Giàn TAD chính thức bắt đầu chương trình khoan cho Shell Brunei vào tháng 11 này với hợp đồng khoan dài hạn (hợp đồng 6 năm và tùy chọn gia hạn 4 năm).
Mặc dù giá thuê giàn khoan TAD hiện tại chỉ ở mức 90.000 USD/ngày, Chứng khoán VNDirect nhận định hợp đồng này sẽ mở ra một chương mới cho mảng kinh doanh cốt lõi của PVD trong dài hạn so với giai đoạn phải dừng hoạt động hơn 4 năm.
VNDirect ước tính giàn khoan TAD sẽ đóng góp xấp xỉ 24% lợi nhuận gộp mảng khoan của PVD trong năm 2022 - 2023.
Đối với đội khoan tự nâng, giàn PVD III sẽ phục vụ chiến dịch khoan tại Malaysia với hợp đồng hơn 1 năm từ cuối tháng 11.
Ngoài ra, việc giàn tự nâng Hakuryu11 của Nhật Bản hiện đã bắt đầu hoạt động khoan ở ngoài khơi Việt Nam dựa trên hợp đồng liên kết với PVD cho thấy hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở cả thị trường trong nước và khu vực đang nóng dần lên nhờ đà tăng mạnh mẽ của giá dầu.
Điều này là cơ sở để các chuyên gia dự phóng hiệu suất sử dụng giàn tự nâng sẽ tăng lên mức 90% trong năm 2022 - 2023, đặc biệt là khi PVD đang tích cực tham gia đấu thầu cho các chiến dịch khoan ở cả thị trường trong nước và khu vực như tại Malaysia và Thái Lan.
Mặt khác, PVD cũng đã trích lập dự phòng 30% khoản phải thu của Kris Energy trong 9 tháng đầu năm. VNDirect cho rằng công ty sẽ tiếp tục ghi nhận chi phí dự phòng trong quý 4 với giá trị khoảng 50% tổng khoản nợ khó đòi này (93,9 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 3).
Ước tính PVD vẫn sẽ ghi nhận mức lợi nhuận ròng 85 tỷ đồng trong năm 2021 (giảm 56%), trước khi ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt 487,4% nhờ vào sự phục hồi của cả về hiệu suất sử dụng và giá thuê giàn JU (giàn tự nâng), và đóng góp của giàn TAD.