Ngột ngạt vì người yêu quá keo kiệt

(Kiến Thức) - Bạn trai em xét trên mọi phương diện đều ổn, ngoại trừ mỗi việc anh ấy quá tiết kiệm, đến mức gần như keo kiệt.

Bạn trai em xét trên mọi phương diện đều ổn, ngoại trừ mỗi việc anh ấy quá tiết kiệm, đến mức gần như keo kiệt. Đi chơi với em, anh hà tiện đã đành, với bạn bè lại càng tính toán, ăn uống không bao giờ chủ động mời, nếu có đi chơi chung thì cũng tìm cách lẩn trốn để khỏi phải trả tiền. Xấu hổ nhất là lần mẹ em ốm, anh tới chơi mang theo một túi cam vàng héo. Em góp ý nhiều lần, nhưng anh lại chê trách em hoang phí, anh làm thế cũng vì tương lai hai đứa. 
Quả thực, anh mua được nhà, có được chút vốn kha khá... cũng là điều mà không phải chàng trai tỉnh lẻ nào lên thành phố cũng làm được. Nhưng ở bên anh ấy em thấy rất ngột ngạt về chuyện tiền bạc, dù không túng thiếu. Em không biết do em đặt tiêu chuẩn quá cao về người yêu, hay anh ấy thực sự có vấn đề? - Nguyễn Hải Yến (Nam Định).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hải Yến thân, trong lúc nhiều cô gái phải đau đầu vì chuyện người yêu tiêu  pha hoang phí, không biết lo toan cho tương lai thì việc bạn trai em chỉn chu, có ý thức tiết kiệm là một điều rất đáng quý. Tuy nhiên, cái gì quá thì lại dễ chuyển sang thái cực khác. 
Việc bạn trai em quá coi trọng đồng tiền, vì nó mà biến thành người kém trong ứng xử, giao tiếp... thì anh ấy đã phần nào bị đồng tiền điều khiển mất rồi. Anh ấy có nhà, vốn liếng, tiền bạc không túng thiếu... nhưng liệu vật chất ấy có ý nghĩa gì với em khi nó chẳng mang lại cho em niềm vui, hạnh phúc, ngược lại chỉ là sự ngột ngạt? 
Cuộc sống hôn nhân kéo theo nhiều mối quan hệ chung của cả hai người, nếu thời điểm này em đã không chịu được cách hành xử của anh ấy thì chắc chắn sau này sẽ là những mâu thuẫn liên miên. Đây không thuộc vấn đề về tiêu chuẩn em ạ, mà là sự xung đột trong quan điểm sống, nếu không thể dung hòa được thì em hãy cân nhắc cho sự dừng lại. 

Vợ chồng nhà hàng xóm

Hình ảnh ông chồng hàng xóm đẹp trai, lịch lãm, chiều vợ… lướt qua nhưng không còn long lanh trong tâm trí chị nữa.

Nhà hàng xóm mới chuyển đến, cửa sổ gần ban công dường như rất ít khi đóng. Ngoài ban công có mấy chậu hoa nho nhỏ, xinh xinh.

Buổi tối, hai vợ chồng trẻ thường ngồi đó uống trà. Họ trò chuyện, cười đùa, có khi còn hôn nhau đắm đuối.

Ngày nghỉ, cô vợ mang quần áo lên phơi, anh chồng đứng bên cạnh. Ngày lễ, anh chồng đi làm về ôm một bó hoa nhìn đã thấy mê. Cô vợ đón chồng ở cổng ngất ngây với hoa và những nụ hôn.

Trước đây thì ít nghĩ, nhưng từ khi nhà hàng xóm dọn đến, nhìn sang chị bỗng cảm thấy chạnh lòng.

Chồng người chu đáo, ga-lăng, lãng mạn là thế, ai lại dùi đục như chồng mình. Không còn là vợ chồng son nhưng cũng đâu đã già, vậy mà nhiều khi muốn nhõng nhẽo hay bày đặt hẹn hò với chồng cho cuộc sống bớt nhàm chán, đơn điệu, chị lại bị mắng là vẽ chuyện, rỗi hơi. Bật ti vi thấy bộ phim hay rủ chồng xem cùng thì chồng chẳng thèm ngó, phán luôn: Mấy cái phim Hàn sến hết chỗ nói, coi làm chi cho mất thời gian. Rồi chồng bỏ vào phòng trong bật ti vi xem bóng đá. Ngày thì mải miết với công việc, tối về mỗi người ôm một cái ti vi, cứ như thể chẳng liên quan gì đến nhau.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Buổi chiều đi làm về, vô tình nhìn thấy chồng hàng xóm chở vợ đến spa làm đẹp. Lại nghĩ đến chồng mình mà ngậm ngùi. Cả ngày đi làm vùi đầu vào máy tính, về nhà con cái, cơm nước đủ việc, chẳng còn thời gian tập tành mấy bài thể dục cơ bản. Hôm rồi bước lên cân, phát hoảng mới lên kế hoạch ăn kiêng. Cũng chẳng tốn tiền, cũng không mất thời gian vậy mà chồng cáu: Béo một chút có chết ai mà em phải hành cái thân cho khổ. Mua cái váy diện cho chồng ngắm thì nhận được cái lắc đầu: Mặc bó sát người như thế thì thở làm sao được? Ấm ức chị tự hỏi: Không hiểu sao ngày xưa mình lại chọn ông ấy làm chồng.

Chán! Từ đấy cũng chẳng muốn thay đổi chồng nữa, mỗi ngày cứ để cuộc sống nhạt nhẽo tự trôi qua. Nhưng, từ ngày nhà hàng xóm dọn đến, cứ mỗi lần mở cửa trông sang, trong lòng lại trỗi dậy những ao ước...

Bẵng đi mấy hôm, không thấy cửa sổ nhà hàng xóm mở. Cổng ngoài cũng khóa lạnh tanh. Nghĩ chắc vợ chồng họ đưa nhau đi du lịch rồi. Trong đầu lại nảy ra so sánh: Cũng là phụ nữ, sao người ta an nhàn, sung sướng thế kia? Cách nhau có một bức tường mà sao cuộc sống khác nhau nhiều đến thế?

Chiều muộn đi làm về thấy nhà hàng xóm treo biển bán nhà. Không hiểu sao có chút hụt hẫng. Bác hàng xóm cạnh nhà chạy sang mượn cái bật lửa, tiện thể đứng lại buôn mấy câu: Đúng là đời chả biết thế nào. Hôm trước thấy vợ chồng vẫn ríu rít bên nhau mà hôm nay đã đưa nhau ra tòa. Nghe phong thanh anh này có bồ nhí, còn có cả con riêng.

Đứng lặng người lúc lâu. Hình ảnh ông chồng hàng xóm đẹp trai, lịch lãm, chiều vợ… lướt qua nhưng không còn long lanh trong tâm trí chị nữa. Lại nhớ đến lời nhắc khéo của chị đồng nghiệp cùng phòng: Gỗ sơn trông bóng loáng nhưng chắc gì đã bền. Đừng có trông sang cái ban công nhà hàng xóm rồi mơ nọ, ước kia. Hãy nhìn vào nhà mình xem, cái gì dùng lâu mà chẳng cũ, có khi còn bám đầy bụi bặm. Lo mà lau dọn và tân trang lại đi, chỗ nào tối và lạnh thì thắp đèn và treo tranh lên cho nó ấm áp, sẽ thấy nhà mình cũng đẹp lung linh đấy.

Ngoại tình “trả thù” vợ từng yêu nhiều

Chị nhẹ nhàng bảo ban thì anh lôi chuyện ngày xưa ra và bảo đang cố gắng để được “trải nghiệm” như chị. Chị đành ngậm đắng, nuốt cay...

Chị lấy anh khi đã vào tuổi 30 và đang là giảng viên một trường đại học. Anh, người cùng quê, bộ đội phục viên, tay trắng không nghề nghiệp. Chị không xinh nhưng đằm thắm, trước anh đã có mấy cuộc tình với những người là cán bộ hay trí thức mà đều không thành, chẳng có lý do nào rõ ràng cả. Đến khi quá lứa, nhỡ thì, chị chấp nhận lấy anh – một người đàn ông cục mịch, chưa hề có một mảnh tình vắt vai.

Cưới xong, chị đưa anh về thành phố, ban đầu là làm bảo vệ ngay trong trường chị. Vừa làm vừa học, đại học rồi cao học, khi đứa con đầu lòng học xong tiểu học thì anh cũng lấy bằng thạc sĩ. Thế là, từ cái bằng tốt nghiệp trung học phổ thông bổ túc trong quân đội, anh đã trở thành một giảng viên đại học tư thục.

Ở địa vị mới này, anh khác hẳn so với những ngày bám váy vợ khi xưa, luôn luôn tỏ ra trịch thượng với vợ, bắt vợ hầu hạ từng ly, từng tý, nhất là trước mặt mọi người thì càng khẳng định vị thế người chồng của mình. Không những thế, anh còn có những quan hệ “ngoài luồng”, ban đầu còn giấu giếm, sau bị vợ phát hiện thì công khai.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Biết chị trải qua nhiều mối tình trước đó nên khi chị nhẹ nhàng bảo ban thì anh lôi chuyện ngày xưa ra và bảo đang cố gắng để được “trải nghiệm” như chị. Chị đành ngậm đắng, nuốt cay giữ cho gia cảnh ấm êm. Người ngoài nhìn vào ai cũng bảo anh chị hạnh phúc, nhà cửa, con cái đàng hoàng, hai vợ chồng đều là giảng viên đại học. Chị còn được bạn bè kính phục vì nuôi dạy chồng “mát tay”!

Lương giảng viên đại học chẳng được bao nhiêu, anh thuộc loại giảng viên mà chẳng ai muốn mời thỉnh giảng mà chi phí cho các cuộc tình thì nhiều nên anh lấy tiền của vợ. Thoạt đầu thì ăn cắp, sau đó thì ngang nhiên đòi phải nộp, thậm chí tiền chị đưa cho anh nộp học cho con anh cũng tiêu mất.

Bố mẹ anh ở quê lâu không thấy chị gửi tiền về thì giận dỗi, trách móc, bảo từ mặt chị. Anh chớp cơ hội, đưa cô gái trẻ về quê, quà cáp cho bố mẹ mình, các cụ càng tin là anh thực tài, chẳng những làm nên sự nghiệp mà con gái trẻ đẹp còn khối đứa theo. Anh lừa đảo bà con láng giềng và cả anh em họ hàng chạy việc cho con cháu họ, cầm tiền rồi không làm gì cả. Việc vỡ lở, chị phải vay mượn bạn bè trả cho người ta.

Chị tốt đến như thế mà vì sao lại quá cô độc? Bố mẹ chị cũng lạnh nhạt từ khi chị lấy chồng và nuôi chồng như con, ít quan tâm đến các cụ. Ngay cả hai đứa con cũng quý bố mới lạ, chúng nó a dua với bố, coi mẹ như người hầu.

Tại sao chị phải nhẫn nhục như thế? Chỉ có chị là biết nguyên nhân thôi, cái nguyên nhân ấy thật khó giãi bày và nói ra thì sẽ không ai thông cảm, sẽ coi chị là loại đàn bà hám hố sắc dục, quan hệ lăng nhăng từ gã xe ôm đến lão trưởng khoa! Mà khốn thay, những chuyện ấy chồng chị đều biết và anh ta lấy đó làm nguyên cớ cho sự “trả thù”!

Tủi phận lấy phải chồng giàu mà “keo“

Chồng em hơn em 9 tuổi, anh ấy là giám đốc một công ty, thu nhập tốt. Còn em là nhân viên văn phòng trong cơ quan nhà nước, lương chẳng đủ tiêu. Chính vì vậy mà sau khi em sinh con, chồng em đề nghị em không đi làm nữa, ở nhà chăm con.

Anh ấy bảo tiền thuê ôsin chăm con còn cao hơn lương đi làm của em mà lại không yên tâm. Nghe chồng nói có lý, em đồng ý. Nhưng giờ đây, em thấy nuối tiếc vì đã quyết định quá vội vàng.

Mọi việc chi tiêu trong gia đình và cả cho bản thân, em hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Đôi khi muốn mua biếu bố mẹ, anh chị em mình một món quà cũng phải hỏi xin anh ấy.

Chồng em kiếm được nhiều tiền, nhưng lại khá chi li, anh ấy nói cần phải tiết kiệm cho những rủi ro, mỗi tháng chỉ đưa em một chừng mực nhất định. Em rất muốn đi làm nhưng em chẳng biết bắt đầu từ đâu, em nghỉ quá lâu rồi, cảm giác như người tụt hậu vậy, vả lại chồng em cũng phản đối, vì giờ em đã có thêm bé thứ 2.

Xin hãy cho em lời khuyên 

(Nguyễn Thúy Quỳnh - Việt Trì, Phú Thọ).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 

Thúy Quỳnh thân, trong thư em không nói rõ hai cháu nhà em đã được mấy tuổi rồi, có đi học mẫu giáo không? Thực ra, có không ít những gia đình chỉ người chồng đi làm, còn vợ ở nhà đảm nhận việc nội trợ. Nó tùy vào hoàn cảnh và sự thỏa thuận, phân công công việc giữa hai vợ chồng, nhưng quan trọng là phải có được sự vui vẻ, thoải mái.

Trường hợp của em, em định đi làm trở lại chỉ vì muốn được tự chủ về kinh tế, thì em có thể nói rõ với chồng lý do để xem ý anh ấy thế nào. Nếu thực sự muốn em ở nhà chăm sóc các con, thì anh ấy có thể cân đối lại mức tiền đưa cho em, để em cảm thấy được thoải mái, tự do hơn trong việc chi tiêu. Còn nếu không, em hãy "thương thuyết" với chồng về việc sắp xếp trông nom hai bé, có thể là cho đi học hoặc mướn người giúp việc... để em đi làm.

Việc nghỉ quá lâu khiến em cảm thấy bỡ ngỡ thời gian đầu, nhưng em yên tâm, chỉ cần tìm được việc làm, em sẽ nhanh chóng thích nghi thôi. Chúc em vui.BÀI ĐỌC NHIỀU