Trào lưu kỳ lạ thiếu cơ sở khoa học
Nhiều ngày qua, bất chấp cảnh báo của các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng về sự thiếu căn cứ khoa học và những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của trào lưu uống nước cốt chanh buổi sáng khi bụng đói để thải độc, chữa bệnh này vẫn tiếp tục "bùng nổ", thậm chí còn lan truyền rộng hơn trên mạng xã hội.
Rất nhiều video, hình ảnh, bình luận chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, hướng dẫn mọi người cách uống nước cốt chanh, uống thật nhiều, uống liều cao với niềm tin có thể "tiêu tan" mọi loại bệnh. Không chỉ thải độc tố, giảm cân, hết đau dạ dày, trào ngược mà còn hết gan nhiễm mỡ, không còn viêm nhiễm phụ khoa…Thậm chí có người còn cho biết: đã mãn kinh 3 năm "bất ngờ có kinh trở lại" nhờ uống nước cốt chanh liều cao.
Rõ ràng rằng, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học uy tín nào chứng minh việc uống nước cốt chanh liều cao có khả năng "tiêu tan" mọi loại bệnh như: thải độc tố, giảm cân, chữa đau dạ dày, trào ngược, gan nhiễm mỡ, viêm nhiễm phụ khoa...
Những tác dụng này chưa được kiểm chứng và phần lớn chỉ là những lời đồn thổi, truyền miệng không có cơ sở.
Thậm chí, việc một người đã mãn kinh 3 năm mà có kinh nguyệt trở lại chỉ nhờ uống nước cốt chanh liều cao đi ngược lại các kiến thức y học về quá trình mãn kinh và hoạt động nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ. Mãn kinh là một quá trình sinh lý tự nhiên do sự suy giảm chức năng buồng trứng và nồng độ estrogen, không thể đảo ngược bằng một loại thực phẩm đơn lẻ như nước cốt chanh.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, những câu chuyện "chữa bệnh thành công" liên tục được chia sẻ (dù không ai kiểm chứng) có thể tạo ra niềm tin mạnh mẽ với rất nhiều người và lôi kéo người khác làm theo. Có người còn vận động cả gia đình, vợ chồng, con cái cùng uống nước cốt chanh vào buổi sáng.
Nguy hiểm hơn, một bộ phận người dân thể hiện sự hoài nghi hoặc thiếu tin tưởng vào các phương pháp điều trị y tế hiện đại và tìm kiếm những giải pháp thay thế trên mạng. Họ cho rằng, chữa bệnh bằng phương pháp "thuận tự nhiên" là an toàn nhất, chỉ bằng cách uống nước cốt chanh mỗi ngày khi bụng đói và hoàn toàn bỏ qua những cảnh báo về liều lượng và tác dụng phụ.
Đặc biệt nguy hại khi mấy ngày qua, trên một số nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện một trào lưu kỳ lạ và nguy hiểm, đó là nhỏ nước cốt chanh vào mắt để làm sáng mắt, tăng thị lực, làm sạch mắt tự nhiên… Đây là một trào lưu phản khoa học.
![]() |
Tác hại của trào lưu thần thánh hóa nước cốt chanh, nhỏ cả vào mắt... - Ảnh BSCC |
Đừng thần thánh hóa nước cốt chanh
Cơ thể chúng ta không cần nước cốt chanh để thải độc: Cơ thể chúng ta không “dơ” đến mức phải nhờ nước chanh để làm sạch đâu. Bởi tự nhiên đã “lập trình” cho bạn một hệ thống thải độc siêu cấp:
Gan: Lọc máu, phân giải độc tố.
Thận: Đào thải qua nước tiểu.
Phổi, da, ruột: Loại bỏ khí độc, mồ hôi, chất cặn bã...
Đặc biệt, cơ thể còn có cơ chế tự làm sạch siêu việt tên là Autophagy – hoạt động khi bạn ngưng ăn vài chục giờ, giúp “ăn” tế bào hư hại, virus, thậm chí tế bào có nguy cơ gây ung thư. Không liên quan gì đến chanh hết.
Vitamin C trong chanh tốt, nhưng đừng thần thánh hóa: Trong chanh có vitamin C giúp tăng đề kháng, làm đẹp da. Nhưng cơ thể chỉ cần vài chục mg vitamin C/ngày, điều mà rau, trái cây tươi trong bữa ăn đã cung cấp dư thừa.
Đặc biệt, vitamin C trong chanh không thể “rửa độc gan” hay “giải cứu nội tạng” như mạng xã hội rao giảng. Nó chỉ hỗ trợ nhẹ nếu cơ thể thiếu chất, chứ không “cứu rỗi” cả hệ thống sinh học phức tạp.
Đừng ảo tưởng vào “nước thần”, hãy hiểu biết khoa học
Nước chanh rất axit – và dạ dày bạn thì đã đủ “chua” rồi: Nước cốt chanh có pH ~2.0 – rất chua.
Nếu chúng ta uống nhiều, liên tục, nhất là lúc bụng đói, dạ dày sẽ phải "gồng mình" để điều chỉnh. Kết quả là: Ợ nóng – trào ngược; Viêm loét dạ dày – tá tràng; Mất cân bằng axit – kiềm; Mòn men răng... Đặc biệt nguy hiểm với người đã có bệnh lý tiêu hóa từ trước. Người có tiền sử viêm loét dạ dày, trào ngược – tuyệt đối không nên dùng khi chưa ăn sáng.
Đừng ảo tưởng vào “nước thần” – hãy hiểu biết khoa học: Nước chanh không xấu, nhưng cũng không phải “thánh thần”. Dùng đúng cách thì hỗ trợ, lạm dụng sai cách thì rước họa. Sức khỏe không đến từ trào lưu mà đến từ hiểu biết. Hãy tỉnh táo – đừng để 1 ly chanh buổi sáng làm chúng ta lạc hướng cả hành trình chăm sóc bản thân.
Muốn “thải độc” và sống khỏe hãy bắt đầu từ điều đơn giản:
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây
- Hạn chế đồ chiên, nướng, đóng hộp, siêu ngọt.
- Uống đủ nước, ngủ đủ giấc, vận động điều độ.
- Giữ tâm lý tích cực, khám sức khỏe định kỳ
Tác hại của trào lưu nhỏ nước chanh vào mắt
Nhỏ nước chanh vào mắt là trào lưu nguy hiểm và tuyệt đối không nên thực hiện. Bởi mắt là cơ quan cực kỳ nhạy cảm, mọi thứ đưa vào mắt cần vô trùng, có kiểm soát, không phải bất kỳ loại nước “tự nhiên” nào cũng dùng được. Tác hại thực tế khi nhỏ nước chanh vào mắt mắt có thể gây ra nhiều hậu quả cấp tính lẫn lâu dài:
Bỏng giác mạc: do độ acid cao, độ pH thấp (khoảng 2~2), khi tiếp xúc với giác mạc sẽ gây cảm giác rát bỏng, đỏ mắt, chảy nước mắt liên tục và co thắt mi mắt.
Gây viêm và tổn thương giác kết mạc: Tình trạng kích ứng nếu kéo dài có thể dẫn đến viêm kết mạc hoặc nghiêm trọng hơn là viêm giác mạc, gây mờ mắt tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt: Việc tiếp xúc với acid citric trong nước chanh và mất đi lớp bảo vệ tự nhiên của mắt làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
Bên cạnh đó, nước cốt chanh tươi không phải là dung dịch vô trùng. Nó có thể chứa vi khuẩn hoặc nấm từ bề mặt vỏ chanh, dụng cụ vắt hoặc từ môi trường. Khi đưa vào mắt, vi sinh vật này dễ xâm nhập, đặc biệt khi màng mắt đã bị tổn thương bởi acid, làm tăng nguy cơ viêm mủ, áp xe hay loét giác mạc.
Tác động lâu dài đến thị lực: Nếu tổn thương mắt không được điều trị đúng cách, người dùng có thể đối mặt với sẹo giác mạc, gây giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí mù lòa. Những trường hợp tổn thương nặng có thể cần phải ghép giác mạc để phục hồi chức năng nhìn.
Giác mạc là một trong những mô nhạy cảm nhất của cơ thể. Việc sử dụng các chất có tính acid như nước chanh là cực kỳ nguy hiểm.
Mọi hành vi sử dụng chất lạ vào mắt mà không có chỉ định của bác sĩ đều tiềm ẩn nguy cơ mất thị lực.
ThS.BS Nguyễn Văn Thái (Viện Y học Phóng xạ và Ung bướu Quân đội)