Chứng khoán Agribank (Agriseco) vừa đưa ra nhận định, hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp đã hồi phục gần như hoàn toàn và tiến vào giai đoạn tăng trưởng mới, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán.
Các yếu tố rủi ro như tỷ giá, lãi suất, lạm phát vẫn tiềm tàng, tuy nhiên vẫn đang trong tầm kiểm soát và tạo ra môi trường thuận lợi để thị trường tiếp tục đi lên.
Giai đoạn nửa cuối năm nay cũng sẽ là bản lề cho chu kỳ tăng trưởng mới năm 2025 với triển vọng nâng hạng thị trường, là yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Các động lực tăng trưởng chính
Đối với thế giới: Tăng trưởng kinh tế thế giới được nâng dự báo: Trong năm 2024, các tổ chức kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 2,9%, tăng so với dự báo đầu năm ở mức 2,7% nhờ nhu cầu hàng hóa tăng, áp lực lạm phát xu hướng giảm, giá cả hàng hóa giảm khi nguồn cung cải thiện.
Kinh tế thế giới dần khôi phục sẽ là yếu tố thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, đây vẫn là mức thấp so với tốc độ tăng trưởng các giai đoạn trước và mức tăng sẽ không đồng đều giữa các nước và các khu vực do hệ lụy thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài, căng thẳng địa chính trị.
Lạm phát Mỹ dai dẳng nhưng dự báo hạ nhiệt cuối năm 2024: Việc lạm phát duy trì ở mức cao quanh 3% so với mục tiêu 2% của FED vẫn là thách thức khi chỉ số giá nhà, dịch vụ và thị trường lao động vẫn duy trì cao. FED đã nâng dự báo lạm phát của Mỹ 2024 ở mức 2,6%, lạm phát lõi tăng 2,8%.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức kinh tế lớn vẫn dự báo lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong các tháng tới. Chỉ số CPI tiếp tục giảm trong tháng 7/2024 về mức 2,9% từ mức đỉnh Q2.2022 (9,1%). Lạm phát hạ nhiệt sẽ tạo tiền đề cho các NHTW toàn cầu bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Lạm phát toàn cầu xu hướng giảm: Tín hiệu lạm phát hạ nhiệt tại quốc gia lớn như Mỹ, Châu Âu sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Lạm phát toàn cầu dự báo sẽ giảm từ mức 6% năm 2023 xuống còn 4,9% năm 2024 và 3,7% năm 2025.
FED có thể bắt đầu quá trình hạ lãi suất từ cuối năm 2024: Chủ tịch FED đã nói về việc nới lỏng chính sách tiền tệ sau các tiến triển về kiểm soát lạm phát trong sự kiện Jackson Hole. Trong bối cảnh lạm phát xu hướng giảm và hoạt động kinh tế chậm lại, thị trường đã nâng dự báo FED sẽ cắt giảm lãi suất từ 2 lên 3 lần vào cuối năm nay và 6 đợt giảm lãi suất đến cuối Q3.2025. Kỳ vọng xu hướng giảm lãi suất sẽ tạo bớt áp lực cho các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
Lãi suất toàn cầu dần hạ nhiệt: Các NHTW khác như ECB, Anh, Canada, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất, riêng NHTW Nhật Bản đã tăng lãi suất từ mức âm lên 0 – 0,1% vào tháng 3 và lên mức 0,25% vào tháng 7 vừa qua. Mức cắt giảm lãi suất của các quốc gia được dự báo vẫn sẽ thận trọng trong bối cảnh các nước phải cân bằng được giữa việc kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đối với Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 dự báo sẽ tiếp đà hồi phục tích cực: GDP nửa đầu năm đạt mức tăng trưởng 6,42% svck, vượt kịch bản tại NQ01 của Bộ KH và ĐT (5,5-6%). Mặc dù đối mặt nhiều thách thức khi cầu thế giới chưa hồi phục hoàn toàn, dự báo GDP nửa cuối năm đạt khoảng 6,6%, cao hơn so với tốc độ tăng nửa đầu năm. Qua đó, dự báo GDP cả năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu 6-6.5% của Chính phủ đề ra với các động lực đến từ: (1) Đà phục hồi hoạt động sản xuất, xuất khẩu; (2) Giải ngân vốn đầu tư FDI và đầu tư công tích cực hơn; (3) Hoạt động tiêu dùng bán lẻ duy trì đà tăng.
Tín dụng dần được khơi thông: Tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm giữa tháng 8 tăng 6,25% so với cuối năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 2%/tháng. Năm 2024, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với mục tiêu 15% cho các tổ chức tín dụng. Như vậy, room tín dụng nửa cuối năm sẽ còn dư địa tăng trưởng (khoảng 9%). Chính phủ cũng xem xét điều chuyển phân bổ lại room tín dụng cho các ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng thời gian tới.
Kỳ vọng tốc độ giải ngân tín dụng phục hồi trong 2 quý cuối năm nhờ (1) Nhu cầu tín dụng ở các khu vực kinh tế (sản xuất, tiêu dùng, thương mại) cải thiện trong điều kiện mặt bằng lãi suất duy trì thấp; (2) Nhu cầu vay mua BĐS phục hồi nhờ các gói tín dụng ưu đãi (120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội) và 3 Luật Bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024.
Hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc các tháng cuối năm: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành lũy kế 8 tháng đầu năm tăng 9,5% svck. Chỉ số PMI tháng 8 duy trì trên ngưỡng trung tính 50 điểm 5 tháng liên tiếp với mức 52,7 điểm nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, trong đó đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022.
Theo đó, chúng tôi dự báo hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi mạnh trong nửa cuối năm dù còn gặp nhiều thách thức. Yếu tố cầu trong nước và bên ngoài cải thiện sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn tới số lượng đơn đặt hàng mới, trong đó đơn xuất khẩu tăng nhanh và qua đó sản lượng có thể tăng tương ứng.
Lãi suất dự báo duy trì thấp các tháng cuối năm 2024: Trong bối cảnh FED sắp hạ lãi suất và tỷ giá hạ nhiệt, mặt bằng lãi suất có thể duy trì ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng giúp kinh tế phục hồi. Đối với lãi suất chính sách dự báo sẽ duy trì ở mức 4,5% như hiện tại, lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong bối cảnh kinh tế cải thiện, áp lực tỷ giá, lạm phát gia tăng.
Mức lãi suất thấp vẫn là động lực giúp thị trường chứng khoán tăng bền vững: Lãi suất duy trì ở mức hợp lý sẽ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục và giúp cải thiện lợi nhuận, từ đó làm tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán. Theo thống kê của Agriseco Research, trong giai đoạn lãi suất giảm, thị trường chứng khoán thường tăng tích cực trong trung và dài hạn.
Lạm phát các tháng cuối năm 2024 có áp lực tăng nhưng vẫn duy trì ổn định 4-4,5%. Các tháng cuối năm lạm phát có thể tăng bởi các yếu tố (1) Giá cả hàng hóa trong nước tăng do biến động tình hình thế giới, và chi phí các mặt hàng điện, nước, y tế, giáo dục, dịch vụ vận tải điều chỉnh tăng theo lộ trình của Chính phủ; (2) Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi và được hỗ trợ bởi các chính sách kích cầu nền kinh tế như tăng tiền lương cơ bản, giảm thuế VAT. Tuy nhiên, Agriseco Research dự báo lạm phát vẫn được kiểm soát nhờ các chính sách kiểm soát và bình ổn giá cả hàng hóa theo lộ trình
Tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt giảm bớt áp lực lên chính sách tiền tệ: Chỉ số DXY đã giảm mạnh về vùng 100, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024 nhờ dữ liệu lạm phát và việc làm tại Mỹ đều thấp hơn kỳ vọng. Qua đó, chúng tôi kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất từ tháng 9 tới và giảm áp lực lên tỷ giá trong nước. Việc ổn định thị trường vàng miếng cũng giúp giảm áp lực đầu cơ USD ở thị trường chợ đen. Tỷ giá tại thị trường chợ đen cũng đã hạ nhiệt đáng kể sau chính sách trên.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt, thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, SBV đã bơm ròng trở lại, lũy kế 100.000 tỷ đồng từ tháng 6 trở lại đây. Với dự báo tỷ giá sẽ còn tiếp tục hạ nhiệt, SBV có thể tiếp tục bơm tiền ra nền kinh tế và giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Khối ngoại giảm bớt áp lực bán ròng: Giá trị bán ròng của khối ngoại đã giảm mạnh trong tháng 7 và được kỳ vọng tiếp tục giảm trong các tháng tới khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt và FED bắt đầu quá trình giảm lãi suất.
Các chính sách, luật mới cần lưu ý trong thời gian tới: 3 bộ Luật bất động sản là Luật Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1/8/2024; Chính sách giảm thuế VAT 2%, chính sách tăng lương cơ bản, Luật tín dụng, Thông tư 22/2023/TT-NHNN về nới lỏng tín dụng cho BĐS KCN, NOXH; Văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện giải pháp về tín dụng, lãi suất. Các chính sách mới kỳ vọng giúp phục hồi sức cầu nền kinh tế, phục hồi thị trường bất động sản, qua đó tạo hiệu ứng tâm lý tích cực đến thị trường chung.
VN-Index cuối năm 2024 sẽ hồi phục lên 1.350 điểm
Agriseco Research dự phóng lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2024 sẽ tăng trưởng 15% so với năm 2023.
Trong đó, lợi nhuận vẫn sẽ tiếp tục cải thiện dần qua từng quý Agriseco dự báo VN-Index sẽ hồi phục lên 1.350 điểm vào giai đoạn cuối năm 2024 trên cơ sở (1) Lợi nhuận toàn thị trường lấy lại đà tăng trưởng dương năm 2024 với mức tăng trưởng khoảng 15%; (2) P/E hợp lý 14 lần.
Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen từ cả trong và ngoài nước bao gồm:
Thế giới: Lạm phát dần hạ nhiệt, Fed có thể bắt đầu quá trình hạ lãi suất từ tháng 9 năm 2024. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; nền kinh tế toàn cầu chậm lại là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường.
Trong nước: Lạm phát, Tỷ giá có áp lực tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; Mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp cùng các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế vẫn sẽ là điều kiện thuận lợi cho TTCK trong nửa sau năm 2024.