Ảnh hưởng tâm lý học sinh
Kiến Thức liên tiếp nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh về việc họ cũng rơi vào tình trạng phải ký đơn tự nguyện không thi vào lớp 10 tại Hà Nội sau khi bài viết "Hà Nội: Nhà trường vận động học sinh học lực yếu không thi vào lớp 10".
![]() |
Ảnh minh họa. |
“Dù gia đình đã xác định từ trước việc cho con học dân lập nhưng cuối năm cô giáo đưa đơn bảo ký cũng rất chạnh lòng. Bởi con trẻ, dù không học giỏi nhưng tâm lý vẫn muốn thử sức cuộc thi, được hòa nhịp cùng bạn bè, lo ngại tình trạng các bạn dè bỉu do học kém nên không được thi. Tôi thấy mình cũng vô tâm, “nhường” quyền quyết định của con cho nhà trường và nay rất tiếc nuối” - một phụ huynh này chia sẻ.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được nhiều phản ánh về việc có những trường đã bằng nhiều hình thức như vận động phụ huynh chuyển trường cho con ngay đầu năm nếu học sinh học kém, hoặc trường hợp phụ huynh không thỏa thuận theo đúng ý trường sẽ cho con đúng học lực (thường là học yếu, kém) để ở lại lớp, và tất nhiên, trường hợp này cũng không được thi vào lớp 10.
Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia tâm lý cho hay, hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông định nghĩa rất rõ: 9 năm cơ bản, 3 năm hướng nghiệp. Và mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát biểu, phải bỏ tư duy bằng cấp để chuyển sang cơ chế tuyển dụng kỹ năng.
Việc định hướng, phân luồng cho các em học sinh, đặc biệt đối với học sinh lớp 9 là rất quan trọng. Những em không có khả năng học lên cao thì sẽ đi học nghề. Không phải đất nước không cần người có bằng cấp cao, ngược lại đất nước rất cần nhân lực trình độ cao.
Tuy nhiên, tình trạng học cao nhưng thất nghiệp hoặc không làm đúng ngành nghề, chuyên môn kỹ thuật sẽ phổ biến nếu không phân luồng tốt. Cơ cấu nhân lực quốc gia sẽ mất cân đối nếu ai cũng vào đại học.
Thực tế, hằng năm có hàng trăm ngàn các em học hết lớp 9 nhưng không vào cấp 3 cũng không đi học nghề. Số lượng này nếu thiếu sự quan tâm của xã hội và gia đình thì dễ bị khủng hoảng và rơi vào các bẫy tệ nạn xã hội.
Cho nên, câu chuyện phân luồng là rất quan trọng. Tuy nhiên, tư vấn để các em lựa chọn khác với vận động hay ép buộc. Sự việc nhà trường vận động học sinh học lực yếu không thi vào lớp 10, thậm chí là “ép”, nếu đúng như báo chí phản ánh là không nên.
Vì như vậy, sẽ khiến các em cảm thấy bị tổn thương, tạo cảm giác luôn tự ti và ảnh hưởng tâm lý các em về lâu dài sau này. Nhất là các em có ước mơ, hoài bão tiếp tục học lên. Điều đó cũng hé lộ công tác phân luồng trong nhà trường phổ thông hiện nay chưa tốt.
Đây là sự việc cần rút kinh nghiệm, và có sự nhìn nhận lại trong công tác phân luồng của chúng ta hiện nay.
Xâm phạm quyền học tập của học sinh
Ở góc độ pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, giáo dục là một trong những chính sách hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Quyền được học tập là một trong những quyền cơ bản của các em được pháp luật Nhà nước ta quy định. Quyền học tập là một quyền tối quan trọng, là loại quyền trong lĩnh vực văn hóa và liên quan đến tất cả các quyền kinh tế, xã hội.
![]() |
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, Luật Giáo dục nêu rõ: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.
Với những quy định nêu trên cho thấy quyền được học tập, quyền được bình đẳng, công bằng trong giáo dục đã là những quyền của các em mà nhà trường, thầy cô hay bất kỳ người lớn nào không được phép xâm phạm.
Do đó, việc “bắt” các em hay phụ sinh phải ký phải viết vào những đơn xin tự nguyện không tham gia thi là xâm phạm đến các quyền của các em.
Hơn nữa, mục tiêu của giáo dục không phải là thành tích, không phải là chọn những em có học lực tốt để vào trường mình.
Thay vào đó, với tấm lòng rộng mở của thầy cô có thể giúp các em nên người. Từ những học trò lười biếng, quậy phá trở thành những trụ cột của đất nước. Đó mới là tính nhân văn của nghề giáo. Thầy cô đừng để dư luận phải đặt câu hỏi, giáo viên hay phù thủy, nghe rất đau lòng!.