Theo SSI Research, Masan MEATLife (MML) kỳ vọng thoái toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi (MNS Feed) với giá khoảng 600-700 triệu USD (13.600 – 15.890 tỷ đồng).
Tập đoàn Masan (Masan Group, MSN) – công ty mẹ Masan MEATLife, có thể ghi nhận lãi từ 4.800 tỷ đến 5.500 tỷ đồng trong quý 4 theo phương thức hạch toán 1 lần.
Trước đó, Masan Group công bố hợp tác chiến lược với De Heus Việt Nam – công ty con của Royal De Heus Group (Hà Lan). De Heus Việt Nam sẽ tiếp quản 100% mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ Masan MEATLife và đầu tư 600-700 triệu USD vào chuỗi cung ứng đạm động vật tại Việt Nam.
|
Masan có thể ghi lãi 4.800-5.500 tỷ đồng trong quý 4. |
Mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife (MNS Feed) bao gồm 75% vốn Proconco, 99,99% vốn Anco và các đơn vị khác như MNS Feed Tiền Giang, Vĩnh Long, Nghệ An, Hậu Giang, Thái Nguyên.
MNS Feed có 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy premix, với tổng công suất sản xuất gần 4 triệu tấn, đóng góp khoảng 81% tổng doanh thu Masan MEATLife trong 9 tháng đầu năm đạt 12.189 tỷ đồng, tăng 24,7% so cùng kỳ.
Sau khi bán MNS Feed, Masan MEATLife nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu của mảng kinh doanh thịt tích hợp (gồm thịt và trang trại) và 51% vốn chủ sở hữu của 3F Việt (bao gồm thịt và trang trại).
Trong 9 tháng, mảng kinh doanh thịt có thương hiệu tích hợp (bao gồm cả trang trại) đem về 2.320 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 51,2% và tỷ trọng 15%. Thịt gà (3F Việt) đạt khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu.
Masan MEATLife cho biết mảng kinh doanh thịt đang trên đà đạt doanh thu 200 triệu USD năm 2021, biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) hai chữ số.
Mục tiêu đến 2025, MML nắm giữ 10% thị phần thị trường đạm động vật trị giá 15 tỷ USD trên toàn quốc và EBITDA trên 20% với danh mục thịt tươi, thịt chế biến đa dạng.
Một điểm sáng là mảng kinh doanh thịt mát có thương hiệu MEATDeli (không bao gồm trang trại, 3F Việt) đánh dấu cột mốc quan trọng khi đạt lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty dương lần đầu tiên vào quý 3.
Kết quả này được thúc đẩy bởi doanh thu thuần tăng 51,2% so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp và biên EBITDA cải thiện hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá heo hơi giảm trong quý tác động tích cực đến mảng kinh doanh thịt và Masan MEATLife tiếp tục hướng tới xây dựng mô hình chuỗi cung ứng bền vững để tối ưu chi phí đầu vào.
Trong thỏa thuận với De Heus, đơn vị này sẽ cung cấp 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi cho trang trại và ít nhất 2,8 triệu heo thịt cho các sản phẩm thịt mát và thịt mát chế biến của Masan MEATLife trong 5 năm tới. Thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên sẽ đảm bảo nguồn heo đầu vào cho Masan MEATLife với giá ổn định, chất lượng cao và chuẩn hóa.