Seoul sẽ không giảm các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng

Trong một tuyên bố mới đây Tổng thống Hàn Quốc khẳng định lập trường của Hàn Quốc và Mỹ về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ không thay đổi.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 10-1 nhấn mạnh không có kế hoạch giảm bớt các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vì nó đi ngược lại quyết định đã được cộng đồng quốc tế đưa ra.
Lạc quan nhưng thực tế
“Tiến trình đối thoại với Triều Tiên giờ đã bắt đầu nhưng vì vấn đề hạt nhân của nước này chưa được giải quyết nên Hàn Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực và duy trì các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế” - ông Moon nói tại cuộc họp báo ở Nhà Xanh ngày 10-1. Ông cũng tuyên bố Hàn Quốc sẵn sàng hoan nghênh bất kỳ cuộc họp nào với Triều Tiên, kể cả cấp thượng đỉnh với sự tham dự của lãnh đạo hai nước, tuy nhiên những cuộc hội đàm này phải được diễn ra dưới điều kiện hợp lý.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Xanh, ông Moon Jae-in cũng đã dành lời khen cho người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã góp công “lớn” trong việc thúc đẩy cuộc đàm phán liên Triều. “Tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump đã góp công lớn trong cuộc đàm phán liên Triều. Việc Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt và gây áp lực lên Triều Tiên có thể là động lực mở ra cuộc đàm phán này” - ông Moon nhận định. Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh rằng không thể tách riêng hai vấn đề cải thiện quan hệ liên Triều và tìm giải pháp cho hạt nhân Triều Tiên.
Theo Yonhap, hiện có một số lo ngại việc Hàn Quốc hỗ trợ tài chính cho đoàn đại biểu Triều Tiên đến PyeongChang có thể bị xem là vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Hồi năm 2014, Hàn Quốc từng hỗ trợ 413 triệu won (hơn 385.000 USD) để đoàn Triều Tiên tham dự Á vận hội Incheon. Năm 2002, chính phủ Seoul cũng hỗ trợ gần 1,36 tỉ won để đoàn Triều Tiên dự Á vận hội Busan.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp báo hôm nay tại Nhà Xanh. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp báo hôm nay tại Nhà Xanh. Ảnh: REUTERS 
Mỹ vẫn lo ngại
Tư lệnh các lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) Vincent K.Brooks vẫn kêu gọi Mỹ-Hàn cần thận trọng về quyết định chấp nhận đối thoại của Triều Tiên những ngày qua. “Việc đối thoại liên Triều đã được tổ chức thành công theo tôi là một điều rất đáng ghi nhận. Triều Tiên chưa từng chọn bước đi (ngoại giao) như vậy trước đây” - ông Brooks phát biểu ngày 10-1 trong một sự kiện của Phòng Thương mại Mỹ tại Seoul.
“Tuy nhiên, động cơ của bước đi này là gì? Chúng ta hiện vẫn chưa rõ. Chúng ta sẽ cần thêm thời gian để quan sát. Thực tế là Hàn Quốc đã đưa ra lời đề nghị từ ba tháng trước. Có điều gì đó đã thay đổi và chúng ta cần lưu ý” - tướng Brooks nhận định. Ông cũng đánh giá rằng Triều Tiên đã nghiêm túc trong cuộc gặp vừa qua tại Bàn Môn Điếm nhưng cũng cho rằng Triều Tiên từng tham dự nhiều cuộc gặp gỡ với tâm lý “trình diễn nhiều hơn là hiệu quả” - hãng tin Yonhap cho biết.
Triều Tiên sẽ cử đoàn đại biểu 500 người sang Hàn Quốc
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon ngày 10-1 cho biết phía Triều Tiên có thể sẽ cử một đoàn đại biểu khoảng 400-500 người sang Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang. Đoàn đại biểu sẽ bao gồm nhiều quan chức cấp cao, vận động viên, cổ động viên, các đội trình diễn Taekwondo và nhà báo, theo Yonhap. Các quan chức Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu khởi động các cuộc đối thoại cấp sự vụ với phía Triều Tiên trong tuần này, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho biết.
“Mục đích của các lệnh cấm vận và gây áp lực là để đưa Triều Tiên đến bàn đối thoại. Đây chỉ mới là sự khởi đầu, chúng ta không thể nói đối thoại là giải pháp duy nhất. Hàn Quốc sẽ nỗ lực giúp giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua cải thiện quan hệ liên Triều bằng đối thoại. Nhưng nếu Triều Tiên lại có thêm hành động khiêu khích, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục đưa ra những lệnh trừng phạt mạnh tay. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ không có lựa chọn nào khác và buộc phải đẩy mạnh cả hai giải pháp (đối thoại và cấm vận)” - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trả lời họp báo ngày 10-1.

Nga giải thích ra sao chuyện tiếp tục bán dầu cho Triều Tiên?

Mátxcơva khẳng định nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm cung cấp dầu cho Triều Tiên, song không phải cấm tuyệt đối.

Tuyên bố được Bộ Ngoại giao Nga đưa ra ngày 30-12, ngay sau khi truyền thông phương tây đưa tin ít nhất ba lần trong các tháng 10 và 11 các tàu chở dầu Nga đã chuyển các sản phẩm hóa dầu cho Triều Tiên.

Một luồng ý kiến lập tức nổi lên cho rằng Nga đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an. Số khác cho rằng với tư cách là một trong 5 thành viên thường trực, việc Mátxcơva phá luật lại càng không thể chấp nhận.

"Nga vẫn tuân thủ đầy đủ các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên", Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trong thông cáo phát đi ngày 30-12.

"Chúng tôi cũng muốn nhắc thêm rằng việc cung cấp nhiên liệu, bao gồm các sản phẩm hóa dầu, cho Triều Tiên, là có giới hạn số lượng chứ không phải cấm hoàn toàn theo Nghị quyết số 2397", theo hãng thông tấn Tass.

Phà Mangyongbong-92 nối Triều Tiên và Nga - Ảnh: REUTERS
Phà Mangyongbong-92 nối Triều Tiên và Nga - Ảnh: REUTERS 

Rộ tin Nhà Trắng muốn rút quân Mỹ khỏi Baltic vì Nga

(Kiến Thức) - Thông tin trợ lý Tổng thống Trump từng đề xuất rút quân Mỹ khỏi các nước Baltic để cải thiện mối quan hệ với Nga, đang khiến Nhà Trắng gặp rắc rối.
 

Hãng thông tấn Sputnik dẫn một bài báo của tờ Daily Beast tiết lộ, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, Nhà Trắng đã xem xét khả năng rút Quân đội Mỹ khỏi Đông Âu, thông tin này được một quan chức Mỹ tiết lộ với Daily Beast trong khoảng thời gian gần đây.
"Lúc ông Trump bắt đầu sự lãnh đạo, một đại diện cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia trong Nhà Trắng đã đề nghị tổng thống rút quân Mỹ khỏi Đông Âu như một sáng kiến xây dựng quan hệ mới với Tổng thống Nga Vladimir Putin", tờ Daily Beast viết.