Tại ngày 30/9/2024, CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) đang gánh khoản nợ phải trả 28.215 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của HHV hơn 2 lần (cao hơn mức trung bình ngành là 1,2 lần) do phần lớn tài sản là các tuyến BOT được tài trợ từ nợ vay dài hạn.
Trong cơ cấu, nợ ngắn hạn của Công ty là 961 tỷ đồng, đa phần các khoản nợ vay đều đến từ khoản vay tại các ngân hàng quốc doanh như VietinBank, BIDV. Ngoài ra, Đèo Cả cũng gia tăng vay nợ tại các ngân hàng tư nhân như TP Bank, Việt Á Bank.
Nợ dài hạn đạt mức 18.915 tỷ đồng chủ yếu đến từ Vietinbank, hơn 18.000 tỷ đồng (khoản nợ này trên 5 năm) và các ngân hàng khác như TPBank, BIDV. Ngoài ra, Công ty ghi nhận chi phí phải trả dài hạn tăng 16,4%, đạt 5.533 tỷ đồng - đây là khoản chi phí cần thiết để duy trì và phát triển các dự án hạ tầng giao thông mà Công ty đang quản lý và vận hành.
HHV cho biết dư nợ vay dài hạn phần lớn là các khoản đầu tư cho 3 dự án BOT là chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân; Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia.
Ngoài sử dụng vốn vay từ ngân hàng, Đèo Cả còn huy động vốn bằng trái phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp có 1 lô trái phiếu mã DCACH2124001 đang lưu hành trị giá 200 tỷ đồng được phát hành thành công vào ngày 25/1/2022, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 28/10/2024 với lãi suất cố định là 11,5%/năm.
Vỡ phương án tài chính tạo áp lực khó khăn dòng tiền
Theo phương án tài chính được chủ đầu tư và Chính phủ ký kết, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của dự án BOT thường là 11 - 12%. Theo luật PPP, trường hợp doanh thu cao/thấp hơn 25% so với phương án tài chính, chủ đầu tư sẽ được quyền đàm phán với các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh thời gian thu phí theo lưu lượng và doanh thu thực tế nhằm đảm bảo IRR như cam kết.
Đối với trường hợp vỡ phương án tài chính khiến dự án không có khả năng hoàn vốn, Chính phủ sẽ hỗ trợ bằng cách mua lại toàn bộ hoặc một phần dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án BOT nào được phê duyệt mua lại, gây ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Về phía chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng sẽ yêu cầu ngân hàng chia sẻ khó khăn thông qua việc giãn, hoãn trả nợ vay và nợ gốc.
|
2 dự án vỡ phương án tài chính gây khó cho dòng tiền HHV. |
HHV hiện đang vận hành 15 trạm thuộc 4 dự án BOT gồm: (1) Hầm đường bộ Đèo Cả; (2) Đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; (3) Hầm Phước Tường - Phú Gia; (4) Dự án mở rộng Quốc lộ 1A tỉnh Khánh Hòa.
Trong một báo cáo vào năm 2023, VNDirect đã chỉ ra những khó khăn về dòng tiền mà HHV đang gặp phải tại các dự án BOT.
Tại dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả: Theo PATC, dự án được phép vận hành 7 trạm BOT, bao gồm: Đèo Cả, Ninh Lộc, An Dân, Cù Mông, Bắc Hải Vân và La Sơn-Tuý Loan. Tuy nhiên, trạm La Sơn-Tuý Loan đã không được tiến hành thu phí như kế hoạch do gặp sự phản đối của người dân địa phương (đường cao tốc La Sơn-Túy Loan đã được hoàn thành theo hình thức đầu tư BT trước đó nhưng lại được sử dụng trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả).
Kết quả là doanh thu thu phí của cả dự án chỉ đạt 994 tỷ đồng trong năm 2022, chưa đạt PATC. Theo đó, trong đề xuất hỗ trợ 8 dự án BOT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong tháng 5/2023, Bộ đã đề xuất bổ sung khoảng 2.280 tỷ đồng để mua lại quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan. Bên cạnh đó, dự án vẫn chưa nhận được 1.180 tỷ đồng/5.048 tỷ đồng nguồn vốn nhà nước cam kết góp vốn vào dự án, làm tăng gánh nặng nợ vay cho doanh nghiệp.
Tại dự án Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn: dự án cũng không được thu phí tại trạm thu phí Km93+160 trên QL1. Doanh thu thu phí của dự án chỉ đạt 286 tỷ đồng trong năm 2022, chưa đạt như PATC. Mặc dù, dự án đã được chấp thuận kéo dài thời gian thu phí thêm 4 năm tới 2048, tuy nhiên áp lực dòng tiền trong ngắn hạn vẫn là khá lớn.
Hiện nay, trạm thu phí Bắc Hải Vân được vận hành thu hồi vốn cho cả hầm Phước Tượng-Phú Gia và hầm Hải Vân 2. Giá vé tại trạm này đang cao tối đa trong mức cho phép. Do đó, việc tăng giá vé theo PATC trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn.
Từng dính nhiều sai phạm
Liên quan đến Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tháng 7/2021, trong Báo cáo kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT gửi đến Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số sai sót tại Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ sai phạm một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, song nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT.
Tại dự án này, chi phí sửa chữa thường xuyên cũng chưa phù hợp định mức, chi phí trung tu và đại tu chưa phù hợp. Kiểm toán chỉ rõ, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chi phí thường xuyên tăng 0,34 tỷ đồng; chi phí trung tu tăng 41 tỷ đồng; chi phí đại tu tăng 77,9 tỷ đồng.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến trong phương án tài chính do vốn góp chủ sở hữu chỉ đạt 86%; vốn vay đạt 88% kế hoạch. Chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh tại dự án năm 2019 và 2020 là 10,9 tỷ đồng.
Dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án nhưng các bên chưa xem xét kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án theo quy định. Dự án đưa vào vận hành nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Mới đây nhất, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số vi phạm trong quá trình thực hiện dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT và BT (Đợt 2) của Tập đoàn Đèo Cả.
Cụ thể, Kiểm toán chỉ ra rằng, Gói thầu HV2-TV3 xét thầu chưa phù hợp; Gói thầu HV2-TV7.1 thực hiện lựa chọn nhà thầu kiểm toán trước khi Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận; Gói thầu HV2-TV3 ký hợp đồng nguyên tắc sử dụng tư vấn nước ngoài và triển khai thực hiện khi chưa có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải.
Gói thầu số 1E hạng mục công việc Bộ cấp nguồn 48V chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ CO, CQ; Gói thầu HV2-XL4 phải điều chỉnh TKKT kết cấu móng mố trụ cầu số 1 và cầu số 3 do có sự sai khác số liệu địa chất giữa TKKT và thực tế hiện trường.
Công ty chưa kịp thời thu hồi về Dự án các khoản tạm ứng vượt giá trị hợp đồng 5.769,8 triệu đồng, thanh toán vượt giá trị quyết toán A-B 56.483,5 triệu đồng.