Phận đời những người vợ chung ngày giỗ chồng ở làng biển Bình Châu

Ở Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), người ta dễ dàng bắt gặp những câu chuyện đau lòng về một gia đình mất chồng, mất con sau chuyến đi biển.

Ở Bình Châu, có biết bao gia đình đã phải rơi vào cảnh chia ly, biết bao người vợ đã trở thành góa phụ khi vẫn ở độ tuổi xuân sắc. Nhưng sau những đau thương đó, họ vẫn đứng dậy bám biển bởi họ quan niệm rằng, đi biển không chỉ mưu sinh mà còn đi để giữ biển đảo của Tổ quốc.
Ngôi làng có ngày giỗ chung
Bế đứa cháu nội trên tay, bà Nguyễn Thị Hào (59 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) ngồi tựa mình vào ô cửa trước nhà, buồn bã ngóng ra hướng biển. Cách đây 8 năm, cũng tại ô cửa đó, bà Hào đã ngất lịm khi nghe tin chồng và con mất tích trong cơn bão bất thường đầu năm 2008 trên Biển Đông. Đến nay, người đàn bà này vẫn không cầm được nước mắt khi nhắc về cơn bão đã cướp đi người thân của mình.
Vào tháng 3 (Âm lịch) năm 2008, cơn bão số 1 đã nhấn chìm con tàu trị giá một tỉ đồng của gia đình bà Hào. Chồng và con bà là ông Nguyễn Huê và anh Nguyễn Văn Quang cùng 8 ngư dân bị hất văng xuống biển. Chỉ duy nhất một người sống sót do cột được tay vào hai can nước. Người này trôi dạt 4 ngày trên biển mới được một tàu cá Bình Định vớt lên.
“Trong chuyến đi biển ấy, còn có em trai của chồng tôi là Nguyễn Văn Trung cũng gặp nạn. Chờ mỏi mòn không thấy chồng, con về, hai chị em dâu ôm nhau khóc đến cạn nước mắt nhưng vẫn nuôi hy vọng người thân của mình trôi dạt vào một nơi nào đó, đang tìm đường về với vợ con. Nhưng...", bà Hào nói trong nước mắt.
Một năm, hai năm, rồi 3 năm không thấy chồng con trở về, họ đành mời thầy cúng về sắm lễ, vẽ hình hài người đã khuất lên giấy, phô tô chứng minh làm lễ gọi hồn về nhập. Rồi bỏ mảnh giấy vào quách, đem ra nghĩa trang chôn. Ở Bình Châu này, những ngôi mộ gió, mộ chiêu hồn như vậy không phải là hiếm.
Phan doi nhung nguoi vo chung ngay gio chong o lang bien Binh Chau
Bà Hào không cầm được nước mắt khi kể nhắc đến người đã khuất. 
Người ta thường nói "tháng 3 bà già đi biển" để nói đến mùa này thường rất ít bão. Thế nhưng cơn bão trái mùa tháng 3 năm ấy đã cướp đi chồng, con của bà Hào và của nhiều người phụ nữ trong cái làng biển nghèo này. Để rồi cứ đến tháng 3, họ lại có chung ngày giỗ chồng, con. Bà Hào đánh tiếng hỏi người em dâu, "Xóm mình còn đứa nào nhỉ, con Sinh, con Thảo, con Tuyết, con Thái phải không hê?" Câu hỏi ấy khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu nói với PV: "Theo thống kê của UBND xã Bình Châu từ năm 2008 – 2014, toàn xã có 25 người tử nạn trên biển; 77 vụ tai nạn trên biển. Bao nhiêu người đàn ông nằm lại với biển khơi, là bấy nhiêu người đàn bà ở đất liền hóa đá "vọng phu"”.
Trong căn nhà nằm ở cuối thôn Châu Thuận, chị Lê Thị Mai (48 tuổi) đang cần mẫn phơi tỏi trước sân. Chị Mai cũng là một trong những người phụ nữ chịu nỗi đau mất chồng, mất con ở làng biển này.
Tháng 11/2013, tàu QNg 90789TS của gia đình chị đang trên đường vào đất liền bán cá thì cơn bão số 11 bất ngờ đổ bộ. Chồng chị là anh Trần Tiến Dũng (SN 1967) cùng hai người con trai Trần Văn Tiến (SN 1991), Trần Văn Lên (SN 1993) và 12 thuyền viên trên tàu đã mãi mãi không trở về.
Chị Mai lau vội nước mắt, rồi nói: "Còn một ngày nữa là vào bờ vậy mà bão bất ngờ ập đến nhấn chìm tất cả. Thà mất tàu nhưng còn người, đằng này cha con ảnh cũng đi luôn. Ngày nhận thông báo, tôi vẫn không tin đó là sự thật. Hàng ngày, tôi vẫn ra bờ biển ngồi chờ, hy vọng cha con ảnh trở về nhưng cơn bão ác nghiệt đã cuốn họ đi rồi".
Mới đây nhất, đầu tháng 12/2015, làng chài Bình Châu đau đớn khi nghe tin ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết trên biển. Hình ảnh chị Mai Thị Long, vợ ngư dân Bảy gào thét trong ngày nhận thi thể chồng đến nay vẫn còn ám ảnh nhiều người.
Đứng dậy sau "cơn bão"
Những người đàn bà miền biển này sau khi mất chồng thường ở vậy nuôi con, hầu như không ai đi bước nữa. Dù có nghèo khó, vất vả thì họ cũng làm mọi cách nuôi những đứa trẻ khôn lớn.
Chồng nằm lại với biển, để lại hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học cùng gánh nặng nghèo khó lên vai, bà Nguyễn Thị Hào gắng gượng dậy để lo cho các con. Ngày, gánh thúng cá đi bán ở chợ, đêm, đan lưới cho các gia đình trong xóm. Đã 8 năm trôi qua, đến giờ này, bà Hào đã có cháu nội 3 tháng tuổi.
"Hồi đó, tôi chỉ muốn "đi" theo chồng và đứa con trai lớn. Nhưng nghĩ lại, tôi còn hai đứa con nữa. Nếu mình cũng không còn, chúng nó sẽ sống sao? Vậy là tôi cố gắng làm để lo cho hai con ăn học. Hiện, đứa con trai thứ đang làm trên tỉnh đã có vợ sinh con, còn đứa con trai út đang làm việc ở khu du lịch Bà Nà", bà Hào chia sẻ.
Nhà chỉ có hai sào ruộng, cuộc sống gia đình lâu nay đều trông chờ vào tiền đi biển của chồng và con nên sau khi chồng mất, chị Lê Thị Mai như muốn ngã qụy. Không chỉ chịu nỗi đau mất người thân, cơn bão còn khiến chị Mai lâm vào cảnh nợ nần. Con tàu trị giá 3 tỉ đồng vừa đi chuyến đầu tiên đã bị nhấn chìm, vậy là tiền nợ đóng tàu đè lên vai chị.
Nhờ sự động viên của người thân và bà con hàng xóm, chị Mai mới đủ sức để đứng dậy làm lụng nuôi hai đứa con nhỏ. Vừa nhặt tỏi, chị Mai vừa tâm sự: "Tôi nghĩ mình không thể sống mãi trong đau thương nên quyết tâm đứng lên làm lại tất cả. Ngoài làm mấy sào ruộng, tôi còn vay tiền mua tỏi tươi của bà con rồi về phơi khô rồi bán kiếm lãi. Nợ hai tỉ đồng nhưng các chủ nợ thương tình cho một nửa, gia đình chỉ phải trả một tỉ thôi. Nhờ phụ giúp của con đến nay, số nợ hơn 1 tỉ đồng gia đình tôi đã trả được phần nào".
Chồng và hai con nằm lại trên biển, nhiều người nghĩ rằng chị Mai sẽ không để hai đứa con trai còn lại theo nghiệp biển. Nhưng trái lại, khi cậu con trai Trần Văn Trung (21 tuổi) xin mẹ được theo nghiệp cha, anh, chị sẵn sàng đồng ý.
Cũng giống như chị Mai, bà Long, người cũng mất chồng sau một cơn bão phải đắn đo khi để cậu con trai Trương Đình Đệ (19 tuổi) tiếp tục vươn khơi bám biển. "Ngày chồng tôi gặp nạn trên biển, thằng Đệ cũng đi trên chuyến tàu đó nhưng may mắn thoát chết. Nhiều người khuyên tôi để Đệ ở nhà tìm việc khác. Nhưng tôi nghĩ, mình sinh ra ở miền biển không đi biển đánh cá thì làm gì? Đi biển đâu chỉ là mưu sinh mà còn đi để giữ biển nữa chứ", bà Long bộc bạch.
Không chỉ có bà Long, chị Mai mà nhiều phụ nữ ở các làng biển trong cả nước dù phải chịu nỗi đau mất chồng nhưng khi các con đến tuổi trưởng thành họ vẫn tiễn đưa con trai ra biển, như cha, như ông của chúng. Bởi với họ, đi biển không chỉ là lẽ sống mà còn là trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mời quý độc giả xem video:

"Thám hiểm" ngôi làng kiếm sống bằng nghề nấu bom

"Bom lớn như bom tấn phải dùng bình hàn ôxi cưa đôi mới cho lọt miệng lò", một người dân kể quy trình 'nấu' bom ở Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An.

Đục bom ghỉ để lấy thuốc.
Đục bom ghỉ để lấy thuốc. 
Vừa về đến đầu khối Nam, xã Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An, đập vào mắt chúng tôi là những đống sắt thép phế liệu, sừng sững, cao ngất; tiếng cưa xoèn xoẹt, đục chan chát, tiếng kim loại va vào loảng xoảng đinh tai, nhức óc.
Cả làng như một đại công trường với hàng trăm công nhân, xe cộ ra vào tấp nập...
“Công nghệ” phanh xác bom
Giữa trưa nắng như đổ lửa, gió biển tấp vào từng cơn rát mặt, từ quốc lộ 1 chiếc xe tải oằn mình tiến vào con đường quanh co rồi mất hút sau lùm cây trong làng. Xe vừa đỗ xịch, gần chục thanh niên ngồi chờ sẵn bên vệ cỏ lao lên xe khẩn trương bốc hàng. Những quả bom đủ các kích cỡ được công nhân chuyền tay nhau bốc xuống, chẳng mấy chốc chúng đã được “hạ thổ”, chất thành đống cao như ụ rơm.
Tiếng lanh canh, loảng xoảng của kim loại va vào nhau nghe lạnh người, anh công nhân tên Nghĩa vừa đưa tay lật quả bom vừa giải thích: “Loại này toàn vỏ cả thôi, cùng lắm thì còn thuốc nhưng đã “khóa mõm” (tháo kíp nổ) hết rồi, không “toi” mô mà hãi”.
Dù được nghe anh ta giải thích “một cách khoa học” nhưng anh bạn đi cùng vẫn lẳng lặng kéo tôi ra xa đề phòng “lỡ mệnh hệ nào!”. Thấy thế, đám công nhân cười hô hố một cách khoái trá rồi tiếp tục công việc với thái độ…hồn nhiên.
Theo chân lái xe tải chúng tôi vào nhà gặp chủ hàng – T “bom”. Sở dĩ ông chủ đại lý phế liệu có cái tên đệm “độc nhất vô nhị” này bởi quanh năm suốt tháng T chỉ kinh doanh độc mỗi mặt hàng vỏ bom.
Rít xong điếu thuốc Lào, T đưa tay chỉ vào đống vỏ bom ước tính cả mấy trăm cái ngoài góc vườn, giải thích: “Vỏ bom đặc chứ không rỗng như loại sắt thép phế liệu khác, cho vào lò nấu mẻ chỉ có lãi ròng. Hàng này càng ngày càng hiếm và đắt nên không phải ai cũng bám được, ở Diễn Hồng này có hàng trăm chủ đại lý thu mua, chế biến phế liệu nhưng “đại gia” theo nghề nấu bom (nung phôi thép) thì chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi”.
Theo lời T, nguồn bom được dân rà sắt, cửu vạn lùng sục trong các cánh rừng bạt ngàn ở tận Lào, sau đó được các đại lý nhỏ ở đây sơ chế (tháo kíp nổ, lấy thuốc), lái thương gom lại rồi vận chuyển bằng xe tải từ Lào về nhập cho các chủ đại lý ở Diễn Hồng.
Trung bình một ngày có khoảng 15-20 chuyến xe tải từ các nơi về Diễn Hồng “ăn” hàng, đổ hàng với khối lượng hàng hóa giao dịch lên đến hàng trăm tấn.
Rời T “bom”, chúng tôi sang xưởng của B “sắt vụn” nằm sâu phía sau khu Công nghiệp Diễn Hồng. Giữa bãi sắt thép ngổn ngang trong xưởng một nhóm công nhân đang hì hục phân loại phế liệu. Những loại sắt thép vụn vặt được nhặt nhạnh khá sơ sài, riêng quy trình lựa vỏ bom được thực hiện khá công phu.
Ban đầu tất cả được tập kết thành một đống, vỏ bom được lựa riêng ra, từ đây lại tiếp tục phân chia ra: Bom lớn - bom nhỏ, bom rỗng và bom còn thuốc... Một công nhân cho biết: “Bom nhỏ cứ vác đút thẳng vào lò nung, còn bom lớn như bom tấn phải dung bình hàn ôxi cưa đôi mới cho lọt miệng lò. Thỉnh thoảng nếu gặp bom tịt, đang còn thuốc thợ sẽ mang ra đục hoặc cưa để lấy thuốc bán cho dân biển”.
Tử thần rình rập
Dân Diễn Hồng trước đây đa số bám nghề nông nghiệp, còn số ít đi biển hoặc buôn bán lặt vặt, mấy chục năm trước một vài người mang nghề “sắt vụn” từ đâu du nhập vào xã. Rồi chẳng mấy chốc họ phất lên trông thấy, có tiền họ đua nhau xây nhà, sắm xe, mua sắm tiện nghi đắt tiền...
Thấy lãi cao, dân Diễn Hồng cũng đổ xô đi thu gom phế liệu, rồi kẻ mở đại lý kinh doanh, người xây nhà xưởng nung phôi thép, chế biến phế liệu, biến Diễn Hồng thành “chợ sắt” sầm uất của miền Trung. Gần chục năm lại đây Diễn Hồng phát triển ồ ạt trở thành khu thu mua, chế biến phế liệu, sắt thép quy mô nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Những đống bom chờ cho vào lò nung.
Những đống bom chờ cho vào lò nung. 
Hiện giờ nghề thu mua, chế biến phế liệu trở thành nghề trụ cột của xã với hàng trăm hộ gia đình, hàng nghìn người tham gia. Theo số liệu của UBND xã Diễn Hồng, hàng năm tổng giá trị tiểu thủ công nghiệp đạt trên dưới 28 tỷ đồng, chiếm 32% ngân sách của xã.

Sà lan tông sập cầu Ghềnh: Báo động QL phương tiện thủy lỏng lẻo

(Kiến Thức) - Liên tiếp xảy ra tai nạn đường thủy, tàu đâm cầu An Thái, sà lan tông sập cầu Ghềnh...nguyên nhân một phần do việc quản lý phương tiện đường thủy lỏng lẻo.

Vụ TNGT sà lan tông sập cầu Ghềnh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) xảy ra vào lúc 11h35 ngày 20/3 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý đường thủy hiện nay còn lỏng lẻo là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ TNĐT như trên. Bởi đây, không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Trước đó, vào hồi 18h ngày 6/3, tàu Thành Luân 28 tải trọng trên 3.000 tấn lưu thông trên sông An Thái hướng từ Hải Dương tới Hải Phòng khi đi qua cầu An Thái đã đâm va khiến cây cầu bị nứt gãy dầm, gây nên những thiệt hại nặng nề.