Làn sóng lãnh đạo bị bán giải chấp liên tục năm Nhâm Dần

Trước bối cảnh thị trường chứng khoán giảm sâu năm Nhâm Dần, bên cạnh việc giải chấp trong các giao dịch thông thường của nhà đầu tư, lần đầu tiên thị trường xuất hiện tình trạng công ty chứng khoán giải chấp các tài khoản cầm cố chứng khoán của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
Hoạt động này đồng thời cho thấy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đã phải cầm cố lượng lớn cổ phiếu/danh mục đầu tư để vay tiền từ các công ty chứng khoán hoặc làm tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn.
Đáng kể nhất là trường hợp của gia đình ông Chủ tịch CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) - Đỗ Quý Hải bị các công ty chứng khoán bán giải chấp gần 67 triệu cổ phiếu, tương đương 22% vốn doanh nghiệp.
Ngoài ra, bản thân ông Hải lại vừa đăng ký bán ra 10 triệu cổ phiếu HPX với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện thông qua phương pháp khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 27/12/2022 đến 24/1/2023.
Nếu giao dịch thành công, ông Hải sẽ giảm sở hữu xuống còn 59,6 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 19,6%. Cũng khoảng thời gian và phương thức như trên, ông Đỗ Quý Đường - em trai Chủ tịch Hải Phát Invest đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu HPX. Mục đích cũng là cơ cấu danh mục đầu tư.
Hiện cổ phiếu HPX đã rớt xuống dưới mức 5.000 đồng, thấp nhất kể từ khi niêm yết vào tháng 7/2018. So với thời điểm trước khi lao dốc vào đầu tháng 11, thị giá HPX đã “bốc hơi” gần 80%.
Sau năm 2021 thăng hoa của cổ phiếu Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, DIG) và thu hút được số lượng nhà đầu tư tham gia kỷ lục. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, cổ đông lớn và cổ đông nội bộ liên tục giảm sở hữu và đồng thời giá cổ phiếu lao dốc.
Một phần nhóm cổ đông Thiên Tân và Địa ốc Him Lam chủ động bán ra giảm sở hữu từ đầu năm và một phần các cổ đông thuộc sở hữu của gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và Thiên Tân bị bán giải chấp.
Thống kê từ ngày 4/11-16/11, gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp tới 31,9 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 5,22% vốn. Trong đó, thời điểm bán giải chấp, cổ phiếu DIG giao dịch vùng từ 16.600 đồng về 10.800 đồng/cp.
Thêm nữa, trong hai ngày 27/10 và ngày 10/11, cổ đông Thiên Tân bị bán giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu DIG.
Lan song lanh dao bi ban giai chap lien tuc nam Nham Dan
 Lãnh đạo bị bán giải chấp hàng loạt trong năm Nhâm Dần.
Trong tuần cuối tháng 12/2022, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) công bố thông tin đã bán ra hơn 3,5 triệu cổ phiếu PDR. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh ngày 21/12. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Đạt tại công ty giảm từ 43,48% xuống còn 42,95%. Hoạt động giao dịch này do công ty chứng khoán thực hiện bán giải chấp.
Trước đó, trong tháng 11 đến đầu tháng 12, ông Nguyễn Văn Đạt đã nhiều lần bị các công ty chứng khoán bán giải chấp với tổng khối lượng hơn 30 triệu đơn vị.
Cổ phiếu PDR đã bị lao dốc mạnh kể từ đầu tháng 11 đến nay và đang giao dịch xoay quanh mức 14.000-15.000 đồng/cp, giảm hơn 72% và đây cũng là mức giá thấp nhất trong gần 3 năm nay.
Trong bối cảnh chủ tịch liên tục bị bán giải chấp thì một số thành viên hội đồng quản trị lại đăng ký mua vào. Chẳng hạn, ông Đoàn Viết Đại Từ đã đăng ký mua 850.000 cổ phiếu PDR nhằm mục đích đầu tư. Trước đó, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt cũng đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu PDR...
Tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, NVL), bà Cao Thị Ngọc Sương - vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị Bùi Thành Nhơn - công bố bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 29 triệu cổ phiếu NVL. Sau giao dịch, bà Sương còn sở hữu hơn 54,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 2,788% tại NVL. Cổ phiếu này cũng liên tục đi xuống và đang ở dưới mức 15.000 đồng/cp, giảm gần 80% so với đầu tháng 11...
Trường hợp khác là ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) và CTCP Tập đoàn Egroup cũng liên tục bị bán giải chấp liên quan đến cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings.
Theo đó, từ ngày 16/12-29/12/2022, ông Nguyễn Ngọc Thủy bị Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp tổng cộng 1,56 triệu cổ phiếu IBC, tương ứng 1,876% vốn. Trong đó, BVSC bán 152.700 cổ phiếu ngày 23/12, 64.300 ngày 26/12, 207.900 ngày 27/12, 530.500 cổ phiếu ngày 28/12 và 490.800 trong ngày 29/12.
Còn Tập đoàn Egroup (công ty mẹ của Apax Holdings) do ông Shark Thủy làm Chủ tịch HĐQT bị Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) và BVSC bán giải chấp hơn 10,3 triệu cổ phiếu. Trong đó, Mirae Asset bán ra 1,53 triệu cổ phiếu IBC và BVSC bán ra 8,78 triệu cổ phiếu.
Chỉ riêng trong ngày 29/12, Mirae Asset đã bán 648.200 cổ phiếu và BVSC bán 8,67 triệu cổ phiếu. Tính riêng ngày 29/12, ông Thủy và Egroup đã bị bán hơn 9,8 triệu cổ phiếu.
Những ngày đầu năm 2023, Tập đoàn Egroup tiếp tục bị bán giải chấp thêm 3 triệu cổ phiếu khiến tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn này tại IBC còn 44,11%, tương ứng 36,7 triệu cổ phiếu. Như vậy, sau bán giải chấp, Egroup không còn là công ty mẹ tại IBC.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thủy còn sở hữu hơn 5,13 triệu cổ phiếu IBC, tương ứng 6,174% vốn điều lệ của Apax Holdings
Tiếp theo việc lãnh đạo các doanh nghiệp như Phát Đạt (PDR), Hải Phát (HPX) hay CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC), Tập đoàn Danh Khôi (NRC) liên tục bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Dòng cổ phiếu giải chấp từ lãnh đạo doanh nghiệp khiến cán cân cung - cầu trên thị trường nhiều giai đoạn lệch hẳn về bên bán.
Chưa hết, việc mất thanh khoản trong các giao dịch giải chấp đã làm tăng sức ép các lãnh đạo doanh nghiệp phải bán đi các cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư không cầm cố, từ đó càng thúc đẩy tốc độ giảm giá cổ phiếu chung trên thị trường.
Bên cạnh việc điều chỉnh thông thường, dòng cổ phiếu phải giải chấp với quy mô lớn của các lãnh đạo doanh nghiệp là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp giảm mạnh nhất thế giới trong năm qua.
Bán giải chấp cổ phiếu là việc công ty chứng khoán thực hiện bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định.
Bán giải chấp cổ phiếu (Force sell) thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền. Trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán thường có thông báo tới khách hàng của mình biết trước 1-2 ngày.
Nếu không muốn bị bán giải chấp, nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào tài khoản ký quỹ để đạt ngưỡng an toàn tối thiểu do công ty chứng khoán quy định.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN