
Ở Trung Quốc thời phong kiến, triều đình nhà Thanh có những quy định nghiêm ngặt trong việc tuyển chọn cung nữ. Theo các ghi chép, các ứng viên muốn vào Tử Cấm Thành làm cung nữ phải đủ 13 tuổi.

Tiếp đến, ứng viên phải có kỳ tịch thuộc Nội vụ phủ Tá lĩnh và Quản lĩnh của Thượng Tam kỳ Bao y, gồm Tương Hoàng kỳ, Chính Hoàng kỳ và Chính Bạch kỳ (trước là Chính Lam kỳ).

Mỗi lượt tuyển chọn cung nữ đều diễn ra ở Ngự Hoa viên trong Tử Cấm Thành. Sau khi kiểm tra các ứng viên đã đủ tuổi và có xuất thân phù hợp, người ta sẽ đánh giá dung mạo, sự thông minh lanh lợi, khả năng thêu thùa, quét dọn, luyện chữ, đọc sách...

Những ứng viên đạt yêu cầu sẽ được giữ lại trong cung làm cung nữ. Trong khi đó, những người không đạt yêu cầu thì không thể ở lại Tử Cấm Thành và trở về nhà.

Tùy vào trình độ của mỗi cung nữ mà họ sẽ được chỉ định tới các cung làm việc. Trong số này, những cung nữ thông minh, xinh đẹp, có học thức thì có thể được điều tới hầu hạ phi tần, thậm chí là hoàng đế.

Những cung nữ có dung mạo không ưa nhìn thì có thể được sắp xếp làm những việc nặng trong cung, hầu hạ những phi tần có địa vị thấp trong Tử Cấm Thành.

Triều đình nhà Thanh có quy định về mỗi phi tần có ít nhất 2 cung nữ theo hầu. Số lượng cung nữ hầu hạ phi tần phụ thuộc vào địa vị của họ.

Trong số này, Hoàng thái hậu có 12 cung nữ, hoàng hậu có 10 người, hoàng quý phi có 8 người, quý phi có 8 người, phi có 6 người, tần có 6 người, quý nhân có 4 người, thường tại có 3 người và đáp ứng có 2 người.

Một vài cung nữ may mắn "lọt vào mắt xanh" của hoàng đế, được sủng hạnh và sinh được hoàng tử hay công chúa thì có thể được sắc phong làm Đáp ứng, Thường tại hoặc Quan nữ tử.

Những cung nữ khi 25 - 30 tuổi có thể được hoàng đế ân điển, cho phép xuất cung, có cuộc sống bình thường như lấy chồng, sinh con... Một số cung nữ tự nguyện ở lại trong cung cả đời. Ảnh trong bài mang tính minh họa.