VCSC: VN-Index sẽ đạt 1.350 điểm trong 2024 và 1.550 điểm năm 2025

Chứng khoán Vietcap (VCSC) có quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 với mục tiêu VN-Index là 1.350 điểm.
Mục tiêu VN-Index của VCSC lần lượt là 1.350 điểm cho cuối năm 2024 và 1.550 điểm cho cuối năm 2025.
Mục tiêu năm 2024 của VCSC được điều chỉnh giảm từ 1.450 điểm từ dự báo trước đây để phù hợp với dự báo giá mục tiêu mới nhất theo phương pháp phân tích cơ bản cho các cổ phiếu niêm yết sàn HSX mà công ty chứng khoán này theo dõi.
VCSC có quan điểm lạc quan về thị trường với kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng mạnh trong các năm 2024 và 2025.
Trong các năm 2023, 2024 và 2025, VCSC dự báo tăng trưởng GDP là 5%, 6,5% và 6,8% và tăng trưởng tổng lợi nhuận sau thuế của các cổ phiếu niêm yết sàn HSX thuộc danh mục theo dõi của VCSC lần lượt là giảm 1%, tăng 18% và tăng 21%.
VCSC kỳ vọng tăng trưởng doanh thu của các tổ chức phi tài chính tiếp tục phục hồi và biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng. Biên lợi nhuận ròng tiếp tục tăng nhờ chi phí lãi vay giảm. Ít rủi ro lỗ tỷ giá hơn.
Các ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn và chi phí tín dụng đạt đỉnh khi chất lượng tài sản được cải thiện cùng với nền kinh tế phục hồi mạnh hơn và lãi suất thấp kéo dài.
Lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp. Chỉ số CPI vẫn thấp hơn mức trần mục tiêu của Chính phủ là “khoảng 4,5%”, giá cả hàng hóa nhìn chung không ảnh hưởng đến lạm phát do chi phí đẩy.
VCSC cho rằng NHNN sẽ duy trì lập trường chính sách thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2024 và tạo môi trường hỗ trợ (cụ thể là lãi suất thấp) để các ngân hàng và các chủ nợ khác giải quyết các khoản nợ có vấn đề.
Chu kỳ thắt chặt của Fed đã đạt đỉnh. Việc giảm lãi suất USD vào năm 2024 có thể giúp thu hẹp chênh lệch âm giữa lãi suất VND và USD, đồng thời giảm bớt áp lực trượt giá của VND so với USD.
Cuối cùng là định giá hấp dẫn. Định giá chỉ số P/E trượt 12 tháng và P/E dự phóng 12 tháng đồng thuận của VN-Index lần lượt là 15 lần và 9,5 lần, và chỉ số P/B quý gần nhất là 1,6 lần, thấp hơn mức trung bình tương ứng của các chỉ số này từ cuối năm 2014, lần lượt là 16,6 lần, 12,8 lần và 2,2 lần. 
VCSC: VN-Index se dat 1.350 diem trong 2024 va 1.550 diem nam 2025-Hinh-3
 Mục tiêu VN-Index của chúng tôi tương ứng P/E dự phóng ổn định
Các yếu tố hỗ trợ VN-Index tăng điểm
VCSC cho rằng, có 3 yếu tố hỗ trợ VN-Index tăng điểm theo mục tiêu mà công ty chứng khoán này dự phóng.
Thứ nhất, đơn hàng xuất khẩu phục hồi. Điều này sẽ thúc đẩy đà phục hồi của ngành sản xuất và sản lượng công nghiệp nói chung, từ đó hỗ trợ thị trường lao động, cải thiện thu nhập hộ gia đình và niềm tin tiêu dùng.
Thứ hai, thị trường bất động sản phục hồi. Dù VCSC chỉ kỳ vọng sự phục hồi dần vào năm 2024, việc tăng giao dịch trên thị trường nhà ở và tính minh bạch hơn trong việc tái cấu trúc nợ tương ứng niềm tin của người mua đang quay trở lại và củng cố niềm tin lợi nhuận của các ngân hàng và khả năng cấp tín dụng mới không bị quá hạn chế bởi nợ xấu.
Thứ ba, lạm phát được kiểm soát, Fed nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024: Nếu không có cú sốc lạm phát mới, VCSC kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất điều hành vào năm 2024.
Lãi suất USD thấp hơn và đồng USD ổn định hoặc hạ nhiệt sẽ tương đương với rủi ro thấp hơn về việc trượt giá của đồng VND có thể thúc đẩy NHNN thắt chặt chính sách và hỗ trợ nhiều hơn cho dòng vốn chảy vào các nền kinh tế đang phát triển và tài sản của các thị trường mới nổi/cận biên.
VCSC: VN-Index se dat 1.350 diem trong 2024 va 1.550 diem nam 2025-Hinh-4
 
Tuy nhiên, VCSC cũng lưu ý rủi ro đối với quan điểm tích cực trên là suy thoái mạnh/sâu hơn tại các thị trường xuất khẩu chính. Trong khi các dự báo đồng thuận về tăng trưởng GDP đều cho thấy tăng trưởng ở Mỹ và EU chậm hơn tiềm năng trong năm 2024, vẫn có rủi ro rằng tác động chậm của việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed và ECB trong năm 2022/23 có thể dẫn đến các cuộc suy thoái sâu hơn dự kiến tại những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Đồng thời, lập trường chính sách thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam bị chệch hướng. Những mối đe dọa tiềm ẩn đối với chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN bao gồm cú sốc lạm phát do giá cả hàng hóa hoặc đồng VND trượt giá quá mức. Những trở ngại trong việc phê duyệt của Chính phủ đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc dự án của khu vực tư nhân có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn dự kiến.
Ngoài ra, Việt Nam được cho là giảm khả năng cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn FDI. Theo quan điểm của VCSC, lượng vốn FDI giải ngân và đăng ký mới hàng tháng gần đây rất khả quan. VCSC lạc quan cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục giành được thị phần trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, những thách thức tiềm ẩn bao gồm lạm phát tiền lương, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, cơ chế áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mới, và cạnh tranh từ các quốc gia khác.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN