|
Cổ phiếu POM của Thép Pomina tăng trần sau khi doanh nghiệp có động thái mới |
Hiện tại, cổ phiếu POM đang giao dịch trên sàn UPCoM nhưng bị hạn chế, chỉ được giao dịch vào thứ sáu hàng tuần. Phiên giao dịch ngày 9/8 đã chứng kiến sự khởi sắc của cổ phiếu sau khi Pomina thông báo về chiến lược phát triển và quá trình tái cấu trúc toàn diện.
Cụ thể, Pomina đã ký kết hợp đồng chiến lược với Công ty Thép Nansei của Nhật Bản vào cuối tháng 7/2024. Theo đó, Nansei sẽ cung cấp nguyên liệu cho Pomina 2, giúp nhà máy vận hành tối đa công suất từ tháng 9/2024, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Pomina cũng đã ký MOU với một nhà đầu tư lớn để khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025, nhằm đón đầu làn sóng đầu tư công và phục hồi thị trường bất động sản.
Trước đây, Pomina đã triển khai dự án lò cao vào tháng 2/2021, giúp doanh thu thuần tăng 42,6% và lợi nhuận sau thuế tăng 1,5 lần. Tuy nhiên, do thị trường thép suy thoái từ đầu năm 2022, Pomina đã phải ngừng hoạt động lò cao vào ngày 23/9/2022 và cắt giảm nhân sự.
|
Cổ phiếu POM bất ngờ tăng trần lên mức 2.700 đồng/cp vào phiên ngày 9/8 |
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2024, Thép Pomina ghi nhận doanh thu 471,44 tỷ đồng, giảm 71,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 224,9 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 38,3 tỷ đồng so với mức lỗ 186,6 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Thép Pomina lý giải tình trạng lỗ tiếp tục do hai nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 vẫn ngừng hoạt động, nhưng công ty vẫn phải chịu chi phí quản lý và lãi vay, trong đó lãi vay chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hiện công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc và khôi phục sản xuất sớm nhất có thể.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng lỗ lũy kế của Thép Pomina đạt 1.697,1 tỷ đồng, chiếm 60,7% vốn điều lệ. Tổng tài sản giảm nhẹ 3,2% so với đầu năm, còn 10.075,5 tỷ đồng, trong đó tiền mặt chỉ còn hơn 6 tỷ đồng. Tổng nợ vay đạt 6.232,87 tỷ đồng, tương đương 533,4% vốn chủ sở hữu, với các chủ nợ chính gồm Ngân hàng Công Thương Việt Nam (2.573,1 tỷ đồng), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (1.639,2 tỷ đồng), và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (488,5 tỷ đồng).
|
Lợi nhuận Thép Pomina giai đoạn 2015 đến Q1/2024 |
Một diễn biến khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra Quyết định số 847/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Pomina. Tổng mức phạt là 217,5 triệu đồng.
Pomina bị phạt 92,5 triệu đồng theo Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do không công bố thông tin bắt buộc như Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Báo cáo thường niên năm 2023, và các tài liệu liên quan đến Đại hội đồng cổ đông năm 2024.
Ngoài ra, Pomina bị phạt thêm 125 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập theo quy định.
CTCP Thép Pomina, tiền thân là Nhà máy thép Pomina 1, được thành lập năm 1999 và đã trải qua nhiều lần tăng vốn, hiện nay có vốn điều lệ gần 2.977 tỷ đồng. Trên thị trường, Pomina là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam, với các sản phẩm được sử dụng trong nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Vinhomes Central Park.
Pomina sở hữu ba nhà máy sản xuất thép, bao gồm Pomina 1 tại Bình Dương với công suất 300.000 tấn/năm; Pomina 2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu với công suất 500.000 tấn thép xây dựng và 500.000 tấn phôi thép/năm; và Pomina 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu với công suất 1 triệu tấn phôi thép/năm.