Chứng khoán thực chiến: Kiến ăn cá và định luật bảo toàn dòng tiền

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đang mang tâm trạng không vui vì thời gian gần đây "chứng khó đánh quá". Có một hiện tượng cũng rất đáng suy nghĩ là hiện tượng thao túng chỉ số phục vụ thị trường phái sinh (TTPS). 
Dù VnIndex đang ở vùng đỉnh lịch sử, nhưng NAV của nhiều NĐT lại đang giảm. Điều kỳ lạ gì đang xảy ra trên thị trường, liệu "bọn lởm" có gãy hay không? Đến khi nào thì những cổ được mệnh danh là ngựa đầu đàn sẽ tung vó bay xa? Tôi xin chia sẻ góc nhìn cá nhân về những vấn đề này.
Có nhiều người hỏi tôi "tiền ở đâu ra mà lắm thế, ngày nào cũng hàng núi tiền đổ vào thị trường". Giống như định luật bảo toàn năng lượng, tiền không tự nhiên sinh ra, nó chỉ chuyển hóa từ kênh này sang kênh khác.
Rõ ràng chứng khoán đang là điểm hút tiền nhờ tính hấp dẫn và lòng ham làm giàu nhanh. Tiền đang được rút ra từ hệ thống ngân hàng, từ tiền tích trữ cá nhân để đổ vào chứng khoán. Đây là điều rất tích cực trong dài hạn vì thể hiện sự lan tỏa rộng của chứng khoán.
Nhưng trong một giai đoạn ngắn hạn nào đó, sẽ có dấu hiệu hỗn loạn của dòng tiền mới. Nhiều người chưa được trang bị kiến thức đầy đủ, đã nhảy ngay vào nồi nước sôi. Có thể họ đang thắng, nhưng nếu không rèn luyện và học hỏi đúng cách, về lâu dài sẽ là những mất mát lớn.
Tổng dòng tiền của TTCK có thể phân ra 2 nhóm chính: dòng tiền "khôn" và dòng tiền "điên". Dòng tiền khôn đa phần của các NĐT chuyên nghiệp, có sự hiểu biết sâu và kinh nghiệm nhiều năm trên TTCK. Có thể ví những NĐT này như những con cá đi kiếm mồi.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi sự hỗ trợ Margin từ các CTCK hoàn toàn đã hết, nhưng con cá này cũng đang mất đi một phần sức mạnh. Dòng tiền khôn đa phần đang ngập trong cổ phiếu, dù đó là những cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt, có giá trị.
Đối nghịch với dòng tiền khôn là dòng tiền điên của nhóm các NĐT mới. Dòng tiền này đang thể hiện sức mạnh vô song qua những phiên gần đây khi thanh khoản lên đến 1-2 tỷ $. Dù gọi đó là dòng tiền điên bởi tính mua quyết liệt, bất chấp giá cả và trị giá doanh nghiệp, nhưng không thể coi đó dòng tiền "ngốc".
Trái lại dòng tiền này rất thông minh, linh hoạt và cũng rất lì lợm. Ngoài số tiền lớn, họ còn rất đông, tựa như đàn kiến. Có thể nói đang xảy ra hiện tượng kiến ăn cá. Các NĐT chuyên nghiệp hay đầu tư giá trị đang gặp khó khăn bởi yếu tố thiếu nguồn lực hỗ trợ.
Tất nhiên dòng tiền điên rồi cũng sẽ phân hóa. Sẽ đến lúc họ tự động chuyển qua những nhóm ngành, mã có nội tại tốt, chứ không đơn thuần ùa nhau vào đánh như hiện nay. Điều này cần một thời gian nhất định, hoặc đến khi dòng tiền khôn kia có viện binh.
Bên cạnh yếu tố dòng tiền, còn có một vài yếu tố tâm lý hoặc suy diễn đám đông. Những dòng cơ bản như Ngân hàng thì bị gán cho câu chuyện rủi ro nợ xấu, Thép thì là câu chuyện giá quặng sắt giảm, chu kỳ ngành đi xuống vì BĐS TQ giảm sút nhu cầu.
Tuy nhiên tất cả những điều này theo tôi rất thiếu cơ sở và dự báo thực tế. Tôi theo trường phái đầu tư trọng số hơn trọng cung, cho nên tôi luôn đo lường và dự báo các con số LN trong tương lai gần, cũng như trong 12 tháng tới. Tôi tin rằng trong quý 4/2021 và cả năm 2022 các DN hàng đầu ngành Thép hay NH sẽ có KQKD trên cả tuyệt vời.
Có một hiện tượng cũng rất đáng suy nghĩ là hiện tượng thao túng chỉ số phục vụ thị trường phái sinh (TTPS). Không thể nhắm mắt làm ngơ mãi với việc chỉ vì phục vụ lợi ích của một số CTCK có tự doanh PS, mà kéo hay đạp những mã Vn30 một cách thô bạo.
Chính điều này cũng gây sự xa lánh của dòng tiền với những mã Bluechips. Liệu UBCK có biết hay chưa có dịp làm rõ. TTCK cần sự minh bạch, những hiện tượng quá lộ liễu của Phái sinh trong những ngày chốt đã trở thành phản cảm, thậm chí gây hại cho NĐT.
Phải khẳng định một điều TTCK không phải là sòng cờ bạc, nơi mà tiền nhiều át trí tuệ, liều lĩnh lấn kiến thức. Dù đôi khi điều này được xảy ra nhưng không thể kéo dài mãi. Việc nhiều tổ chức CTCK đang gấp rút lên kế hoạch tăng vốn, đưa thêm nguồn phục vụ nhu cầu chính đáng trong đầu tư, sẽ là bước tiến để những cổ phiếu quốc dân, có giá rẻ hơn mặt bằng chung, sẽ quay trở lại. Đàn kiến dù có đông, nhưng nếu hoạt động vô tổ chức, không biết nâng tầm và gìn giữ thì sớm muôn cũng lại là mồi cho đàn cá.
Nguyễn Hồng Điệp (CEO Công ty tư vấn đầu tư S-Talk)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN