Nếu anh không đến

Quẩn quanh trong em những loay hoay tự dối gạt mình, rằng có dám đón nhận tình yêu hay không, đó mới là quan trọng.

Nếu anh không đến, thì em đã yên tâm với nỗi cô đơn mặc định của mình. Em sẽ thanh thản hơn nhờ liều thuốc thời gian nhiệm màu xoa dịu những tổn thương ngày cũ. An nhiên mà sống là cách em buộc mình phải lựa chọn; dẫu trong thâm tâm em vẫn tin ở đâu đó có người đợi em. Ừ thì, anh sát gần bên thôi, do em chưa kịp nhận ra, hoặc có khi anh thuộc về thì tương lai, em phải tiến về phía trước để số phận cho ta cơ hội gặp gỡ. Bao lâu rồi, em băn khoăn tự hỏi, thành phố bé thế thôi, sao em tìm hoài vẫn không thấy anh?
Nếu anh không đến, em đã chẳng phân vân xem mình có nên dấn vào cuộc yêu thêm lần nữa hay không. Dường như đã lâu lắm, em không còn cảm giác phải đối diện với con tim, yêu ghét, được mất, đắn đo, sợ hãi. Toan tính vốn không có trong tự điển tình yêu của riêng em. Đơn giản bởi em sợ. Những đớn đau cũ là quá nhiều, đủ để em lảng tránh mọi săn đón, mời mọc. Chân tình trốn ở nơi nao? Em e dè cả trước những dịu ngọt.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tình yêu giống như một bài văn. Có mở đầu, có đoạn giữa. Và sau đó là gì, anh nhỉ? Một dấu chấm hết chăng? Hay là một cái dấu ba chấm buộc phải chờ đợi, mỏi mòn, dấn mình vào đấy, đốt cháy bản thân dù đã chẳng còn quá bé bỏng để dại khờ?
Nếu anh không đến, em vẫn chưa bao giờ tin rằng, cuộc sống của mình sẽ kết thúc trong đều đặn tẻ nhạt, trong cà phê sáng ở căn tin công ty, trong những bữa cơm văn phòng đủ dinh dưỡng nhưng chẳng ngon lành gì; trong đôi lần tụ họp bạn bè; trong những dịp hội hè đình đám, đông vui và náo nhiệt. Chỉ riêng em biết tâm hồn đã lặng lẽ rời đi nơi khác mất rồi. Không, em không thể tin cuộc sống của em, đoạn đường em đi một mình ấy, sẽ kéo dài suốt kiếp, rằng chỉ có vậy thôi…
Dù có lúc nghe thiên hạ bâng quơ ở sân ga nào ba chữ “đợi tình nhân”, em thấy mình chạnh lòng ghê gớm. Ừ thì, em tự an ủi, có người hẹn em cuối phương trời. Là anh đấy mà! Chỉ là ta chưa đến lúc gặp được nhau. Em tự nhủ, mình hãy sống vui, lạc quan, yêu đời, giữ mái tóc làn da, giữ đôi môi nụ cười, giữ cuộc đời mình cho cái ngày đương nhiên sẽ đến ấy. Khi ta nhìn thấy nhau.
Ta mới gặp nhau được đôi lần, chỉ kịp lướt qua nhau, vội vàng, vương vấn, e ngại. Nhưng, cũng đủ để em mơ hồ trong lòng cảm giác: người đàn ông ấy, vốn chẳng phải em chủ đích đi tìm, cuối cùng, đã đến. Nhìn vào mắt anh, em hiểu lời yêu kia chẳng cần phải nói ra chúng ta cũng đều đã biết. Chưa kịp yêu nhau đâu, sao em đã vội lo, giông gió của những ngày tháng trước mặt, em biết lấy gì để dựa vào? Quẩn quanh trong em những loay hoay tự dối gạt mình, rằng có dám đón nhận tình yêu hay không, đó mới là quan trọng.
Anh biết không, dù có thế nào, em mãi mãi vẫn là cô gái tin vào hai chữ “nhân duyên”…

Chồng nói chỉ yêu vợ cũ

(Kiến Thức) - Cuộc hôn nhân này lại đem tới cho em quá nhiều bất hạnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc anh không quên được vợ cũ.

Anh ấy đã từng có một đời vợ. Khi em quyết định lấy anh ấy, cả nhà em ai cũng can ngăn, đặc biệt là mẹ em, bà khóc lóc, buồn phiền đến nỗi phải nhập viện. Vì tình yêu, em đã vượt qua bao khó khăn. Nhưng không ngờ, cuộc hôn nhân này lại đem tới cho em quá nhiều bất hạnh. Nguyên nhân xuất phát từ việc anh không quên được vợ cũ. Anh đã ly hôn vợ vì lý do chị ngoại tình. 
Giờ chị ấy nhận ra sai lầm, quay về, xin anh tha thứ và họ lén lút liên lạc với nhau. Khi em phát hiện ra, em chỉ mong anh ấy chối, hoặc cầu xin em tha thứ cho phút yếu lòng nhất thời. Nhưng anh ấy lại thừa nhận, rằng người anh ấy yêu chỉ là chị ấy thôi, anh không thể bỏ chị ấy. Giờ em vô cùng bấn loạn. Em không muốn ra đi trong cảnh bại trận thế này, em không còn mặt mũi nào nhìn bố mẹ em. Mà sống trong cảnh chồng chung em như chết từng ngày - Hoàng Hương Lan (Nghệ An).

Chịu “nhục” để tiến thân

Nay anh phải có một người vợ tương xứng với anh, có đâu “đốt đời” với một bà vợ vừa già, vừa xấu, vừa vô dụng thế này…

Khi chúng tôi mới biết nhau, chồng tôi là anh sinh viên trường y sắp tốt nghiệp, nghèo kiết xác, không có ai thân thích ở thành phố này. Tôi cảm phục ý chí và sự cần cù của anh, cộng với thái độ chân thành, không màu mè hình thức của một chàng trai tỉnh lẻ, nên gật đầu làm vợ anh, chẳng màng tới sự theo đuổi của nhiều người đàn ông “môn đăng hộ đối” khác.

Cưới nhau rồi, tôi càng tin mình không chọn lầm. Anh chăm chỉ làm việc, không ngại khó khăn vất vả, lại rất có ý thức học thêm, nâng cao chuyên môn. Ba tôi khi đó là phó giám đốc một bệnh viện lớn, đương nhiên nhận anh về làm việc, hết lòng nâng đỡ. Khỏi phải nói, sức phấn đấu của anh làm ba tôi thật sự hài lòng.

Bảy năm, chúng tôi có với nhau hai đứa con. Nhà anh ở quê được sửa sang lại, em út tiếp tục học hành cũng nhờ có anh chu cấp. Khi anh đủ sức mở phòng mạch tư kiếm sống thì ba tôi đến tuổi về hưu, mừng là con rể có thể vững vàng kế tục sự nghiệp của mình…

Đó cũng là lúc cuộc hôn nhân của tôi rẽ sang một khúc quanh mà có nằm mơ gặp ác mộng, tôi cũng không nghĩ ra: anh bỗng dưng đề nghị ly hôn! Chồng tôi thoắt cái trở mặt, nhanh đến không sao dám tin, mới hôm qua còn qua lại, lễ nghĩa, chu đáo, yêu thương…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Khi chỉ có hai vợ chồng với nhau, anh chẳng ngại ngần gì mà không lật bài bằng những câu cạn tình cạn nghĩa, trơ tráo, vô sỉ. Nào là chấp nhận lấy tôi, nín nhịn chịu đựng tôi chừng ấy thời gian là đủ lắm rồi. Tôi tưởng mình là ai kia chứ, lá ngọc cành vàng à? Chẳng qua lúc trẻ cần một chỗ dựa, một nơi yên ổn để tiến thân nên anh mới phải chịu “nhục” bấy lâu. Nay anh phải có một người vợ tương xứng với vị trí và tài năng của anh, có đâu “đốt đời” với một bà vợ vừa già, vừa xấu, vừa vô dụng thế này…

Con người ta, dường như khi đã bạc thì không bút mực nào tả xiết. Cả nhà tôi bất ngờ khi biết thêm góc khuất nhân cách của một người bấy lâu mình cứ tưởng là hiểu rõ lắm, thân thiết lắm và đối đãi hết lòng. Sự thất vọng ê chề, nỗi đớn đau vì lầm tưởng và bị lợi dụng làm cha tôi suy sụp. Cảm giác ghê sợ, khinh bỉ làm tôi không sao chịu đựng nổi, chỉ mong mau chóng thoát khỏi con người vô ơn, tệ bạc, phản trắc.

Khi nỗi bất ngờ choáng váng qua đi, khi ba tôi đã bình tâm hơn sau cú sốc lật lọng của gã con rể vốn được ông yêu quý chẳng khác con ruột, chúng tôi quyết định sẽ cắt bỏ cái khối u nhọt đó khỏi phần đời còn lại của mình. Chỉ thương hai đứa con nhỏ dại. Thế nhưng, cuộc ly hôn chẳng phải dễ dàng gì, bởi sự trơ trẽn đến tận cùng của người đàn ông vốn có học, từng chịu ơn cha tôi, từng thản nhiên đón nhận sự cưu mang chăm sóc của gia đình vợ nhiều năm dài để yên tâm học hành… Chồng tôi gây khó dễ trong việc đòi chia đôi mớ tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân, cố tình không nhìn nhận căn nhà, cái xe đều do ba tôi sắm sửa cho… Bần tiện đến mức, anh ta đòi mang cả chút nữ trang ít ỏi vốn là quà cưới cho cô dâu ngày xưa ra chia chác…

Thế nhưng, anh ta lại chẳng màng đến hai đứa trẻ luôn níu áo bố. Trong cuộc chiến tranh hơn thua từng chút quyền lợi đó, anh ta hoàn toàn chẳng đả động gì đến hai sinh linh tội nghiệp kia, tựa như chúng chẳng hề tồn tại. Anh ta “trả giá” từng trăm ngàn khi ra tòa thỏa thuận về tài sản. Trước mặt thiên hạ, người từng đầu ấp tay gối với tôi không ngần ngại than nghèo kể khổ, bao nhiêu tiền làm ra lâu nay bị bên vợ “siết” để đầu tư này nọ hết, giờ phải chia đều ra để anh ta bớt bị thiệt thòi!

Con chim ngỡ mình đủ lông đủ cánh đã bạc bẽo bay đi. Cuộc đời nhân quả nhãn tiền, tôi thực tâm không nuôi lòng oán hận, chỉ thương hai đứa con mất cha bởi những tham vọng và toan tính của chính người đã sinh ra chúng. Tôi càng tiếc nuối tình yêu và niềm tin đã đặt sai chỗ, uổng phí tuổi xuân cho một người không xứng đáng…

Tôi mắc kẹt trong cuộc sống ngục tù nhà chồng

Tôi bị mắc kẹt trong cuộc sống ngục tù này, giữa danh phận của con và cuộc sống tự chủ của mình.

Việc tôi và anh chung sống, rồi sinh con, không được người ta xem là một cuộc hôn nhân. Anh ly hôn vợ đã lâu, có ba con và hai cháu nội. Tôi là cô gái 26 tuổi, cảm kích trước sự quan tâm chân thành và sự từng trải của anh. Một thân một mình ở Sài Gòn, tôi tự do đến với anh những đêm anh ốm đau, buồn bã. Dần dà, không cần xe hoa, nhẫn cưới, tôi trở thành nhân tình, rồi thành vợ, thành mẹ của con trai anh.

Nhưng, niềm vui có con chỉ kéo dài được bốn tháng thì anh đột ngột ra đi. Lặn lội bồng con về chịu tang anh, tôi bẽ bàng trước những ánh mắt hoài nghi, ghẻ lạnh của nhà chồng. Họ không coi tôi là dâu, cũng chẳng buồn để mắt đến con trai tôi.

Ngày cãi lời cha mẹ dọn đến ở với anh, tôi đã hết đường trở về nhà. Giờ, biết tôi mất chồng, mẹ chỉ khóc thầm chứ không thể đón tôi về, vì không chịu được áp lực từ cha. Không còn nơi nương tựa, tôi đành quay lại Sài Gòn, thu xếp mọi thứ để trở lại với công việc. Vùi nỗi đau mất chồng vào những đêm thức trắng chăm con, ban ngày tôi lao vào công việc, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhưng, mọi thành quả trong công việc vẫn không làm tôi thoát khỏi cảm giác bất hạnh. Tôi chẳng có gì để chứng minh cho cái gia đình đã từng tồn tại của mình, không giấy đăng ký kết hôn, không ảnh cưới, nhẫn cưới; họ hàng, người quen không ai ghi nhận. Chuyện con mình trở thành một đứa trẻ không cha, phải mang họ mẹ cứ dằn vặt tôi. Tôi lập bàn thờ trong nhà, giữ nguyên vị trí tất cả đồ đạc của anh, mong là những dấu ấn của anh sẽ nói với con trai tôi điều gì đó về cha nó.

Ngày làm tuần 100 ngày của anh, mặc kệ nỗi ám ảnh ruồng rẫy, khinh rẻ, tôi quyết bồng con về dự. Nhưng, mọi thứ đã rẽ sang một bước ngoặt không ngờ. Mấy người chị chồng bu lại cưng nựng thằng bé, đon đả chào đón tôi. Một cụ già ghé mắt nhìn rồi gật gù khen “con giống cha”, tôi vui mừng tưởng như quên hết mọi đắng cay. Các anh chồng còn bàn chuyện làm thủ tục nhận cháu, để con tôi được mang họ cha. Đang trong niềm vui bất ngờ nên khi chị chồng yêu cầu về quê sống cùng anh chị, tôi vui vẻ gật đầu. Nghĩ, chỉ cần con trai được họ hàng nhìn nhận, phải hy sinh bao nhiêu tôi cũng chấp nhận. Tôi bỏ công việc đang phát triển tốt đẹp, bán căn nhà nhỏ của hai vợ chồng, chuyển tất cả đồ đạc xuống vùng quê cách Sài Gòn 300 cây số, để… làm dâu.

Cuộc sống ở nhà chồng làm tôi vỡ mộng. Những háo hức ban đầu ngày một vơi đi, khi sự khách sáo dần được thay thế bằng sự suồng sã tới mức khiếm nhã của chị chồng. Suốt ngày chị vỗ vai tôi, xuề xòa: “Chị coi mày như em!”, rồi “thân mật” với tôi còn hơn cả chị gái. Lúc cần, chị chẳng ngại ngần lục lọi đồ đạc của tôi, tự ý lấy dùng. Có tôi về, chị đuổi người giúp việc. Cứ đến giờ phải cơm nước, quét dọn, chị lại giành bồng cháu, nhường tôi việc nhà. Nhiều đêm thức trắng vì con quấy khóc, sáng mai tôi vẫn phải dậy sớm để lo việc nhà. Mỗi lúc nghĩ về anh, về tương lai của con, tôi dặn mình ráng chịu chút thiệt thòi, để cho con được lớn lên giữa tình thương của họ hàng. Nhưng, mọi thứ vượt ra khỏi sức chịu đựng của tôi. Những lúc mệt mỏi, bực bội, chị lại trút hết lên đầu mẹ con tôi những lời miệt thị. Mẹ con tôi bị mặc định là kẻ ở nhờ thấp kém. Chiều chiều, tôi bỏ con vào chiếc xe đẩy, đẩy ra ngoài dạo chơi, chị dè bỉu: “Ai đời mới mất chồng mà… sang chảnh vầy!”, rồi cái xe đẩy cũng bị xếp xó.

Tôi thèm khát cuộc sống tự do trước kia, nhưng đường về mù mịt. Một lần tôi thử đề cập chuyện chuyển đi, anh chồng thẳng thừng tuyên bố, còn ở thì còn họ hàng, không thì là người dưng. Nghĩ cảnh con trai lớn lên không họ hàng, tôi đành cam chịu. Tôi bị mắc kẹt trong cuộc sống ngục tù này, giữa danh phận của con và cuộc sống tự chủ của mình.