Sòng phẳng với mẹ chồng

Chồng hiểu, vợ chẳng phải chê quà của mẹ nhưng tính vợ không thích nợ nần. Mỗi lần mẹ gửi đồ thì vợ cũng đáp lại ngay, nhưng vợ à...

Vợ chồng mình sống cách nhà nội chưa đến mười lăm cây số nhưng hiếm khi vợ chịu về chơi. Tuần nào, vợ cũng lấy cớ bận, nào họp hành, làm điểm, soạn bài…để chồng lủi thủi một mình về thăm nhà. Chồng biết, vợ chẳng bận đến mức ấy nhưng vợ không thoải mái khi về quê, vừa gò bó vừa mất ngày cuối tuần để xả hơi, thư giãn. Biết tính vợ thế nên chồng chẳng ép, nhưng nhìn cách vợ đối xử với những món quà từ quê, chồng thấy buồn trong lòng…
Lần nào cũng vậy, mẹ thấy chồng về một mình đều hỏi sao vợ không về. Câu trả lời của chồng lúc nào cũng giống nhau nên lâu dần mẹ chẳng hỏi nữa. Chỉ thấy mẹ lẳng lặng gói ghém một thứ một ít gửi lên cho vợ. Khi thì chục trứng gà ta, nải chuối nhà, con bồ câu non, lúc thì ít đậu phộng rang, chục cân gạo, trái bí, mớ rau trong vườn… Lần đầu, chồng hào hứng xách về, nhưng rồi ánh mắt ơ hờ, cái thở dài đánh sượt của vợ làm chồng mất hứng. Nhưng không thể từ chối món quà của mẹ, lúc nào cũng được gói cẩn thận treo sẵn ở giỏ xe nên chồng lẳng lặng mang về.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Đến lần thứ tư, vợ bắt đầu lên tiếng phản đối: “Lần sau anh đừng có lấy của mẹ nữa, có ai ăn đâu mà”. Chồng cự: “Mẹ cho, không lấy sao được. Vả lại, mẹ bảo, em đang có bầu, ăn rau nhà trồng và trứng gà ta tốt hơn mua ngoài chợ”. Vợ lên giọng: “Chỉ giỏi vẽ chuyện, “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, tính em không thích lấy không của ai cái gì”. Chồng tiếp tục thanh minh: “Ơ kìa, có ai bắt em phải trả đâu, mẹ thương mẹ mới cho mà”. Vợ dấm dẳng: “Thôi, không nói nhiều nữa, lần sau anh đừng có đem về nữa. Giờ cần gì ra siêu thị là có ngay, đừng có đùm đề lắm thứ, phức tạp”. Có lần, vợ về quê chơi, khen gạo ở quê nấu cơm ngon. Vậy là, thu hoạch xong, mẹ sai chú út chở lên cho vợ chồng mình một tạ. Vợ nằng nặc gửi tiền trả mẹ, còn nói mát mẻ với chồng: “Mẹ định buôn gạo chắc” …
Chồng hiểu, vợ chẳng phải chê quà của mẹ nhưng tính vợ không thích nợ nần. Mỗi lần mẹ gửi đồ lên thì hôm sau, vợ cũng phải gửi đáp lại ngay. Nhưng vợ à, mẹ gửi quà cho vợ vì thương con và cách sống ở quê vốn như vậy chứ không phải muốn được trả lại đâu. Vợ có biết, giữa trưa nắng, mẹ đi khắp xóm, tìm mua cho đủ chục trứng gà để gửi lên. Nải chuối nào ngon, mẹ đều để dành cho vợ. Mẹ bảo: “Rau quả ngoài chợ bây giờ toàn phun thuốc, ăn hại người lắm. Chịu khó mang lên cho vợ con, đang bầu bì phải cẩn thận”. Chồng biết mẹ không phải người đưa đãi, có gì nói vậy nên vợ đừng suy nghĩ nhiều. Trong thâm tâm mẹ, nhà chồng không giàu có gì, không giúp đỡ được vợ chồng mình nhiều nên có gì mẹ cho nấy…
Chồng biết, sòng phẳng là tốt, rất cần thiết trong các mối quan hệ xã hội nhưng trong gia đình, nhiều lúc rạch ròi quá lại làm mất tình cảm vợ à. Có những thứ mình cho đi mà không nghĩ đến chuyện nhận lại, có những thứ mình nhận nhưng không thể nào cho đi…

Mẹ không cho cưới vì người yêu không có cha

Mẹ nói: “Con không cha như nhà không nóc, con cái lớn lên không trộm cắp thì cũng đĩ điếm”.

Khi biết người yêu tôi không có cha từ thuở lọt lòng, mẹ tôi nhất quyết không chấp nhận. Mẹ nói: “Con không cha như nhà không nóc, con cái lớn lên không trộm cắp thì cũng đĩ điếm”. Tôi nghe mẹ nói vậy thì rất buồn vì biết rõ người yêu mình được nuôi dạy rất đàng hoàng từ bé. Từ khi quen nhau đến nay đã 3 năm, cô ấy chưa bao giờ cho phép tôi vượt quá giới hạn.

Thật lòng, tôi rất yêu và tôn trọng người mình yêu. Tôi không thể sống thiếu cô ấy nhưng nếu cãi lời thì mẹ sẽ không tha thứ. Tôi phải làm sao để bảo vệ tình yêu của mình mà không làm rạn nứt tình cảm gia đình?

vuphong…@gmail.com

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bạn thân mến,

Những gì bạn trình bày cho thấy bạn là người rất hiểu chuyện. Không có ai chọn cửa để sinh ra nhưng xưa nay, người đời vẫn thành kiến với những đứa trẻ không cha. Điều này là không công bằng với những người vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh ngay từ khi mới lọt lòng.

Rất may là bạn không nghĩ giống mẹ mình. Ba năm quen biết, yêu thương cũng đủ để bạn hiểu về người mình muốn gắn bó trọn đời. Nếu thật sự yêu thương, tin tưởng và không thể sống thiếu nhau thì việc các bạn phải làm bây giờ là đấu tranh để bảo vệ tình yêu của mình.

Bạn nên mềm mỏng, khéo léo nhưng kiên quyết thuyết phục mẹ, nói với bà là bạn sẽ chịu trách nhiệm về tương lai, hạnh phúc của mình. Bạn hãy nói để mẹ hiểu, thông cảm với hoàn cảnh gia đình người yêu và cho bà biết dù gặp chuyện bất hạnh nhưng cô ấy vẫn sống tốt, sống đàng hoàng và được xã hội tôn trọng.

Bạn cũng nên nhờ người lớn tuổi, có uy tín trong dòng họ thuyết phục mẹ. Hãy kiên trì thêm một thời gian nữa trước khi đơn phương quyết định. Trường hợp xấu nhất là mẹ không nhượng bộ thì các bạn vẫn có thể đến với nhau vì pháp luật cho phép các bạn tự do yêu thương, kết hôn.

Mạnh dạn buông tay

Cuộc hôn nhân của chúng mình chỉ còn là cái vỏ bọc, mục ruỗng và trống rỗng.

Hè về, đồng nghiệp cùng gia đình nô nức với những dự định đi đây đó. Em chợt nhớ, đã lâu lắm rồi, cả nhà mình không đi du lịch chung. Thậm chí, bây giờ hỏi rằng, anh và em ra quán ăn chung với nhau lần gần nhất là lúc nào, em cũng không thể nhớ.

Cuộc hôn nhân của chúng mình chỉ còn là cái vỏ bọc, mục ruỗng và trống rỗng. Những khuya anh về trễ, em cũng không buồn gọi điện hay nhắn tin, sợ phiền. Một mình trong căn phòng hiu hắt, thường trực trong em là câu hỏi, vì sao mình cứ phải tiếp tục sống như thế này?

Vì con ư? Không hẳn. Con nay đã học lớp 4. Con ở với ba hay với mẹ đều thuận tiện. Vì sĩ diện sao? Chưa chắc. Chúng ta đều hiểu, mọi thứ phù du xung quanh đâu quan trọng gì để phải gồng lên chịu đựng. Vì điều kiện kinh tế ràng buộc? Cũng chẳng đúng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vậy thì, lý do cuối cùng và quan trọng nhất mà người ta hay nghĩ tới, là vì tình yêu chăng? Dư âm của mối tình từ thời sinh viên, bao nhiêu người ngưỡng mộ, ao ước còn đó. Cảm giác chiến thắng mọi thứ khi mình có thể vượt qua nhiều trở ngại để đến với nhau ai ngờ đã trở thành ám ảnh tệ hại, khi anh và em đều vì cái điều tưởng như ngớ ngẩn ấy mà cố nắm níu cuộc sống lứa đôi đã quá nguội lạnh.

Anh và em hoàn toàn không hợp nhau, đó là sự thật mà phải đến khi về chung sống, mình mới ngỡ ngàng nhận ra trong chua xót. Ngày xưa, khi “đâu lưng lại”, mình đã không mấy bận tâm đến những bất hòa mà cả hai cho là vụn vặt. Đâu ngờ, chính tiểu tiết lại làm hỏng đại sự. Ngay cả trò chuyện với nhau, mình cũng thấy khó khăn. Không hẳn chỉ là khắc khẩu, mà chúng mình có nhiều khác biệt. Cái tôi của ai cũng lớn. Thêm nỗi thất vọng đến khó hiểu về một quá khứ ngọt ngào làm cho anh và em thêm bức bối, vùng vẫy mà không sao tìm ra lối thoát.

Em quạnh quẽ trong nỗi muộn phiền mỏi mệt. Anh thờ ơ sống phó mặc, “để mai tính”. Con chúng mình ra đời, không đủ sức để ba mẹ chăm chút lại quan hệ vợ chồng, nên chỉ cần một bên buông lơi, là tình cảm đương nhiên phải chênh chao nhiều…

Em nhiều lần thử nhóm lại bếp lửa gia đình mình, nhiều lần chèo chống bởi ý nghĩ, chẳng thể dưng không mà bỏ cuộc. Nhưng rồi, như con cá nhỏ bơi giữa đại dương mênh mông, em hiểu rằng, mọi thứ chỉ là vô nghĩa, khi một bàn tay chẳng đủ vỗ nên kêu.

Ta bên nhau như thế, chẳng phải là ích kỷ đó sao anh? Em chỉ có một đoạn đường tuổi xuân ngắn ngủi, và anh cũng vậy, cuộc sống luôn trôi về phía trước. Thay vì nắm níu một ảo ảnh tình yêu, chi bằng mình hãy mạnh dạn buông tay nhau, anh nhé!