
Theo các nguồn tin của Middle East Eye, động thái này cho thấy ý định của Ankara trong việc mở rộng hoạt động quân sự tại Syria sau khi chính phủ Bashar al-Assad sụp đổ vào tháng 12/2024. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dự định lắp đặt hệ thống phòng không nội địa Hisar tại căn cứ này, đồng thời đang thảo luận khả năng triển khai cả hệ thống S-400 do Nga sản xuất, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Moscow.

Bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ được xem như chiến lược hai mục tiêu: củng cố năng lực phòng thủ cho chính quyền mới ở Syria, đồng thời gia tăng chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) trong khu vực. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Israel, nước vừa tiến hành không kích vào T-4 vài ngày trước, và đặt ra những câu hỏi lớn về lợi ích của Mỹ tại Trung Đông.

Căn cứ T-4, còn được gọi là Tiyas, nằm ở tỉnh Homs của Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 225 km và nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Vị trí này khiến T-4 trở thành tài sản then chốt để kiểm soát không phận Syria – một yếu tố Ankara nắm bắt khi đàm phán một hiệp ước quốc phòng với chính quyền mới của Syria.

Nguồn tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu lập kế hoạch khôi phục và mở rộng căn cứ T-4, vốn đã bị hư hại nặng nề sau nhiều năm xung đột. Hệ thống Hisar – bao gồm các tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung do Roketsan và Aselsan phát triển – sẽ cung cấp khả năng phòng không tức thời cho căn cứ.

Trong khi đó, khả năng triển khai hệ thống S-400 – với tầm bắn tối đa 400 km – có thể thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ cũng dự kiến triển khai máy bay không người lái giám sát và tấn công tại T-4, bao gồm các mẫu UAV có khả năng tấn công tầm xa để mở rộng tầm ảnh hưởng trên sa mạc Syria.

Hệ thống Hisar được coi là biểu tượng cho tham vọng tự chủ quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ. Phát triển từ năm 2007, Hisar có hai phiên bản chính: Hisar-A (tầm ngắn) và Hisar-O (tầm trung). Phiên bản Hisar-O, dự kiến sẽ được triển khai tại T-4, có tầm bắn hơn 25 km (với phiên bản dẫn bằng sóng vô tuyến) và có khả năng đánh chặn máy bay, trực thăng, UAV và tên lửa hành trình ở độ cao tới 10.000 mét.

So với hệ thống Patriot của Mỹ (tầm bắn gần 160 km) hay S-400 của Nga, Hisar có tầm bắn hạn chế hơn nhưng lại linh hoạt hơn, yêu cầu hậu cần nhẹ nhàng hơn – một lợi thế lớn trong môi trường chiến tranh phức tạp như Syria.

Việc bổ sung S-400 mới thực sự là yếu tố "thay đổi cuộc chơi". Được Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga năm 2019 với giá 2,5 tỷ USD, S-400 có khả năng phát hiện và tiêu diệt từ máy bay tàng hình đến tên lửa đạn đạo ở độ cao lên tới 30.000 mét, tầm theo dõi radar 600 km và có nhiều phiên bản tên lửa khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của S-400 từng bị nghi ngờ sau các cuộc tấn công của Ukraine vào các vị trí được cho là do S-400 bảo vệ năm 2022, theo Forbes tháng 12/2024.

Để so sánh, hệ thống Patriot PAC-3 của Mỹ, dù có tầm bắn ngắn hơn (khoảng 35 km), lại vượt trội trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo nhờ công nghệ "đánh chặn bằng va chạm" hiện đại. Quyết định triển khai Hisar và S-400 đến Syria có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ gặp thêm nhiều rắc rối từ các đồng minh NATO. Việc mua S-400 từng dẫn đến khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng với Mỹ, khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình tiêm kích F-35 năm 2019.

Washington lo ngại radar của S-400 sẽ làm lộ dữ liệu về khả năng tàng hình của F-35. Dù Ankara cam kết giữ S-400 tách biệt khỏi mạng lưới NATO, lo ngại vẫn tồn tại, đặc biệt nếu S-400 được triển khai tại T-4, ngay cả chỉ trong giai đoạn xây dựng.

Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của Mỹ tại Syria – với khoảng 900 binh sĩ hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chống tàn quân ISIS – đứng trước thách thức mới, khi Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng ảnh hưởng quân sự tại khu vực trọng yếu này.