6 cổ phiếu nên đầu tư trung và dài hạn thuộc doanh nghiệp nào?

Trong danh mục khuyến nghị trung và dài hạn 10 cổ phiếu của Chứng khoán Mirae Asset vừa công bố, ngoài 4 ngân hàng là VCB, TCB, VPB và MBB, còn có các doanh nghiệp khác như GAS, VHM, KDH, IDC, HPG và CTR. 
Đối với Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS)LPG dẫn dắt đà tăng trong 6T2024.
Trong 6T2024, GAS công bố doanh thu tăng 17,9% cùng kỳ, đạt xấp xỉ 53.367 tỷ đồng trong khi lợi nhuận ròng ghi nhận 5.832 tỷ đồng (-10,3% cùng kỳ) do trích lập khoản phải thu 815 tỷ đồng của các nhà máy điện Phú Mỹ.
Sự tăng trưởng trong doanh thu chủ yếu đến từ những đột phá đáng kể trong mảng LPG với mức doanh thu đóng góp 26.640 tỷ đồng (+51% cùng kỳ), chiếm 50% tổng doanh thu trong kỳ trong khi trước đây chỉ chiếm khoảng 40%. Sản lượng LPG ghi nhận mức cao kỷ lục 1,5 triệu tấn, tăng 38% cùng kỳ, nhờ xuất khẩu LPG và kinh doanh quốc tế.
Sự gia tăng của hoạt động LPG cũng bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm doanh thu từ khí nội địa khi nguồn cung khí về bờ giảm mạnh 17% cùng kỳ, riêng sản lượng tại khu vực Đông Nam Bộ cạn kiệt nhanh hơn dự kiến với mức giảm 23% cùng kỳ - gấp đôi so với kế hoạch chỉ giảm khoảng 10-15%/năm. Ngoài ra, việc giá FO trong 6T2024 tăng mạnh 13,4% cùng kỳ cũng đã hạn chế phần nào kết quả kinh doanh khí khô khá thất vọng.
Trong 6T2024, GAS đã nhập khẩu 330 triệu m3 LNG với tổng chi phí 3.500 tỷ đồng, tương đương với giá nhập khẩu khoảng 10,5 USD/MMBTU - cao hơn mức giá trung bình khí nội địa là 7,3 USD/MMBTU.
Trên thực tế, đã có hơn 230 triệu m3 LNG đã cung cấp cho các nhà máy điện tại khu vực Đông Nam Bộ để bù đắp việc thiếu hụt sản lượng khí về bờ, trong bối cảnh nhu cầu điện tăng đột ngột trong mùa khô.
Do đó, nguồn doanh thu từ khí LNG ước tính đạt 2.400 tỷ đồng, cao hơn mức dự phóng 500 tỷ đồng của Mirae Asset. Trong dự phóng gần nhất chúng tôi giả định rằng khí LNG tái hóa chỉ được bán cho các khách hàng công nghiệp trong năm nay. Ngoài ra, GAS cam kết cung cấp 35% sản lượng khí tiêu thụ cho các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 thông qua hợp đồng nhập khẩu dài hạn. Dự kiến, nhà máy điện Nhơn Trạch 3 sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 11 năm 2024, trong khi Nhơn Trạch 4 là tháng 5 năm 2025.
Mirae Asset điều chỉnh doanh thu năm 2024 tăng 7,4% trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 2,7% so với dự phóng trước đó dựa trên giả định: 1) Sản lượng bán LPG tăng thêm 16% nhờ hoạt động kinh doanh quốc tế tiến triển tích cực; 2) Điều chỉnh giảm sản lượng khí khô tiêu thụ xuống còn 6,4 tỷ m3 (-10% cùng kỳ) từ mức 7 tỷ m3 giữa bối cảnh sản lượng khí về bờ trong 7T2024 tiếp tục suy giảm 17% cùng kỳ cũng như tình trạng EVN giảm huy động điện khí; 3) Gia tăng sự đóng góp LNG lên 0,34 tỷ m3 từ 0,14 tỷ m3 trong dự báo trước đó.
Những yếu tố này khiến biên lợi nhuận gộp giảm 120 điểm phần trăm, và đạt 17,3%. Trong tháng 9/2024, GAS sẽ chi trả cổ tức tiền mặt của năm 2023 là 6.000 đồng (so với dự phóng trước đó là 3.000 đồng) với mức tỷ suất cổ tức là 7,2%. Nhìn chung, mức giá mục tiêu không đổi khi các yếu tố điều chỉnh nói trên đã bù đắp lẫn nhau.
Do đó, Mirae Asset khuyến nghị Tăng tỷ trọng GAS với giá mục tiêu 98.300 đồng/cp với lợi nhuận kỳ vọng 18%.
Điểm nhấn của CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) kế hoạch mua lại cổ phiếu. Vào ngày 7/8/2024, VHM đã công bố kế hoạch mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% vốn điều lệ/lượng cổ phiếu đang lưu hành. Công ty nhấn mạnh rằng động thái này nhằm bảo vệ lợi ích của cả công ty lẫn cổ đông, trong bối cảnh giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều so với giá trị thực của doanh nghiệp.
Cụ thể, VHM đang tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, dự kiến hoàn tất vào ngày 3/09/2024. Sau khi nhận được sự chấp thuận từ cổ đông, VHM sẽ xin ý kiến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) với quy trình 7 ngày làm việc. Dự kiến, quá trình mua lại cổ phiếu quỹ sẽ bắt đầu vào giữa T9/2024.
Dựa trên khoảng giao dịch của cổ phiếu trong 30 ngày qua, ước tính VHM sẽ cần chi từ 12,7 đến 14,8 nghìn tỷ đồng cho đợt mua lại này. Tại báo cáo giữa năm 2024, VHM hiện đang nắm giữ 17,2 nghìn tỷ đồng tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn.
Trong cuộc trao đổi gần đây, VHM khẳng định rằng kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán sỉ tại dự án Vũ Yên trong năm và các giao dịch bán lô lớn dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm 2024 (giá trị ước tính 40 nghìn tỷ đồng).
Ngoài ra, VHM dự kiến sẽ có thêm nguồn thu từ việc mở bán mới dự án Cổ Loa trong nửa cuối năm. Cụ thể, công ty sẽ mở bán phân khu thấp tầng và đàm phán với các đối tác để chuyển nhượng phân khu cao tầng nhằm rút ngắn thời gian đầu tư, đem lại dòng tiền sớm hơn. Qua đó, VHM cho biết việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ chỉ có tác động hạn chế đến các chỉ tiêu về thanh khoản và nợ vay của công ty.
Kể từ khi công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ, động thái này đã nhận được sự phản ứng tích cực khi giá cổ phiếu cũng ghi nhận đà tăng hơn 16% trong thời gian qua.
Tùy thuộc vào quy mô và mức giá xác định trong đợt mua lại, việc mua lại cổ phiếu quỹ này sẽ ảnh hưởng đến các ước tính trước đó của chúng tôi, với tác động từ việc giảm số lượng cổ phiếu lưu hành và lượng tiền mặt. Tuy nhiên, Mirae Asset kỳ vọng rằng động thái này sẽ có tác động tích cực hơn, đặc biệt khi giá cổ phiếu trong giai đoạn 12 tháng qua đang phản ánh mức chiết khấu tương đối lớn.
Do đó, Mirae Asset khuyến nghị Mua VHM với giá mục tiêu 52.050 đồng/cp, lợi nhuận kỳ vọng 25%.
6 co phieu nen dau tu trung va dai han thuoc doanh nghiep nao?
 
Đối với CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HOSE: KDH), đóng góp chính từ dự án Privia trong năm 2024. Doanh thu 6T2024 đạt 978 tỷ đồng (-2,9% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 344 tỷ đồng (-24,7% cùng kỳ), qua đó hoàn thành lần lượt kế hoạch tài chính năm là 25% và 44%. Tuy nhiên, công ty không thuyết minh cho các dự án liên quan đến doanh thu và lợi nhuận ròng được báo cáo.
Trong nửa đầu năm, hàng tồn kho của công ty tăng 2.767 tỷ đồng, trong đó một phần được tài trợ từ nợ dài hạn tăng thêm 1.100 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho tăng thêm nhiều đến từ Clarita và Emeria, với giá trị lần lượt ~1.,000 tỷ đồng và 151 tỷ đồng.
Mirae Asset dự phóng doanh thu hợp nhất của KDH đạt 3.822 tỷ đồng (+83% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.322 tỷ đồng (+82,7% cùng kỳ). Phần lớn doanh thu và thu nhập (90%–95%) sẽ đến từ việc bàn giao Privia. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã bán hết 100% lượng pre-sales của Privia. Mirae Asset kỳ vọng KDH sẽ bàn giao ít nhất 90% tổng số căn hộ của Privia trong Q4/2024.
Pre-sales 2024 sẽ tương đối khó khăn khi không có dự án sẵn sàng ra mắt tính đến Q1/2024. Mirae Asset kỳ vọng Clarita và Emeria sẽ bắt đầu ghi nhận pre-sales trong Q4/2024.
KDH công bố kết quả phát hành riêng lẻ 110 triệu cổ phiếu, huy động tổng cộng 3.000 tỷ đồng, kết thúc ngày 29/7/2024. Vốn điều lệ tăng 13,7% lên 9.094 tỷ đồng. Đồng thời, KDH thông qua việc tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Khang Phúc (KDH nắm giữ 100%) từ 3.400 tỷ đồng lên 6.100 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả nợ ngân hàng.
Mirae Asset áp dụng phương pháp định giá RNAV cho các dự án Privia, Emeria và Clarita và phương pháp so sánh cho các dự án khác. Theo đó, Mirae Asset khuyến nghị Nắm giữ KDH và duy trì giá mục tiêu ở mức 38.974 đồng với lợi nhuận kỳ vọng 3%.
Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC) ghi nhận kết quả kinh doanh vững chắc trong 6T2024 khi IDC công bố doanh thu hợp nhất và lợi nhuận ròng đạt 4.616 tỷ đồng (+29,8% cùng kỳ) và 1.128 tỷ đồng (+65,5% cùng kỳ) nhờ các yếu tố sau: 1) Tăng trưởng mạnh mẽ trong việc bàn giao đất khu công nghiệp tại Phú Mỹ II, Hựu Thành và Quế Võ II, với diện tích đất bàn giao là 63 ha; 2) Hoàn tất chuyển giao 1,45 ha trong tổng số 2.2 ha cho AEON tại dự án Khu dân cư phường 6 mở rộng đã tạo ra sự đôt biến trong doanh thu mảng bất động sản với hơn 369 tỷ đồng, tăng 5,8 lần cùng kỳ; và 3) doanh số tiêu thụ điện tăng cao tại các khu công nghiệp (+18% cùng kỳ) đã kéo theo đà tăng của tổng doanh thu mảng năng lượng đạt 1.468 tỷ đồng (+9,5% cùng kỳ).
Quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn tại các thủ phủ công nghiệp: Tính đến cuối quý 2/2024, IDC duy trì quỹ đất thương phẩm hơn 534 ha với 5 KCN. Hầu hết các KCN này đều được giải phóng mặt bằng từ rất sớm, và tạo ra được lợi thế giá vốn thấp đáng kể. Tháng 6 vừa qua, IDC đã nhận được chủ trương đầu tư cho KCN Tân Phước 1 với diện tích 470 ha, và dự kiến đến quý 3 năm 2025 sẽ bắt đầu cho thuê.
Giá cho thuê tại các KCN của IDC duy trì mức tăng tốt: Giá chào tại các KCN đang cho thuê vẫn tiếp tục duy trì xu hướng tăng đáng kể, đặc biệt là tại KCN Quế Võ II. Theo IDC, giá thuê tại KCN Hựu Thành, Quế Võ II và Cầu Nghìn đã ghi nhận mức tăng lần lượt 8,7%, 26% và 5,2% kể từ đầu năm. Trong khi đó, mức giá tại KCN Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng vẫn duy trì đi ngang kể từ năm 2022. Việc mức giá cho thuê liên tục tăng sẽ khiến biên lợi nhuận mở rộng theo thời gian.
Mirae Asset dự đoán IDC sẽ ghi nhận được sự đột biến trong năm 2024 với kết quả mảng KCN đạt mức cao nhờ việc bàn giao lượng hợp đồng đã ký vào năm ngoái tổng cộng hơn 170 ha (trong đó chỉ có 76ha được ghi nhận trong năm tài chính 2023). Cụ thể, Mirae Asset đưa dự phóng doanh thu sẽ tăng lên 9.416 tỷ đồng (+30% cùng kỳ), trong khi lợi nhuận ròng dự kiến tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt mức 2.737 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này chủ yếu được thúc đẩy bởi: 1) Mảng KCN là động lực chính với mức đóng góp 4.853 tỷ đồng doanh thu (+47% cùng kỳ) trong năm 2024 với giả định rằng diện tích đất bàn giao trong năm sẽ tăng gấp đôi lên 151 ha, đặc biệt ghi nhận tại KCN Phú Mỹ II. 2) Các mảng còn lại cũng dự kiến sẽ cho thấy sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ, đặc biệt là mảng bất động sản, khi ghi nhận doanh thu bất thường từ việc chuyển nhượng một phần dự án KDC Phường 6 mở rộng cho AEON. Trong khi mảng điện lại cho thấy sự phục hồi tốt trong tiêu thụ điện ở các khu công nghiệp, cũng như việc đưa vào vận hanh trạm biến áp Hựu Thạnh giai đoạn 1.
Mirae Asset khuyến nghị Năm giữ IDC với giá mụct iêu 64.200 đồng/cp, lợi nhuận kỳ vognj 6%.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) sẽ ghi nhận các động lực tăng trưởng giảm tốc trong nửa cuối năm.
Bước vào nửa cuối năm 2024, Mirae Asset đã điều chỉnh hạ triển vọng đối với HPG do doanh nghiệp đang đối mặt với một số thách thức tăng trưởng trong bối cảnh kinh doanh hiện tại.
Cụ thể, yếu tố về giá không còn là động lực cho tăng trưởng: Tỷ lệ tồn kho cao tại các đại lý, nhu cầu yếu trong mùa mưa, và sự gia tăng cạnh tranh từ xuất khẩu tiếp tục gây áp lực lên giá bán. Trong ngắn hạn, các yếu tố này khó có khả năng cải thiện, khiến các doanh nghiệp thép nội địa gặp khó khăn trong việc duy trì chính sách giá. Mặc dù nhu cầu xây dựng trong nước vẫn duy trì khả quan, nhưng Mirae Asset không kỳ vọng về việc tăng trưởng giá trong kịch bản cơ sở, trừ khi (1) có sự thắt chặt nguồn cung từ Trung Quốc (hiện công suất BOF vẫn duy trì ở vùng cao 73% với tỷ suất lợi nhuận vẫn ở mức âm kể từ T8/2023) hoặc (2) các biện pháp bảo hộ từ Bộ Công Thương (dự kiến có kết quả điều tra chống phá giá HRC và tôn mạ trong giai đoạn 10/2024 – 02/2025).
Dư địa gia tăng sản lượng cũng bị hạn chế do công suất hiệu dụng đã đạt mức tối ưu: Công suất hiệu dụng của HPG đã đạt mức tối ưu với dây chuyền sản xuất hơn 8.6 triệu tấn thép thô, chiếm 35% tổng công suất nội địa. Trong nửa đầu năm, nhờ nhu cầu xây dựng phục hồi và chính sách bán hàng cạnh tranh, HPG đã đạt sản lượng bán hàng hơn 4.31 triệu tấn, tương ứng mức hiệu dụng tối ưu. Doanh nghiệp khó có thể tăng thêm sản lượng cho đến khi nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động. Chúng tôi dự phóng hiệu suất ở mức thận trọng là 92%/90%/65% cho các năm FY24/25/26F, với công suất HRC bổ sung lần lượt 0.5/3 triệu tấn vào 2025/2026.
Với các yếu tố trên, Mirae Asset hạ dự phóng lợi nhuận ròng FY24 và FY25 của HPG xuống 10% và 19%, đồng thời điều chỉnh giá mục tiêu xuống 28.700 đồng/cp (từ 32.500 đồng/cp). Mức giá mục tiêu mới tương đương với 1.52 lần giá trị sổ sách FY25F, tham chiếu theo tương quan PB-ROE của các doanh nghiệp thép lớn trong khu vực. Lợi nhuận kỳ vọng 13%.
Mirae Asset cũng lưu ý các yếu tố theo dõi: (1) Tính đến cuối tháng 08/2024, giá các sản phẩm chính của HPG như HRC/thép cuộn/thép thanh vẫn tiếp tục giảm 8%/1%/6% so tháng trước; (2) Xuất khẩu thép Trung Quốc vẫn đang gia tăng với sản lượng xuất khẩu lũy kế 7T2024 tăng 20% cùng kỳ, đạt mức cao nhất kể từ 2016; (3) tiến độ tại nhà máy Dung Quốc 2 đạt 80% cho phân kì 1 và 50% khối lượng thi công của phân kì 2, đang theo đúng tiến độ để có thể tổ chức chạy thử vào cuối 2024.
Cuối cùng là Tổng CTCP Công trình Viettel (HOSE: CTR) với điểm nhấn là tăng trưởng doanh thu bền vững.
Trong 7T2024, doanh thu của CTR tăng 11% cùng kỳ, ghi nhận ở mức 6.777 tỷ đồng, trong đó 65% doanh thu liên quan đến Tập đoàn Viettel. Lợi nhuận trước thuế đạt 363 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Doanh thu cho thuê hạ tầng lũy kế cho 7T2024 đạt 335 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc 40% cùng kỳ. Phân khúc xây dựng chứng kiến doanh thu tăng đáng kể 34% cùng kỳ, đạt 2.110 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh vận hành của CTR đạt 3.418 tỷ đồng doanh thu (+4% cùng kỳ). Trong khi đó, doanh thu từ giải pháp kỹ thuật và dịch vụ tăng 21% so với cùng kỳ, ghi nhận 871 tỷ đồng.
Điểm nhấn trong 6T2024 của thị trường viễn thông là Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá 3 khối băng tần 5G. Ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã chi hơn 12.500 tỷ đồng để đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 5G.
Mảng xây dựng dự phóng tăng trưởng khoảng 25% trong giai đoạn 2024–2028 được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư hạ tầng 5G. Doanh thu từ mảng vận hành khai thác dự kiến tăng khoảng 17% mỗi năm nhờ vào hợp đồng hiện tại và ký kết hợp đồng mới liên quan đến vận hành khai thác hệ thống trạm BTS ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Mức tăng trưởng của mảng giải pháp IT ước đạt 4.0% hàng năm trong giai đoạn 2024–2028. TowerCo sẽ có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong 5 lĩnh vực của công ty trong giai đoạn 2024–2028, kỳ vọng đạt 38% và biên lợi nhuận gộp khoảng 25%. Phân khúc dịch vụ kỹ thuật dự kiến tăng trưởng hàng năm là 21.2% trong giai đoạn 2024–2028.
Do đó, Mirae Asset khuyến nghị Nắm giữ CTR với giá mụct iêu 139.000 đồng/cp với lợi nhuận kỳ vọng 9%.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN