các sản phẩm bảo hiểm. Điều này cần thời gian để có sự phục hồi.