Sau 2 thập kỷ, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên chứng kiến chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.500 điểm nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu “rực lửa” trong phiên cuối tuần đã khiến chỉ số này không giữ được mốc 1.500 điểm.
Bên cạnh đó, diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang trở lại khi biến chủng Omicron mới đang khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo phiên cuối tuần. Điều này gây lo lắng lớn đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư Việt ngay trong phiên thứ Hai hôm nay 29/11.
Lịch sử trước đó, trong gần hai năm kể từ khi COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, thị trường chứng khoán đã trải qua không ít nhịp giảm sâu mỗi khi thông tin tiêu cực liên quan đến dịch bệnh được đưa ra.
Làn sóng bán tháo trên diện rộng khiến VN-Index thường rơi sâu, thậm chí nhiều cổ phiếu nằm sàn la liệt. Tuy nhiên, sau những cú sốc, thị trường lại cho thấy khả năng phục hồi nhanh và mạnh sau đó.
Nhận định về tuần giao dịch cuối tháng 11 đầu tháng 12 tới (29/11-3/12), các công ty chứng khoán cùng dự báo thị trường sẽ có những phiên rung lắc và điều chỉnh.
Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng xu hướng của chỉ số VN-Index trong tuần này sẽ là kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.490 điểm và chờ đợi sự lan tỏa rộng hơn của sắc xanh ra các cổ phiếu khác trên thị trường trước khi có thể chinh phục các mốc kháng cự mới.
Nhà đầu tư theo trường phái “lướt sóng” ngắn hạn vẫn được khuyến nghị tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng mức định giá của mỗi cổ phiếu cụ thể cũng như không nên nắm giữ các cổ phiếu đầu cơ với tỷ trọng cao để tránh rủi ro trong trường hợp chỉ số bất ngờ điều chỉnh giảm với thanh khoản đột biến nhằm kiểm tra lại vùng 1.500 điểm.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung trên thị trường và vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tích cực trong quý 4/2021 cũng như năm 2022.
|
Chứng khoán sẽ ra sao trong tuần 29/11-3/12? |
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra dự báo VN-Index tiếp tục có nhịp tăng điểm đầu phiên 26/11 trước khi đảo chiều và dần mở rộng đà giảm về cuối phiên.
Vùng cản tâm lý quanh 1.500 điểm tiếp tục gây sức ép cho thị trường đặc biệt trong bối cảnh đà tăng điểm không được hậu thuẫn bởi sự gia tăng tương ứng của khối lượng giao dịch.
Áp lực chốt lời sau nhịp tăng mạnh cùng với việc hình thành mẫu nến engulfing tiêu cực khiến chỉ số đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh trong những phiên tới, xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.480 và sâu hơn là 1.460 điểm.
Sau khi tạm đóng các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ kê mua lại 1 phần tỷ trọng khi giá cổ phiếu mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ mạnh.
Chứng khoán MB (MBS) cho biết thị trường vẫn còn áp lực điều chỉnh ở phiên đầu tuần. Tuy vậy, sẽ không có sự hoảng hốt của nhà đầu khi thị trường đang ghi nhận những bước tiến gần đây về vaccine, các loại thuốc đặc trị Covid và các phương pháp khác để chống lại căn bệnh này. '
Trước đó, nhà đầu tư cũng đã trải qua hết làn sóng này đến làn sóng khác của Covid và các biến chủng khác nhau của virus, kết quả là thị trường luôn tạo các đỉnh cao hơn.
Một phần là do dòng tiền có sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu. Một phần là do sau mỗi làn sóng Covid, chúng ta lại học thêm được cách sống chung và ứng phó với virus. Do vậy, MBS không cho rằng Covid sẽ là một chủ đề khiến thị trường phải lo lắng quá lâu.
Trong kịch bản lạc quan, nếu chỉ số VN-Index vượt vùng kháng cự 1.500 điểm chỉ sô sẽ duy trì nhịp tăng mới hướng đến chinh phục vùng đỉnh mới quanh mức 1.520 – 1540 điểm.
Trong kịch bản cơ bản, khả năng chỉ số vẫn tăng sideway-up biên độ hẹp trong vùng dao động 1.450 – 1.500 điểm trong trạng thái chờ kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Kịch bản thận trọng sẽ được kích hoạt trong trường hợp VN-Index điều chỉnh giảm xuyên vùng hỗ trợ 1.450 điểm khả năng sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn xuống những vùng hỗ trợ thấp hơn từ 1.335 – 1.385 điểm.
Về chiến lược đầu tư, các nhịp điều chỉnh tiếp tục là cơ hội tích lũy cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Nhóm VN30 vẫn trong quá trình test đỉnh lịch sử, thanh khoản đang tăng từ mức 9.000 – 12.000 tỷ đồng, tỷ trọng thanh khoản nhóm này ở sàn HOSE đã tăng từ mức 34% lên 40% cho thấy dòng tiền đang kiên định dịch chuyển dần từ nhóm đầu cơ sang.
Do vậy, trong các nhịp điều chỉnh nếu thanh khoản tiếp tục tăng lên là dấu hiệu tích cực, dòng tiền lớn cần thời gian dịch chuyển lâu hơn so với nhóm đầu cơ hoặc cổ phiếu nhỏ.
Về cơ bản, MBS cho rằng, thị trường trong tuần tới có thể còn chịu áp lực điều chỉnh ở 1 đến 1,5 phiên đầu tuần nhưng sẽ ổn định trở lại trong các phiên cuối tuần.
Áp lực giải phóng lượng margin cũng là tín hiệu tốt để thị trường đi lên bền vững hơn. Nhóm cổ phiếu bluechips vẫn là lựa chọn ưu tiên cho giai đoạn cuối năm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Về kỹ thuật, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa tăng trường khi còn chưa vượt đỉnh tháng 7 trong khi các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang ở cách đỉnh khá xa.