Sinh viên Huế chật vật ôn thi giữa cảnh nước lũ tràn vào phòng trọ

Hàng nghìn sinh viên theo học các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thừa Thiên – Huế đang chật vật, “oằn mình” sống chung với lũ vào mùa thi.

Ước tính trên địa bàn thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang có khoảng hơn 8000 sinh viên ở trọ theo học tại các trường đại học, cao đẳng.
Trong đó, hầu hết các sinh viên do không đủ chi phí nên thuê trọ ở những nhà trọ giá rẻ, ẩm thấp. Do ảnh hưởng của nước lũ dâng cao nên hầu như các khu trọ sinh viên nước đã tràn vào phòng, làm cuộc sống sinh viên chật vật hơn bao giờ hết.
Ghi nhận của PV VTC News tại các phòng trọ trên nhiều tuyến đường nằm ở vùng trũng thấp như Duy Tân, Phan Chu Trinh, Trần Quang Khải,… cho thấy có những nơi nước đã ngập đến gần nửa người. Vì nước lên bất ngờ và nhanh nên nhiều bạn không kịp chuẩn bị, toàn bộ quần áo, sách vở bị ngập trong nước.
Mưa lớn cộng thêm việc thủy điện xả lũ khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Huế bị ngập sâu.
 Mưa lớn cộng thêm việc thủy điện xả lũ khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Huế bị ngập sâu. 
Chấp nhận sống chung với nước, nhiều sinh viên đã chọn cho mình giải pháp ăn mì tôm chống chọi “qua ngày”, chỉ mong nước rút nhanh để có thể hoàn tất các kỳ thi để kịp về nhà đón Tết.
Nguyễn Thị Mai Lệ - sinh viên năm nhất Khoa Báo chí - Truyền thông (Trường Đại học khoa học – Đại học Huế) tâm sự : “Lần đầu xa nhà phải sống trong cảnh mênh mông biển nước này cũng cực.
Mọi hôm ở nhà có bố mẹ còn giờ ở trọ xa nhà nên em phải tự lo hết. Mấy ngày hôm nay mưa ròng rã, đường bị ngập nước, em lại là con gái nữa nên càng khó khăn. May mà em có mua tạm được mấy gói mì tôm”.
Nước lên nhanh, diễn biến lại phức tạp và bất thường nên đa số các trường đại học đều tạm hoãn các môn thi vào ngày 15 và sáng ngày 16/12 để đảm bảo an toàn cho sinh viên cũng như giảng viên, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Một nam sinh viên ngồi trên giường thổi sáo trong lúc nước lụt "tấn công" vào phòng trọ.
 Một nam sinh viên ngồi trên giường thổi sáo trong lúc nước lụt "tấn công" vào phòng trọ.
Bạn Ngô Thị Ngọc Mai – Sinh viên năm 3 ngành Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư Phạm - Đại học Huế) chia sẻ: “Mưa lũ sinh viên không chỉ có khổ mà còn cực nữa. Không có tiền cũng như người thân bên cạnh, nên nhiều khi cũng vất vả. Đi trên đường nước cũng sợ, lại còn ướt.
Tối về ngủ còn sợ hơn, cữ nghĩ nước lên lúc mình đang ngủ, không biết chạy đi mô nên cứ thức để lỡ có chi còn chạy cho kịp. Mình chỉ mong tạnh tạnh để thi cho xong rồi về nhà chứ ở đây một mình sợ quá”.
Không chỉ sống tạm bợ đầy cơ cực trong những ngày mưa lũ, rất nhiều tài sản giá trị của sinh viên cũng đã “cúng” cho “thần nước”.
Nguyễn Đình Tuấn - Sinh viên năm 4 Đại học Khoa học – Đại học Huế nói: “Mình được cái xe máy mà tối qua mưa quá hư mất, không nổ được, phải đẩy bộ về phòng. Nước rút đưa xe đi sửa mà cũng không biết có đủ tiền để sửa không”.
Một bạn sinh viên ở Huế đang ăn mỳ tôm để lấy sức ôn thi.
 Một bạn sinh viên ở Huế đang ăn mỳ tôm để lấy sức ôn thi.
Trong khi tâm trạng của phần đông sinh viên trên địa bàn thành phố Huế đều chán nản, hoang mang thì vẫn có những hình ảnh đầy hài hước được một số bạn thực hiện và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Đinh Hải Hoàng - sinh viên năm 4 Đại học Khoa học - Đại học Huế (chủ nhân bức ảnh ngồi trên giường thổi sáo trong khi xung quanh 4 bề là nước được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội) hài hước nói: “Mình thấy ai cũng kêu than nên rảnh rảnh mình kiếm cái gì đó làm cho vui, không ngờ lại được nhiều bạn yêu thích”.
Được biết, theo dự báo tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, những ngày tới Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục có mưa vừa và mưa to, có nơi mưa rất to nên lũ trên các sông sẽ lên trở lại.
Hiện nay, mực nước trên sông Bồ đã vượt mức báo động 3 khoảng 4,5m, trên sông Hương đã xấp xỉ báo động 3 là 3,5m. Mực nước tại các hồ thủy điện đang nằm trong giới hạn an toàn.

Danh tính 2 công nhân tử vong do sạt lở đất ở Lào Cai

Đã xác minh được danh tính 2 nạn nhân trong vụ sạt lở đất, vùi lấp lán ở Nhà máy thủy điện Bắc Nà (Bản Liền - Bắc Hà - Lào Cai).

Theo một số công nhân chứng kiến vụ việc kể lại, vào tối 17/9, 3 công nhân thi công công trình nhà máy thủy điện Bắc Nà và ngủ lại ở đó.
Khoảng 1h sáng ngày 18/9, do mưa lớn nên bất ngờ một lượng đất đá trên núi sạt xuống vùi lấp lán trại của 3 công nhân.
Danh tinh 2 cong nhan tu vong do sat lo dat o Lao Cai
 Hiện trường nơi tìm thấy thi thể hai nạn nhân. Ảnh Lê Hiếu
Sau khi phát hiện sự cố sạt lở đất, các công nhân của đơn vị thi công Nhà máy thủy điện Bắc Nà đã tổ chức cứu nạn nhưng 2 trong 3 công nhân không may mắn đã tử vong.
Danh tính của 2 công nhân tử vong vụ sạt lở đất ở nhà máy thủy điện được xác minh là: Phạm Văn Cấp (SN 1995), trú tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng và Phạm Văn Quyền (SN1992), trú tại xã Cam Đường, thành phố Lào Cai.
Được biết, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư toàn cầu DATC là đơn vị chủ đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Bắc Nà.
Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở đất, các cơ quan chức năng huyện Bắc Hà, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã vào hiện trường, thăm hỏi và động viên gia đình các nạn nhân.
VTC News sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Tìm thấy nạn nhân thứ 3 trong vụ sạt lở núi ở Khánh Hòa

Đến 16h30 chiều nay (20/12), lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy 3 thi thể nạn nhân vụ sạt lở núi ở Nha Trang.

Trong chiều nay, ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao đã đến hiện trường, thăm hỏi các nạn nhân trong vụ sạt lở núi ở Nha Trang xảy ra vào lúc 2h sáng nay.
Tim thay nan nhan thu 3 trong vu sat lo nui o Khanh Hoa
 Hiện trường vụ sạt lở xảy ra sáng nay tại TP Nha Trang.
Ông Nguyễn Hòa Bình đã trao 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình nạn nhân bị tử vong và nhà bị sập hoàn toàn; 5 triệu cho người bị thương và nhà sập nhẹ hơn. Đến 16h30 chiều nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy và đưa thi thể của nạn nhân Phạm Cao Sang, 19 tuổi ra khỏi hiện trường.
Hiện nạn nhân Phạm Thị Hoa, 45 tuổi chưa được tìm thấy. Lực lượng cứu nạn đã tăng cường thêm xe múc loại lớn để tìm kiếm người bị nạn. Trong khi đó, 5 người đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, sức khỏe đã qua cơn nguy kịch.
Tại khu vực núi thôn Phước Lộc, tiếp tục có sạt lở, đất đá trên núi cao vẫn tràn xuống khu dân cư. Chính quyền địa phương đã bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân có nhà bị sập, đồng thời di tản những hộ dân ở khu vực xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang cho biết: “Do gần núi, mưa nhiều, đất mềm nên dễ sạt lở. Đối với 7 hộ khu vực này, chúng tôi bố trí nơi ở tạm tại trạm y tế; số còn lại, theo chỉ đạo của tỉnh và thành phố, chúng tôi sẽ kiên quyết di dời”./.