Nước Mỹ vẫn bế tắc trong khủng hoảng ngân sách

(Kiến Thức) - Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói các cuộc thảo luận giữa Hạ viện và Tổng thống Obama nhằm chấm dứt 12 ngày đóng cửa từng phần chính phủ không có kết quả.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner và Tổng thống Barack Obama.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner và Tổng thống Barack Obama.

Đề xuất ngày 11/10 của phía Cộng hòa kiến nghị tạm thời kéo dài thời hạn cho phép chính phủ từ nay đến hết tháng 12/2013 được vay mượn từ nhiều nguồn tài chính khác nhau để có ngân sách tiếp tục duy trì hoạt động, trước khi hai bên có thể đi đến thống nhất cho một phương án dài hơi hơn về vấn đề ngân sách của tài khóa mới.

Trong bài phát biểu hàng tuần ngày 12/10, theo VOA,Tổng thống Obama đã phản đối kế hoạch tạm thời kéo dài thời hạn vay nợ của chính phủ do đảng Cộng hòa đề xuất. Ông nói việc kéo dài thời gian vay nợ thêm 1-2 tháng không phải là một hành động khôn ngoan bởi vì điều này sẽ đẩy thời điểm hết hạn vay nợ vào đúng mùa mua sắm lễ hội của người Mỹ.
Tổng thống Obama nói rằng sự thiệt hại đối với “thứ hạng tín dụng thượng hảo hạng” sẽ làm cho mọi người ở nước Mỹ phải trả thêm tiền khi vay mượn, tạo ra cái mà ông gọi là “một khoản thuế vỡ nợ của phe Cộng hòa đối với mọi gia đình và doanh nghiệp ở nước Mỹ”. Ông nói thêm rằng nước Mỹ vỡ nợ cũng sẽ gây ra những tác động vô cùng tai hại cho các thị trường toàn cầu.
Tuyên bố này đã dập tắt hy vọng về việc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ có thể đi đến thống nhất về vấn đề ngân sách.
Đến ngày 17/10, nếu lưỡng viện Quốc hội không thể nhất trí về trần nợ công 16.700 tỷ USD, nước Mỹ sẽ lần đầu tiên rơi vào tình trạng vỡ nợ, được dự báo sẽ đẩy nền kinh tế số 1 thế giới vào một thảm họa chưa từng có.
Trước nguy cơ đó, ngày 11/10, các bộ trưởng tài chính của G20 gặp nhau tại Washington hối thúc Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, “cần có những hành động khẩn cấp để giải quyết những bất ổn ngân sách ngắn hạn".

APEC chuyển từ “lời nói sang hành động”

(Kiến Thức) - APEC đang chuyển từ “lời nói sang hành động”, khi các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) đã thảo luận về an ninh khu vực.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2013 ở Indonesia.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2013 ở Indonesia.
Trong suốt 8 năm hoạt động, tất cả sáng kiến được nêu ra của EAS chỉ hạn chế ở mức độ các bản tuyên bố. Nhưng Hội nghị thượng đỉnh EAS lần này ở Brunei đã đạt được một bước tiến đột phá. Hội nghị đã công bố về việc khởi động cơ chế cụ thể tiến tới xây dựng không gian an ninh thống nhất cho toàn Châu Á.

Mỹ chính thức cắt viện trợ cho Ai Cập

(Kiến Thức) - Nhà Trắng chính thức cắt viện trợ tài chính và hủy giao xe tăng, tên lửa cho chính phủ lâm thời Ai Cập vì đàn áp người biểu tình cuối tuần trước.

Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội chính phủ Ai Cập cuối tuần trước đã làm chết ít nhất 50 người.
 Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội chính phủ Ai Cập cuối tuần trước đã làm chết ít nhất 50 người.
Quyết định cắt khoản tài trợ trị giá khoảng 260 triệu USD của Mỹ cho chính phủ lâm thời Ai Cập được đưa ra 4 tháng sau khi Tổng thống được bầu Mohammed Morsi của Anh em Hồi giáo bị lật đổ.