Theo trang chuyên theo dõi thị trường phân bón DTN, nhiều loại lập kỷ lục mới trong tuần thứ 3 của tháng 11.
Cụ thể, phân UAN32 tăng 32% so với tháng trước, ở mức 651 USD/tấn, dẫn đầu danh sách tăng. Tiếp đến là phân khan (anhydrous) và UAN28 có giá lần lượt là 1.220 USD/tấn và 571 USD/tấn. Còn ure giao dịch với giá 859 USD/tấn, tăng 17% so với tháng trước.
|
Diễn biến giá phân bón UAN32. Nguồn: DTN |
Nguyên nhân khiến các loại mặt hàng trên liên tục tăng là giá khí đốt, loại nhiên liệu sử dụng trong sản xuất phân bón, leo thang trong những tháng vừa qua, đặc biệt ở châu Âu và Anh. Bên cạnh đó, bão Ida tại Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung tại Mỹ hồi đầu năm nay. Thiếu điện tại Trung Quốc cũng là nguyên nhân tác động lên thị trường vì nước này hạn chế xuất khẩu để ưu tiên nhu cầu trong nước.
Câu hỏi đặt ra là giá mặt hàng này còn tăng đến bao giờ. Ông Mayo Schmidt, CEO của Nutrien - doanh nghiệp lớn trong ngành, cho rằng giá sẽ còn cao cho đến tháng 6/2022 và có thể kéo dài hơn. Theo ông Mayo, Nutrien và nhiều công ty khác đang tăng sản lượng nhưng cũng không thể đáp ứng hết được nhu cầu ngày càng lớn.
Ông Gary Schnitkey, nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về chi phí nông nghiệp tại Đại học Illinois (Mỹ), nhận định các nhà sản xuất có nhiều động lực để tạo ra nhiều sản phẩm và điều này có thể giúp mặt hàng này "đỡ nóng". Tuy nhiên, giá sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố không đoán trước được như Covid-19 và diễn biến thị trường khí đốt.
"Bão giá" phân bón đang khiến nông dân ở nhiều nơi trên thế giới gồng mình gánh thêm chi phí đầu vào.
Nông dân oằn mình vì bão giá phân bón
Tại Ấn Độ, nông dân của huyện Virudhunagar, bang Tamil Nadu, cho biết thiếu phân bón đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động canh tác. Các cửa hàng bán với giá rất cao nhưng họ vẫn phải mua, thậm chí mua không đúng loại mong muốn.
Theo ông Vijayamurugan, quan chức địa phương, các loại phân bón đều đang thiếu nguồn cung. Đặc biệt, ure và DAP khan hiếm trầm trọng từ tháng trước.
|
Nông dân trên cánh đồng ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters |
Nhiều nơi khác tại Ấn Độ cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Satnam Singh, nông dân sản xuất lúa mì với diện tích 1,5 ha ở bang Punjab, cho hay tin đồn về tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến nhiều người hoảng sợ. Mọi người mua tích trữ ure và một số loại khác cần thiết cho vụ mì sắp tới với giá gần như gấp đôi.
Ông Vikram Singh, Tổng thư ký Liên minh Lực lượng Nông nghiệp Ấn Độ, cung cấp thông tin rằng ở một số nơi, nông dân không thể mua được hàng dù phải đứng xếp hàng dài, chờ đợi rất lâu.
Còn tại Mỹ, ông Daren Coppock, Giám đốc Hiệp hội Các nhà bán lẻ Nông sản, cho biết nguồn cung phân bón nitơ đủ dùng cho trước mùa đông. Tuy nhiên với giá quá cao, một số nông dân đang trì hoãn việc mua hàng. Vì vậy, khi đến vụ xuân, có nguy cơ họ phải tranh giành nguồn cung trong thời điểm bận rộn nhất năm.
MKC, một hợp tác xã trang trại ở Kansas (Mỹ) bán sản phẩm thanh toán trước cho nông dân với thời gian giao hàng trong tháng, điều này giúp người trồng chắc chắn về chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, với giá cả tăng vọt, MKC đã thu hẹp việc bán hàng theo cách làm này.
Còn tại Triều Tiên, nước này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu amoniac, khiến các nhà máy sản xuất trong nước có nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất. Nhiều nhà máy sản xuất phân bón lớn tại tỉnh Nam Pyongan đã buộc phải giảm công suất do gần hết nguyên liệu nhập khẩu.