Nỗi niềm dâu trưởng

Dâu trưởng hay dâu thứ đều quan trọng nếu biết dung hòa các mối quan hệ và trách nhiệm gia đình.

“Thời xưa, vợ chồng con trai trưởng luôn được cha mẹ, dòng họ xem trọng và đặt nhiều kỳ vọng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải gánh trọng trách và nghĩa vụ nặng nề, đặc biệt là nàng dâu trưởng. Trong xã hội hiện đại, trách nhiệm của dâu trưởng đã bớt nặng nề hơn nhưng chưa phải là đã hoàn toàn được xóa bỏ” - bà Hoàng Thị Mỹ Vân, Trung tâm Tư vấn tình cảm tình yêu và giới tính T&K (TP HCM), nhận định.
Trăm dâu đổ đầu… dâu trưởng
Tán đồng ý kiến của bà Vân, chị Thư (ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) tâm sự: Hơn 10 năm về nhà chồng, chị chưa ngày nào được ung dung, nhàn tản chỉ vì làm dâu trưởng. Gia đình chồng là trưởng tộc, chồng chị là cháu đích tôn. Vì thế, chị phải chung vai với cha mẹ chồng gồng gánh việc gia đình, dòng họ. Quanh năm không tháng nào không có giỗ, thậm chí có tháng tới 3-4 đám, nên chỉ cần nghĩ đến là chị đã thấy “oải”. “Vợ chồng tôi là công nhân viên, kinh tế eo hẹp nên cứ nghĩ đến các khoản đóng góp, giỗ chạp là xanh xám cả mặt mày” - chị Thư thổ lộ.
Tuy không sống cùng gia đình chồng nhưng chị Uyển (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng không thoát khỏi trách nhiệm của nàng dâu trưởng. Là con trưởng nên mọi khoản đóng góp để lo việc gia đình, bao giờ vợ chồng chị cũng phải chủ động và gánh phần nhiều nhất. Mới đây, cha chồng chị ở Nghệ An gọi điện thoại báo tin chuẩn bị xây nhà thờ họ, dự trù kinh phí trên 200 triệu đồng. “Chi phí mua gỗ hết 70 triệu đồng, bố mẹ sẽ lo. Phần còn lại, bố nhờ vợ chồng con và 2 em hỗ trợ. Bố mẹ già rồi, không làm gì ra tiền nhưng xây nhà thờ họ là việc đại sự không thể không làm con ạ”- bố chồng chị nhắn nhủ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
“Nói khéo là 3 anh em đóng góp nhưng bố chồng tôi thừa biết 2 người em chồng không có khả năng, chủ yếu đẩy trách nhiệm cho vợ chồng tôi bởi đây không phải là lần đầu. Vợ chồng tôi chẳng dư dả gì nên vừa cúp điện thoại, bực quá tôi phán luôn: “Người sống còn chưa có chỗ ăn ở đàng hoàng mà lo cho người chết. Không có tiền thì làm vừa phải thôi, ông bà cứ đua đòi cho con cái khổ”. Nghe xong, chồng tôi lên tiếng bênh bố, thế là xảy ra trận cãi vã kịch liệt” - chị Uyển nhớ lại.
Hóa giải khó khăn
Với chị Thi - nhân viên kế toán của một doanh nghiệp nhà nước tại quận 3, TP HCM - điều khiến cô dâu trưởng như chị cảm thấy áp lực nhất chính là chuyện phải sinh được con trai “nối dõi tông đường”. Sau nhiều lần cố gắng “canh me” con trai, kết quả anh chị thu được 2 “ả vịt trời”. Đều là viên chức nhà nước, nếu tiếp tục sinh con thì con đường sự nghiệp của vợ chồng chị coi như “đứt gánh”. “Chúng tôi thuyết phục các cụ chỉ cần nuôi dạy tốt, 2 đứa con gái hơn hẳn cả thằng con trai. May mà các cụ hiểu ra, không còn thúc ép nữa” - chị Thi bày tỏ.
Sau những năm làm dâu vất vả, hiện cuộc sống của chị Thủy (ngụ tại quận 11, TP HCM) đã dễ thở hơn vì nhận được sự cảm thông của gia đình chồng. Chị Thủy tâm sự: Ngày đầu làm dâu, đứng trước cả núi việc và trọng trách nặng nề của dâu trưởng, chị rất sốc nhưng rồi không còn cách nào khác là phải cố gắng hòa nhập và làm thật tốt để ghi điểm với nhà chồng.
Vốn giỏi nội trợ từ thời con gái, chị Thủy tổ chức các mâm cỗ giỗ chạp một cách gọn gàng khiến gia đình chồng hài lòng. Khi giành được sự tin tưởng của nhà chồng, chị nhờ cả chồng vào cuộc để thuyết phục gia đình thỉnh thoảng thuê người nấu nướng để chị và mọi người trong nhà đỡ vất vả. Với cách nói thấu tình đạt lý, chị đã nhận được cái gật đầu của cả gia đình nhà chồng.
Sẻ chia trách nhiệm
“Quen với cuộc sống hiện đại, nhiều chị em sẽ cảm thấy áp lực lớn khi đảm đương chức dâu trưởng theo quan niệm truyền thống. Để hóa giải điều này, dù là dâu trưởng hay dâu thứ, chị em phải biết dung hòa giữa các mối quan hệ và trách nhiệm gia đình. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong gia đình nên chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ nhau, không nên chỉ dồn hết trách nhiệm cho dâu trưởng” - bà Hoàng Thị Mỹ Vân nhìn nhận.

“Ly thân” vì… trái bóng

Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”.

Ai bảo tôi quê, tôi chịu, nhưng tôi vẫn khẳng định mình không thích bóng đá và thật sự bực bội với World Cup. Từ ngày thấy chồng tháo bức tranh yêu thích của tôi trên tường để dán lịch thi đấu World Cup lên, tôi bực và thấy... khó ở ghê gớm.

Tôi phải chịu đựng chồng ba mùa World Cup và tôi biết lần thứ tư này cũng chẳng có gì sáng sủa. Giải bóng đá này thường diễn ra vào giờ rất oái ăm là giữa đêm. Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”. Đã thế, sinh hoạt của hai mẹ con tôi còn bị đảo lộn nghiêm trọng.

Căn nhà cấp 4 của tôi không tách biệt được âm thanh giữa phòng khách và phòng ngủ. Đến mùa World Cup, chồng biết thân biết phận, ôm gối ra phòng khách xem bóng đá và ngủ luôn. Tôi vốn khó ngủ, nên dù chồng có để âm thanh rất nhỏ, tôi vẫn nghe thấy. Cuối cùng, chồng cũng nhượng bộ tắt âm thanh, nhưng “khuyến mãi” thêm câu lầm bầm: “Coi đá banh mà không được nghe tiếng, cứ như ăn thịt chó mà không có mắm tôm”. Dù để ti vi "câm" nhưng mỗi khi gặp tình huống gay cấn chồng tôi lại nhảy cẫng lên, hét to. Dù chỉ hét một tiếng rồi im bặt, nhưng đủ làm cho tôi tỉnh giấc. Có lần, nửa đêm, mệt mỏi lại mất ngủ, “bản tính đàn bà” trong tôi nổi lên. Tôi cằn nhằn, giận dỗi, nhưng chồng tôi cứ như “giả điếc”, vẫn cắm mắt vô màn hình ti vi. Tôi không kiềm chế được, tắt phụp ti vi, ném remote vỡ tan. Rõ ràng là tôi đã quá đáng, vượt qua sức chịu đựng của chồng, nên anh nổi giận, lời qua tiếng lại. Sau trận cãi vã lúc nửa đêm, chồng tôi chốt lại: “Từ mai không coi bóng đá nữa”. Vậy mà, hôm sau anh đi làm về, tay cầm remote mới, đon đả lấy lòng vợ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cái món bóng đá ấy không chỉ ảnh hưởng đến gia đình trong lúc trận đấu diễn ra, mà còn khiến chồng tôi như người mất hồn, đờ đẫn suốt cả ngày. Buổi tối, cả nhà cùng ăn cơm, mặc cho vợ lụi hụi nấu nướng vất vả, anh cầm đũa hờ hững, mắt dán vào ti vi để xem tin tức World Cup. Con gái thấy vậy, nhắc: “Trong lúc ăn cơm, ba không được xem ti vi, ba dạy con vậy mà”, "quê độ" kèm bực bội (do đội nhà bị thua tan tác) nên anh cứ thế mà quát con. Có lúc nửa đêm, tôi đang ngủ, bị... khều dậy, tưởng gì, hóa ra “anh đói quá, cho anh cái gì ăn tạm”. Tôi phải bò dậy nấu nướng, nấu xong lại càng mất ngủ. Được vài hôm đầu chịu khó chăm sóc chồng, sau đó tôi bỏ mặc, không kham nổi.

Cả nhà đi chung một chiếc xe nhưng vào mùa World Cup, con gái trễ giờ học, vợ trễ giờ làm vì chồng tôi dậy không nổi, ngáp lên ngáp xuống. Có hôm anh ấy còn đòi nghỉ làm để ở nhà… ngủ! Tôi chưa từng có ý nghĩ, một người vốn chăm chỉ, nghiêm túc trong công việc như chồng tôi lại có thể xin nghỉ phép để ngủ! Tôi nhất quyết không đồng ý, bắt chồng phải đi làm. Có hôm, anh ấy kể, vì quá buồn ngủ nên đã ngủ gục một giấc dài trong nhà vệ sinh cơ quan. Không thể tưởng được!

Tôi không hiểu về bóng đá, nên không biết bóng đá hấp dẫn đến mức nào, nhưng theo cách nghĩ kiểu “đàn bà bé mọn” như tôi, đó cũng chỉ là một môn giải trí, như tôi ghiền phim Hàn là cùng chứ gì! Tôi ghiền phim Hàn nhưng nếu phim chiếu quá trễ, tôi có thể bỏ phim để bảo đảm giấc ngủ; cớ sao chồng tôi bỏ một trận bóng đá mà vật vã như thế?

Tôi biết World Cup bốn năm mới có một lần, nhiều người mong chờ để được thưởng thức. Nhưng, tại sao chỉ vì môn giải trí, mà một người đàn ông vốn sống tình cảm, có trách nhiệm với vợ con lại trở thành một người hoàn toàn khác như vậy? Những giận hờn, khúc mắc thường ngày của hai vợ chồng, những căng thẳng trong công việc của vợ cứ chất chồng ngày nọ qua ngày kia, chẳng có dịp chia sẻ, tháo gỡ. Mỗi khi tôi tỏ ý khó chịu và muốn chồng dành thời gian để trò chuyện, anh ấy vẫn không rời mắt khỏi màn hình ti vi, còn tỏ vẻ khó chịu. Tôi phát hiện, World Cup còn khiến chồng tôi bẳn tính ra.

Chán nản, tôi chẳng buồn trò chuyện, hỏi han, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng nữa. Chồng tôi cũng vậy, chỉ quan tâm đến thông tin cầu thủ, kết quả trận đấu hơn là việc hôm nay vợ buồn hay vui. Hai vợ chồng chẳng khác nào đang ly thân.

Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ hiểu được vì sao đàn ông mê xem bóng đá đến vậy. Tôi chịu đựng hết mùa World Cup này đến mùa World Cup khác, chỉ còn biết ngồi đếm cho một tháng World Cup trôi qua thật nhanh. Giờ thì nó chỉ mới bắt đầu. Có cách nào để giúp chồng tôi vừa xem bóng đá vừa để mắt đến vợ con không nhỉ?

Lưỡi tầm sét của người con gái đẹp

Cảm ơn em, bà mối thật mát tay. Những kỷ niệm ấy chợt ùa về khi anh nhớ ra rằng ngày này 8 năm trước, anh đã bị sét đánh…

Hôm qua đứng trú mưa dưới mái hiên một căn nhà, nghe người đứng bên cạnh kể chuyện ai đó đi làm ruộng bị sét đánh nhưng không chết, anh không nhịn được cười và liên tưởng đến chuyện của mình.

Anh cũng là người bị sét đánh mà không chết. Nhưng lưỡi tầm sét đánh trúng anh không phải của thiên lôi mà là của một người con gái đẹp. Tám năm rồi phải không em?

Em sẽ chẳng bao giờ biết được có dạo anh ghét em ghê gớm và cho rằng em chính là nguyên nhân những khổ đau, ê chề của mình. Lần đầu gặp nhau, anh nhìn em không phải bằng mắt mà bằng trái tim của mình. Sau này, anh hay tự hỏi: Người phụ nữ đứng trước mặt mình sao duyên dáng, nhẹ nhàng, đáng yêu như vậy? Chỉ cần được đứng gần hoặc chạm nhẹ vào người ấy chắc cũng hạnh phúc lắm. Thế mà hạnh phúc với anh còn nhiều hơn thế. Em đã đến bên cạnh, mỉm cười và chìa tay ra. Ôi, bàn tay mềm mại, ấm áp làm sao! Anh bối rối nắm lấy và quên cả phép tắc lịch sự là phải buông ra…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Lần ấy anh đã trúng lưỡi tầm sét chứ không phải mũi tên của thần tình yêu. Những ai đã từng biết anh đều ngạc nhiên bởi anh vốn nổi tiếng là người nhát gái và lạnh lùng. Chính em đã làm cho anh trở thành cuồng nhiệt, mạnh bạo và… đường đột. Anh đã tìm em và nói yêu em bởi anh sợ nếu mình chậm chân sẽ có người đến trước.

Thế nhưng, câu trả lời dành cho anh là “em đã có người yêu và sắp sửa làm đám cưới”. Có lẽ thấy quá tội nghiệp nên em đã làm mai cô bạn thân cho anh. Thoạt đầu anh rất tức giận nhưng sau đó, anh nhận ra em có một trái tim bằng vàng. Mối lương duyên em đặt vào tay anh mới chính là diễm phúc của đời anh.

Cảm ơn em, bà mối thật mát tay. Hôm nay, những kỷ niệm ấy chợt ùa về khi anh nhớ ra rằng ngày này 8 năm trước, anh đã bị sét đánh…